Robot hướng về lòng nhân ái

GD&TĐ - Từ trước tới nay chăm sóc người già là công việc của những người thân trong gia đình. Thế nhưng bằng sự sáng tạo của mình, một nhóm SV Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM đã mày mò chế tạo thành công robot đút thức ăn cho người già nhằm “chuyên môn hóa” công việc này, giảm bớt vất vả trong việc chăm sóc cho người già.

Robot hướng về lòng nhân ái

Người máy đút ăn cho người già

Đó là sản phẩm của các SV thuộc khoa Cơ khí chế tạo máy Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TPHCM: La Hoàng Thắng, Trần Tấn Thanh, Ngô Xuân Cường, Nguyễn An Duy.

Không chỉ là công việc đơn thuần nghiên cứu khoa học, sản phẩm của nhóm SV trẻ còn chứa đựng tính nhân văn cao cả mà đầu tiên là bắt nguồn từ ám ảnh nỗi khổ của người thân ăn uống khó khăn khi tuổi về chiều.

Nhìn vào chiếc máy tự động có tên Robot đút cho người già ăn tại Trung tâm nuôi dưỡng người già Thiên Ân, quận Thủ Đức, TPHCM nhiều người đã thật sự ngạc nhiên và khâm phục.

Ngay cả người thật nếu đút thức ăn cho người lớn tuổi không khéo léo thì cũng có thể gặp những sự cố xảy ra như: thức ăn được múc quá nhiều hoặc quá ít, thực phẩm có thể bị trào ra ngoài… Tuy nhiên với chàng robot làm bằng máy tất cả mọi thao tác thật sự nhuần nhuyễn.

La Hoàng Thắng – nhóm trưởng, giới thiệu nhóm gồm 4 thành viên khoa cơ khí chế tạo máy. Ngoài Thắng, ba thành viên còn lại có nhiệm vụ tính toán thiết kế phần cơ khí, lập trình app trên window để điều khiển thiết bị từ xa. Công việc chính của nhóm trưởng Thắng là thiết kế mạch điện, lập trình chế độ hoạt động, lập trình app trên điện thoại android.

Khi được hỏi đâu là ý tưởng để các bạn tạo ra robot đút ăn cho người già, Hoàng Thắng nhớ lại: “Từ thực tế các ông bà trong gia đình khó khăn trong việc tự ăn uống và đi khảo sát ở viện dưỡng lão tụi em đã lên ý tưởng làm robot này. Việc ứng dụng những kiến thức từ môn học như robot, kiến thức về điện tử, lập trình… cũng đã giúp cho công trình thành công hơn”.

Nói về nguyên lý vận hành của máy, Thắng hào hứng giải thích một cách chi tiết : “Nguyên lý của robot gồm 2 phần là mâm xoay và tay đút thức ăn (xem ảnh). Mâm xoay để lựa chọn món ăn và tay đút để đưa thức ăn từ mâm đến miệng người ăn”.

Theo Hoàng Thắng, do có cấu tạo đặc biệt nên máy có 3 cách điều khiển. Trước hết là vận hành qua thiết bị điều khiển cầm tay: gồm 2 nút điều khiển, điều khiển không dây qua sóng RF để cài đặt vị trí đút, chọn món thức ăn và đút thức ăn cho người bệnh.

Cách thứ hai là điều khiển qua ứng dụng trên điện thoại android. Đây là sự kết nối với thiết bị qua bluetooth. Ưu điểm của cách điều khiển này là bạn có thể chỉnh chế độ múc riêng biệt cho từng món ăn như canh, cơm, cháo để việc múc được tối ưu hơn và ít để lại thức ăn thừa.

Đó cũng là cách có thể cài đặt chế độ múc tự động cho máy tự đút đến khi hoàn thành mà không cần phải trực tiếp điều khiển, tính thời gian bữa ăn, thống kê dinh dưỡng cho bữa ăn theo ngày và theo từng lần đút vẽ thành biểu đồ.

Cuối cùng là chế độ điều khiển qua ứng dụng trên máy tính. Cách kết nối với thiết bị qua bluetooth này có thể điều khiển thiết bị từ xa qua mạng internet và thiết lập các chế độ hoạt động như trên ứng dụng điện thoại.

