Vượt lên chính mình
Tại Lễ tuyên dương HS giỏi TP năm học 2016-2017, Trần Phan Thanh Hải nhận được sự quan tâm rất nhiều của các bậc phụ huynh, các đại biểu. 16 tuổi, Hải trông bé nhỏ như cậu bé tiểu học bởi bị teo cơ, hai chân liệt, tay và xương sống cũng khá yếu, không thể đi lại bình thường. Hải đến lễ tuyên dương trên chiếc xe lăn và mẹ em-chị Phan Thị Quỳnh Mai là người theo sau khiến ai cũng cảm phục.
Nhiều học sinh giỏi đã có vài lần cùng được lên nhận phần thưởng với Hải tại lễ tuyên dương chia sẻ, “chúng em biết bạn Hải từ hồi học THCS khi đi nhận giải thưởng cùng, bạn Hải học giỏi lại rất thân thiện”.
Được biết, hồi nhỏ Hải khá yếu nhưng em vẫn đi đứng, vui đùa bình thường như bao đứa trẻ khác. Khi Hải lên 4 tuổi, cơ hai chân có dấu hiệu bị teo. Gia đình đưa em đi chữa trị nhiều nơi mà không khỏi. Kể từ đó, cơ hai chân cứ teo dần rồi liệt luôn. Vài năm trở lại đây, di chứng bệnh lại khiến cột sống của em bị vẹo, hai tay run, yếu đi. Những ngày thời tiết bình thường thì ít đau nhưng khi trái gió trở trời, em luôn bị đau nhức.
Mẹ Hải cho biết, bà vô cùng hạnh phúc khi Hải liên tiếp giành được nhiều phần thưởng trong quá trình học tập từ hồi học THCS đến nay. “Dù cơ thể không lành lặn như các bạn nhưng cháu luôn lạc quan, yêu cuộc sống và nỗ lực học tập. Đó là điều may mắn và hạnh phúc đối với tôi”, bà nói.
Ngày ngày, mẹ và Hải di chuyển khoảng 5-6km từ quận 8 sang quận 3 để em theo học. Ngày nắng cũng như ngày mưa chưa hôm nào Hải nghỉ học. Trước đó, khi còn học THCS nhà em trọ ở lầu 5, hằng ngày mẹ cõng Hải lên xuống đưa em tới trường. Thương mẹ, để bù đắp cho sự hi sinh của mẹ, Hải đã luôn cố gắng và năm học nào cũng đạt danh hiệu học sinh giỏi. Mới đây nhất, năm học 2016-2017, Hải đạt điểm tổng kết cả năm lớp 10 là 9,2. Đặc biệt Hải rất đam mê nghiên cứu khoa học, và thực tế đã sáng chế ra vài sản phẩm có tính thực tiễn cao.
Ngoài các thành tích trong học tập, Hải từng được vinh dự nhận giấy khen của Chủ tịch UBND quận 3 về “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và danh hiệu Cháu ngoan Bác Hồ cấp quận và TP năm học 2012-2013, 2014-2015. Bên cạnh đó em cũng rất thích chơi cờ vua, và đã từng giành liên tiếp huy chương vàng cấp quận ở các lớp 6, 7, 8. Và giải thưởng “to” nhất là chiếc huy chương vàng đồng đội cấp toàn quốc năm 2014.
Đam mê nghiên cứu khoa học
Năm 2015, tại cuộc thi sáng tạo dành cho thanh thiếu nhi TPHCM lần X, Hải lúc đó mới học lớp 9 đã tham gia với đề tài Hệ thống cửa khóa trong, tự động mở khi có số điện thoại cho phép. Đề tài yêu cầu Hải phải ứng dụng kiến thức tin học, lập trình các phần mềm lẫn kiến thức về điện dân dụng, vi mạch điện tử khiến em gặp không ít khó khăn. Đặc biệt là kiến thức về vi mạch điện tử em chưa được làm quen. Tuy nhiên, dưới sự giúp đỡ của thầy cô, bạn bè trong trường và sự cố gắng của bản thân, Hải đã hoàn thành tốt và xuất sắc giành giải nhì của bảng B cuộc thi. Hải cho biết: “Hệ thống khóa, mở cửa tự động được lập trình dưới dạng sim điện thoại. Sim này được kết nối với sim điện thoại thông thường của người chủ nhà. Thông qua thao tác gọi, người chủ có thể mở, đóng cổng khi đứng ở bất cứ nơi nào. Và chỉ khi chủ nhà hoặc người thân đăng ký mới có thể dùng”.
Năm học 2016-2017, khi vào học lớp 10 tại Trường THPT Marie Curie, lúc trường phát động cuộc thi nghiên cứu khoa học, từ những khó khăn của bản thân, Trần Phan Thanh Hải đã nảy ra ý tưởng sáng chế ra robot hỗ trợ người bị bại liệt. Em đem ý tưởng này trao đổi với bạn cùng lớp là Nguyễn Lâm Tường, sau đó cả hai đã bắt tay cùng nghiên cứu và đã chế tạo thành công sản phẩm Robot hỗ trợ đa ngành nghề dành cho người bị bại liệt. Đề tài đã xuất sắc giành giải Ba cấp quốc gia tại cuộc thi Khoa học kỹ thuật quốc gia năm 2017 dành cho HS trung học.
Trần Phan Thanh Hải đang giới thiệu về đề tài Robot hỗ trợ đa ngành nghề dành cho người bị bại liệt |
Khi được hỏi về ý tưởng của đề tài, Hải chia sẻ: Nó xuất phát từ chính nhu cầu thực tế của em, việc học và mọi sinh hoạt em đều cần sự hỗ trợ. Nếu có một robot tự động giúp cho người bại liệt thì mọi sinh hoạt của họ sẽ dễ dàng hơn.
Để làm được robot này, Hải và bạn Tường phân công nhau xác định hướng nghiên cứu, tìm nguyên liệu và học lập trình. Ban đầu, sản phẩm hướng tới việc hỗ trợ giáo viên trong giảng dạy, giúp người khuyết tật việc nội trợ và những sinh hoạt giản đơn hằng ngày. Theo đó, Hải phụ trách về phần điện dân dụng, vi mạch điện tử còn bạn Tường phụ trách lập trình phần mềm cho robot.
Với sản phẩm này, robot được điều khiển bằng cử chỉ mắt của người khuyết tật. Bộ phận tiếp nhận lệnh được gắn trên xe lăn, vừa tầm mắt với người bại liệt. Tiếp đó, Hải nâng công suất hoạt động của robot, đồng thời nâng cấp điều khiển tự động qua phần mềm trên điện thoại di động. Từng công đoạn, đôi bạn phải thử đi thử lại nhiều lần mới cho ra sản phẩm ưng ý nhất để đem dự thi.
Nói về những dự định trong tương lai của mình, Hải cho biết em rất muốn được vào học ngành kỹ thuật của Trường ĐH Bách khoa TPHCM để theo đuổi đam mê sáng tạo. Bởi khi được học nhiều, nghiên cứu sâu hơn, Hải sẽ tiếp tục thực hiện những dự định còn ấp ủ như sáng tạo ra bộ bàn tay, bàn chân giả, giúp người khuyết tật như em có thể tự phục vụ sinh hoạt cá nhân hàng ngày cũng như tự đi lại…