Hà Nội đề xuất xây sân bay tại huyện Ứng Hòa

GD&TĐ - Cơ quan chức năng TP Hà Nội đang hoàn thiện văn bản để đề nghị Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) xem xét phương án bố trí sân bay thứ hai cho Vùng Thủ đô. Trong đó, cân nhắc lựa chọn vị trí tại khu vực phía Nam Hà Nội (huyện Ứng Hòa).

Theo TS KTS Đào Ngọc Nghiêm rất cần thêm một sân bay ở Hà Nội.
Theo TS KTS Đào Ngọc Nghiêm rất cần thêm một sân bay ở Hà Nội.

Quy mô diện tích khoảng 1.300 ha

Sở Quy hoạch - Kiến trúc (QHKT) Hà Nội vừa kiến nghị UBND thành phố giao Sở GTVT phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành liên quan và Tổng Công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải - Công ty Cổ phần (TEDI) xây dựng dự thảo văn bản của thành phố đề nghị Bộ GTVT xem xét phương án bố trí sân bay thứ hai cho Vùng Thủ đô Hà Nội.

Đồng thời, cân nhắc việc lựa chọn vị trí tại khu vực phía Nam Hà Nội (ngoài việc mở rộng, nâng công suất Cảng hàng không quốc tế Nội Bài lên 100 triệu hành khách/năm).

Trong kiến nghị, Sở QHKT cho biết, quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đang được Bộ GTVT triển khai theo nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 336/QĐ-TTg ngày 4/3/2020.

Trong đó, đánh giá việc phát triển mở rộng các cảng hàng không, đặc biệt là các cảng hàng không hiện hữu lớn như: Nội Bài, Cát Bi, Đà Nẵng, Long Thành... để có định hướng dự trữ đất đai phục vụ phát triển (thêm đường cất hạ cánh, công trình dịch vụ) hoặc nghiên cứu bổ sung cảng hàng không, sân bay mới.

Theo Quy hoạch xây dựng Vùng Thủ đô Hà Nội đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 490/QĐ-TTg ngày 5/8/2008, dự kiến sân bay thứ hai (sân bay quốc tế Nam Hà Nội) tại khu vực huyện Ứng Hòa (Hà Nội).

Theo đồ án điều chỉnh Quy hoạch xây dựng Vùng Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng phê duyệt ngày 6/5/2016, nội dung thuyết minh đồ án có nghiên cứu 4 phương án.

Cụ thể, sân bay tại khu vực huyện Lý Nhân (tỉnh Hà Nam), cách trung tâm Hà Nội 60 - 65km. Sân bay tại huyện Ứng Hòa (Hà Nội), cách trung tâm Hà Nội khoảng 35 - 40km. Sân bay tại huyện Thanh Miện và Bình Giang (tỉnh Hải Dương), cách trung tâm Hà Nội khoảng 45 - 50km.

Và sân bay tại huyện Tiên Lãng (TP Hải Phòng), cách trung tâm Hà Nội khoảng 120km. Như vậy, trong các nghiên cứu trước đây đã có phương án dự kiến bố trí sân bay thứ hai cho Thủ đô tại khu vực phía Nam Hà Nội.

Qua nghiên cứu, so sánh, Sở QHKT Hà Nội đánh giá, phương án bố trí sân bay thứ hai tại khu vực phía Nam Hà Nội có nhiều ưu điểm. Cụ thể, Sở QHKT Hà Nội chỉ rõ: Khoảng cách và thời gian tiếp cận tới trung tâm Hà Nội hợp lý. Sân bay xây dựng ở Ứng Hòa sẽ có khả năng kết nối giao thông thuận lợi, tiếp cận đồng thời với cả 3 loại hình giao thông là đường bộ, đường thủy và đường sắt.

Từ đó, thuận lợi về giải phóng mặt bằng, quỹ đất phát triển (có khả năng bố trí được sân bay với quy mô diện tích khoảng 1.300 ha) và có điều kiện phát triển các khu đô thị vệ tinh, khu công nghiệp, vận tải đa phương thức, hệ thống kho bãi, logistics; tạo động lực phát triển mới cho Thủ đô Hà Nội...

Cần thiết nhưng chưa cấp thiết

TS KTS Đào Ngọc Nghiêm - nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam.
 TS  KTS Đào Ngọc Nghiêm - nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam.

TS KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam khẳng định, đối với Vùng Thủ đô rất cần thêm một sân bay nữa. Sân bay mới phải lựa chọn, nghiên cứu vị trí cân đối về giao thông, liên kết vùng.

“Vị trí lựa chọn sân bay phải cân đối với các chính sách khác của Nhà nước như: An toàn lương thực, phòng chống bão lũ, thiên tai… Trước đó, do chưa đề cập liên quan đến ruộng trồng lúa nước, hoa màu liên quan đến an toàn lương thực. Tóm lại, việc đề cập xây dựng sân bay mới là việc làm cần thiết, tuy nhiên phải hết sức thận trọng, bảo đảm hài hòa các nhu cầu…”, TS KTS Nghiêm nhấn mạnh.

Ông Nghiêm cũng bày tỏ, sân bay mới chưa phải việc cấp bách. “Quy mô sân bay thế nào, cơ quan hữu quan cần nghiên cứu, tính toán sao cho phù hợp với nhu cầu thực tiễn. Trước đã có rất nhiều cơ quan chức năng đề xuất, nghiên cứu, tuy nhiên làm một sân bay toàn quốc có thể phải cần tới Quốc hội phê duyệt. Ví dụ: Như việc mở rộng sân bay ở Tân Sân Nhất, Quốc hội phải cho ý kiến.

Đối với Hà Nội theo quy hoạch dân số vùng, cần thêm sân bay mới. Tuy nhiên, chọn xây dựng sân bay ở đâu phải tính tới mối liên kết vùng. Đặc biệt, phải bảo đảm các chiến lược có liên quan như: Biến đổi khí hậu, an toàn lũ lụt và an toàn lương thực…”, TS KTS Nghiêm nhấn mạnh.

Về đề xuất làm sân bay tại huyện Ứng Hòa, TS KTS Nghiên chia sẻ: “Cần có vị trí cụ thể, không thể nói làm sân bay ở Ứng Hòa một cách chung chung. Vị trí cụ thể mới xem xét được có kết nối với giao thông hay không, đặc biệt là cao độ. Chưa xác định được vị trí thì không để đánh giá một cách cụ thể...!”, TS KTS Nghiêm nói.

Trước đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng giao Bộ GTVT nghiên cứu phương án mở rộng và điều chỉnh quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Nội Bài. Rà soát quy hoạch khu vực phía Bắc để nâng quy mô công suất khai thác đạt 50 triệu hành khách/năm.
Đồng thời nghiên cứu phát triển về phía Nam, bảo đảm đến năm 2050 đạt 80 - 100 triệu hành khách/năm. Yêu cầu UBND TP Hà Nội phối hợp với Bộ GTVT quản lý quỹ đất cho đầu tư mở rộng Cảng hàng không quốc tế Nội Bài theo tầm nhìn quy hoạch đến năm 2050.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ronaldo và Messi văng khỏi danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Ronaldo và Messi đón tin kém vui

GD&TĐ - Bộ đôi siêu sao của bóng đá thế giới vắng mặt trong danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Hậu phương yêu thương

GD&TĐ - Mấy hôm nay gió bấc đã tràn về đảo nhỏ. Lão gió gào thét lùng sục khắp các ngõ ngách, thấy cái gì cũng lật tung lên như thể để tìm kiếm thứ gì đó.