Hồ Kivu nằm trên biên giới Cộng hòa Rwanda và Cộng hòa Dân chủ Congo. Đây là hồ nước đặc biệt: Một lượng lớn methane (65 kilomet khối) hòa tan trong nước hồ. Từ vài chục năm nay, dân Rwanda cố gắng khai thác methane trong hồ, tuy nhiên hoạt động này chỉ diễn ra trên quy mô nhỏ (đủ để cung cấp một phần điện năng cho nhà máy bia Bralirwa ở địa phương hoạt động). Hiện giờ, chính phủ Rwanda mới cho lắp đặt một thiết bị lớn để khai thác methane từ nước hồ.
Thiết bị được đặt trên một chiếc sà lan có khối lượng 750 tấn. Nước giàu methane được lấy từ độ sâu 300 mét. Khí methane sau khi lọc sẽ được đưa vào bờ theo đường ống dưới nước để chạy động cơ phát điện công suất 26 MW (26 megawatt). Trong điều kiện của Rwanda, đây là lượng điện lớn, bởi mỗi năm quốc gia này chỉ sản xuất được khoảng 154 MW điện. Chỉ có khoảng 20% hộ gia đình được cung cấp điện.
Sắp tới đây thiết bị lọc khí methane sẽ được xây dựng mở rộng nhằm cung cấp khí cho nhà máy điện công suất 100 MW. Chính phủ Rwanda mong muốn tăng dần lượng khí khai thác để đạt tới mục tiêu là công suất 563 MW. Đây cũng chính là khả năng của hồ Kivu.
Ngoài cung cấp điện cho đất nước thì việc khai thác khí methane còn đảm bảo an toàn cho người dân địa phương. Các nhà khoa học ước tính rằng sau 50 – 200 năm nữa lượng khí methane trong nước hồ sẽ đạt tới điểm bão hòa và khí methane sẽ bắt đầu bốc hơi vào không khí. Điều này có thể gây nổ.
Tại khu vực xung quanh hồ, người ta cũng đã tìm thấy những dấu vết của những vụ nổ như vậy. Các nhà khoa học cho rằng cứ 1.000 năm thì lại xảy ra hiện tượng “hồ nước nổ” một lần. Bởi vì xung quanh hồ Kivu ngày nay có khoảng 2 triệu người sinh sống nên đây sẽ là tai nạn khủng khiếp.
Các nhà khoa học chưa biết tường tận khí methane trong nước hồ từ đâu mà ra. Có thể đó là kết quả của liên kết các yếu tố địa chất (hoạt động núi lửa) và sinh học (phân rã sinh khối trong các tầng nước sâu).
Nồng độ carbon dioxide cao trong nước hồ Kivu cũng tạo ra mối nguy hiểm. Nếu như khí này bắt đầu bốc hơi, thì nó sẽ làm người dân ở khu vực xung quanh ngạt thở. Nếu carbon dioxide đột ngột bốc hơi thì còn có thể xảy ra hiện tượng sóng thần.
Kivu là hồ nước duy nhất chứa methane hòa tan với nồng độ cao. Các hồ nước chứa carbon dioxide thì có nhiều, chẳng hạn như hồ Nyos ở Cameroon. Vào năm 1986, một lượng lớn carbon dioxide trong nước hồ được giải phóng, tạo thành cột nước cao tới 100 mét.