Bước qua khó khăn để sáng tạo

Bất kỳ con đường nào mới mở lối đều có những khó khăn ban đầu. Đối với nhóm của Hoàng Thắng cũng không ngoại lệ. Bên cạnh thuận lợi là được sự giúp đỡ tận tình của thầy hướng dẫn tạo điều kiện tốt nhất để thực hiện đề tài, nhóm cũng gặp những khó khăn ban đầu như: kinh phí còn hạn chế.

Vì là SV nên tiền bạc không bao nhiêu trong lúc đó cả nhóm phải giải được bài toán: “đầu tiên là tiền đâu?” để mua trang thiết bị làm nên hình hài robot.

Khi robot đã được sinh ra các thành viên cũng chưa thỏa mãn vì: “Ước gì lúc đó có đủ tiền để mua những thiết bị tốt nhất phục vụ cho đề tài”. Đối với SV quỹ thời gian cũng không được bỏ phí nên cả nhóm phải vừa làm vừa đi học trên trường nên cũng còn hạn chế.

Tuy chỉ là robot đơn giản nhưng sau khi ra đời không thể nói hết niềm vui sướng của 4 thành viên vì tính ứng dụng thực tiễn. SV Trần Tấn Thanh hào hứng cho biết: “Mục đích để tạo ra robot là giúp việc chăm sóc người già dễ dàng hơn và giúp họ giảm đi sự tự ti, áp lực khi phụ thuộc quá nhiều vào con cái hoặc người chăm sóc”.

Tuy nhiên hạn chế của robot là chỉ múc được các loại thức ăn như cơm cháo còn những loại thức ăn dạng sợi dài như mì, bún, phở thì vẫn chưa được do múc bằng muỗng”. Đây chính là điều mà các bạn vẫn còn lăn tăn và tìm hướng khắc phục mới.

Những lần đi thực nghiệm và ngồi cặm cụi làm chính là những kỉ niệm đẹp đáng nhớ. Từng trang ký ức đẹp đẽ này chắc chắn mãi đi theo các em trong suốt chặng đời đang chờ đón ở phía trước.

Thành công trong nỗi vui mừng, các bạn vẫn đưa ra dự định sắp tới là sẽ cố gắng hoàn thiện nhất robot để có thể ứng dụng nó vào thực tế sớm nhất thì việc nghiên cứu và chế tạo mới có ý nghĩa.

Lần sung sướng nhất của nhóm chính là khi máy được thực nghiệm lần đầu tiên ở Trung tâm nuôi dưỡng người già Thiên Ân, giúp đút các cụ ở đó ăn một cách dễ dàng hơn.

Khi có người nêu ý kiến: “Người già cần được chăm sóc bằng chính con cái, người thân của mình. Họ cần sự yêu thương cảm thông từ người thân, con cháu”, Hoàng Thắng trả lời ngay:

“Vấn đề này tụi em đã nghĩ đến ngay từ khi bắt đầu thực hiện, nhưng ở đây muốn nhấn mạnh rằng máy chỉ là thiết bị hỗ trợ đút thức ăn cho người già chứ không thay thế hoàn toàn con người cũng như người thân trong việc chuẩn bị thức ăn và cài đặt hoạt động cho máy.

Máy chỉ giúp tiết kiệm thời gian cho việc đút ăn và người thân hoàn toàn có thể điều khiển nếu muốn. Đồng thời máy cũng có thể điều khiển từ xa qua internet nên những người thân hay con cái ở xa cũng có thể đút cho cha mẹ hoặc ông bà mình ăn mà không cần có mặt ở đó, tạo cho họ có cảm giác như đang chăm sóc người thân của mình dù đang ở bất kì đâu”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhu cầu tuyển dụng lao động vào dịp cuối năm luôn “nóng” tại các doanh nghiệp. Ảnh minh họa: INT

Doanh nghiệp 'khát' lao động

GD&TĐ - Những tháng cuối năm luôn là thời điểm sôi động nhất của thị trường lao động, bởi hầu hết các doanh nghiệp phải chạy đua với thời gian

Minh họa/INT

Thưởng Tết - động lực để cống hiến

GD&TĐ - Ý nghĩa của thưởng Tết dù ít hay nhiều nhằm ghi nhận công lao, đóng góp của người lao động, đồng thời chính là thành quả mà người lao động tạo ra...