Sẽ sửa đổi điều lệ trường mầm non

GD&TĐ - Bộ GD&ĐT vừa công bố xin ý kiến dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Điều lệ trường mầm non.

Sẽ sửa đổi điều lệ trường mầm non

Những nội dung sửa đổi, bổ sung cụ thể gồm: Phân cấp quản lý nhà nước đối với nhà trường, nhà trẻ, nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập; điều kiện và thủ tục cho phép thành lập nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập; sáp nhập, chia, tách, đình chỉ, giải thể nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập...

Đồng thời, bổ sung nội dung: Trẻ khuyết tật được nhận vào nhà trường, nhà trẻ, nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập cao hơn tối đa 3 tuổi so với tuổi quy định.

Phân cấp quản lý

Về Phân cấp quản lý nhà nước đối với nhà trường, nhà trẻ, nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập: UBND quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về giáo dục đối với nhà trường, nhà trẻ trên địa bàn huyện.

UBND xã, phường, thị trấn thực hiện chức năng quản lý nhà nước về giáo dục đối với nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập trên địa bàn xã;

Phòng GD&ĐT thực hiện chức năng tham mưu, giúp UBND cấp huyện thực hiện chức năng quản lý nhà nước về giáo dục đối với nhà trường, nhà trẻ, nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập trên địa bàn huyện.

Điều kiện thành lập

Về điều kiện, hồ sơ, thủ tục, thẩm quyền cho phép thành lập nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập: Tổ chức, cá nhân đăng ký thành lập nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập được cấp có thẩm quyền cho phép thành lập khi bảo đảm các điều kiện sau:

Đáp ứng nhu cầu chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ của các gia đình; số lượng trẻ em trong nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập bảo đảm theo quy định;

Có giáo viên đạt trình độ theo quy định; có phòng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em và các thiết bị, đồ dùng, đồ chơi, tài liệu theo quy định tại Điều lệ.

Đình chỉ, thu hồi giấy phép thành lập

Nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập bị đình chỉ hoạt động giáo dục khi xảy ra một trong các trường hợp sau đây:

Vi phạm các quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giáo dục ở mức độ phải đình chỉ theo quy định hiện hành;

Không bảo đảm chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em; không bảo đảm một trong các điều kiện quy định.

Các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập bị giải thể và thu hồi giấy phép thành lập khi xảy ra một trong các trường hợp:

Không bảo đảm an toàn về tính mạng cho trẻ và cán bộ, giáo viên, nhân viên;

Vi phạm nghiêm trọng các quy định về quản lý, tổ chức, hoạt động của nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập;

Hết thời gian đình chỉ mà không khắc phục được nguyên nhân dẫn đến việc đình chỉ;

Mục tiêu và nội dung hoạt động của nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập không còn phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương;

Theo đề nghị chính đáng của tổ chức, cá nhân đứng tên xin thành lập nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập.

Cũng theo dự thảo quy định, theo dõi biểu đồ tăng trưởng của trẻ em: trẻ dưới 24 tháng tuổi một tháng cân và đo trẻ một lần; trẻ trên 24 tháng tuổi một quý cân và đo trẻ một lần.

Diện tích khu đất xây dựng nhà trường, nhà trẻ gồm: Diện tích xây dựng; diện tích sân chơi; diện tích cây xanh, đường đi. Diện tích sử dụng đất bình quân tối thiểu 12m2 cho một trẻ đối với khu vực nông thôn và miền núi; 8m2 cho một trẻ đối với khu vực thành phố và thị xã.

Đối với nơi khó khăn về đất đai, có thể thay thế diện tích sử dụng đất bằng diện tích sàn xây dựng và đảm bảo đủ diện tích theo quy định. UBND cấp huyện chịu trách nhiệm lập đề án báo cáo về việc sử dụng diện tích thay thế và phải được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt.

Phòng vệ sinh, đảm bảo 0,4 - 0,6m; đối với trẻ mẫu giáo có chỗ riêng cho trẻ em trai, trẻ em gái. Phòng vệ sinh được xây dựng liền kề với phòng sinh hoạt chung và đảm bảo giáo viên quan sát được khi trẻ ở trong đó.

Hiên chơi: Đảm bảo 0,5 - 0,7m2 cho một trẻ, chiều rộng không dưới 2,1m; có lan can bao quanh cao 0,8-1m, sử dụng các thanh đứng với khoảng cách giữa hai thanh không lớn hơn 0,1m.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhu cầu tuyển dụng lao động vào dịp cuối năm luôn “nóng” tại các doanh nghiệp. Ảnh minh họa: INT

Doanh nghiệp 'khát' lao động

GD&TĐ - Những tháng cuối năm luôn là thời điểm sôi động nhất của thị trường lao động, bởi hầu hết các doanh nghiệp phải chạy đua với thời gian

Minh họa/INT

Thưởng Tết - động lực để cống hiến

GD&TĐ - Ý nghĩa của thưởng Tết dù ít hay nhiều nhằm ghi nhận công lao, đóng góp của người lao động, đồng thời chính là thành quả mà người lao động tạo ra...