Cách đây vài tháng, tại kỳ họp HĐND tỉnh, có vị lãnh đạo của tỉnh nọ đã phát biểu rằng, anh em cảnh sát giao thông cũng nên “nương tay” một chút trong việc đo nồng độ cồn chứ làm gắt vậy ảnh hưởng đến việc kinh doanh ăn uống, nhất là các quán nhậu vừa mới phục hồi sau đại dịch Covid-19.
Cũng mới đây, người đứng đầu TPHCM - Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên, cũng nói một ý là cần “cân nhắc” khi đo tỉ lệ nồng độ cồn. “Tăng cường kiểm soát nồng độ cồn nhưng cần kiểm tra cách làm có phù hợp, có quá hay không để điều chỉnh” - ông Nên nêu ý kiến chung quanh việc đo nồng độ cồn hiện nay tại TPHCM.
Tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, không ít đại biểu cho rằng, việc làm gắt gao hiện nay của cảnh sát giao thông để đo nồng độ cồn là cần thiết, song đo như thế nào, liều lượng bao nhiêu thì cần phải xem lại để điều chỉnh sao cho phù hợp, khỏi ảnh hưởng đến sự phát triển của kinh tế - xã hội.
Rồi các đại biểu đó dẫn chứng rằng, một người chỉ cần ăn món lẩu gà nấu bia hoặc tôm nấu bia - thực đơn khá phổ biến hiện nay nhưng ra đường, khi được đo nồng độ cồn là “dính” ngay. Thậm chí có người chỉ uống vài chai vui với bạn ngay tại nhà mình, nhưng sáng hôm sau chạy xe đi làm, nếu đo nồng độ cồn cũng sẽ bị phạt như thường.
Đã có những tranh luận khá gay gắt, ủng hộ có, phản đối có của người dân, nhất là trên các diễn đàn mạng xã hội chung quanh những phát biểu trên đây, từ ông chủ tịch tỉnh ở miền Tây, đến người đứng đầu TPHCM lẫn các đại biểu Quốc hội.
Tuy nhiên, cuối cùng thì trong những ngày qua, việc đo nồng độ cồn đối với người tham gia giao thông vẫn diễn ra rất quyết liệt, đến mức, bản thân những cảnh sát giao thông của tỉnh, từng đi đo nồng độ cồn người khác nhưng hễ uống rượu bia mà lái xe thì vẫn bị công an của Bộ Công an kiểm tra bất ngờ và phạt như thường. “Không có vùng cấm” là từ rất “hot” hiện nay khi đề cập đến việc đo nồng độ cồn.
Câu hỏi được đặt ra lúc này là: Làm thế nào để các quán nhậu, nhà hàng và ngành sản xuất bia rượu vẫn kinh doanh thuận lợi nhưng người uống bia rượu vẫn không bị xử phạt khi đo nồng độ cồn? Quả thật rất khó để thỏa mãn cả hai phía nói trên.
Nếu áp dụng phương thức đo nồng độ cồn ở mức nào thì mới bị phạt, điều này dễ dẫn đến tình trạng du di, “co giãn” mỗi khi đo. Tiêu cực cũng sẽ xuất hiện chỗ đo “co giãn” này. Vì vậy, việc giữ nguyên quan điểm hễ uống bia rượu mà lái xe là phạt cũng một cách ngăn ngừa tiêu cực đối với bộ phận làm nhiệm vụ đo nồng độ cồn vậy.
Vậy thì có cách nào để không ảnh hưởng đến sản xuất rượu bia và kinh doanh nhà hàng quán nhậu mà người uống bia rượu vẫn không bị phạt? Không khó để xử lý tình huống này, đó là khi ăn nhậu thì nên đi Grab hoặc taxi. Hoặc nếu là tài xế thì tuyệt đối không được uống bia rượu để còn đưa các “chiến hữu” về tận nhà!
Sẽ rất nhiêu khê khi áp dụng cách này vì thông thường, mấy anh đi nhậu tốn cả triệu bạc thì không tính nhưng đi Grab chỉ dăm bảy chục ngàn thì lại đắn đo. Còn một khi đã đi với bạn nhậu, ngồi chung trong bàn thì rất khó “nhịn” uống để chở bạn nhậu về.
Sẽ rất khó khăn khi từ bỏ một thói quen, nhưng cứ thử tập dần đi, riết rồi cũng sẽ quen như ta quen với chiếc mũ bảo hiểm vậy. Đã uống rượu bia thì không lái xe! Mọi người nên thuộc câu này trước khi ngồi vào bàn nhậu.