Dù vậy, khi Bộ Giao thông - Vận tải lấy ý kiến góp ý vào dự thảo quy hoạch tổng thể hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050, hàng loạt địa phương vẫn đề xuất bổ sung vào quy hoạch sân bay trên địa bàn mình.
Cụ thể, trong số hơn 20 địa phương đã gửi bản góp ý về Bộ Giao thông - Vận tải, có tới cả chục địa phương muốn sân bay mới hoặc nâng hạng từ nội địa lên quốc tế. Ví dụ, Hà Nội muốn có sân bay thứ 2 tại huyện Ứng Hòa.
Ninh Bình đề xuất quy hoạch sân bay tại huyện Yên Khánh dù tỉnh này chỉ cách sân bay Nội Bài (Hà Nội) vỏn vẹn 120 km, cách sân bay Thọ Xuân (Thanh Hóa) vài chục km, lại có đường cao tốc nối với Thủ đô. Kế đó, Bắc Giang đề xuất chuyển sân bay Kép vốn là sân bay quân sự thành sân bay lưỡng dụng, mà mục đích sử dụng dân sự là chủ yếu để phục vụ phát triển kinh tế.
Rồi đến Lai Châu, Ninh Thuận, Bạc Liêu, Cao Bằng, Hà Giang, Bình Phước..., địa phương nào cũng nói có lợi ích mới đề xuất bổ sung sân bay tại địa phương mình vào quy hoạch.
Hai tháng nữa mới hết hạn lấy ý kiến, số địa phương muốn có sân bay chắc không dừng lại ở đây. Câu hỏi đặt ra, vì sao các địa phương “khát” sân bay đến vậy?
Thông thường, khi có cảng hàng không, địa phương sẽ có lợi thế trong phát triển du lịch, kết nối giao thương và kêu gọi đầu tư. Thậm chí, khi sân bay mới chỉ được vào quy hoạch thì cũng đã tạo ra hiệu ứng tích cực như thúc đẩy kinh tế - xã hội (tất nhiên, kèm theo đó là cả mặt tiêu cực như tạo thông tin ảo, đẩy giá đất...).
Tuy nhiên, những lợi ích kể trên chỉ thành hiện thực nếu dự án xây dựng sân bay đó khả thi và có những dữ liệu cụ thể, thuyết phục chứng minh cho hiệu quả kinh tế trong tương lai. Thực trạng của các sân bay hiện có trên cả nước là điều mà các địa phương phải cân nhắc rất kỹ! Nếu xin vào quy hoạch chỉ để “xí chỗ” thì hệ lụy kéo theo cũng không hề nhỏ.
Quan trọng nhất, sân bay không phải của tỉnh! Quy hoạch tổng thể hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 mà Bộ Giao thông - Vận tải đang xây dựng mang trong mình tầm nhìn chiến lược và ở quy mô quốc gia.
Bởi vậy, đề xuất là việc của địa phương, còn thẩm định và đưa ra phương án như thế nào để trình Thủ tướng phê duyệt là việc của Bộ Giao thông - Vận tải. Theo đó, Bộ phải có cái nhìn tổng thể, ở tầm quốc gia và đặt trong cái nhìn dài hạn để có được hiệu quả kinh tế - xã hội bền vững cho cả nước.