Mới đây, chuyện “đúng quy trình” lại được vận dụng vào việc xét nghiệm để đo nồng độ cồn trong máu của nạn nhân - em Hồ Hoàng Anh, học sinh lớp 12 Trường PTTH chuyên Lê Quý Đôn, tỉnh Ninh Thuận.
Sáng 28/6, em Hồ Hoàng Anh đi xe máy đến trường để làm thủ tục dự thi tốt nghiệp THPT, trên đường về thì bị tai nạn dẫn đến tử vong. Người gây tai nạn là một quân nhân, lái ô tô chạy cùng chiều với Hoàng Anh.
Câu chuyện sẽ đơn giản hơn nếu tài xế gây tai nạn và Bệnh viện Đa khoa Ninh Thuận trung thực khi báo cáo vụ việc và nhận lỗi về mình. Dư luận cũng sẽ không phẫn nộ và bố em Hoàng Anh cũng không nhọc công để “theo đến cùng vụ việc” suốt hơn một tháng qua.
Nhận kết quả xét nghiệm nồng độ cồn trong máu của con, ông Hồ Hoàng Hùng, bố em Hoàng Anh, mới tá hỏa khi nhìn vào chỉ số 0,79mg/100ml máu. Sự việc xảy ra vào giữa buổi sáng, em Hoàng Anh từ nhà đến trường để làm thủ tục dự thi, hoàn toàn không sử dụng bia rượu, kể cả tối hôm trước, em cũng không dùng giọt nào, ấy thế mà trong máu nạn nhân lại có cồn, với mức độ như thế thì không một ai có thể tin được.
Khi dư luận phản đối sự bất hợp lý này thì lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa Ninh Thuận lại cho rằng, họ đã làm “đúng quy trình” khi xét nghiệm. Chỉ đến khi Cơ quan điều tra Công an TP Phan Rang - Tháp Chàm vào cuộc, đưa ra một số yêu cầu về nghiệp vụ, buộc lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa Ninh Thuận trả lời thì họ mới thừa nhận là nhân viên xét nghiệm máu đã không tuân thủ các quy trình. Trái bóng trách nhiệm, thay vì nhận về mình, một lần nữa, lãnh đạo bệnh viện lại “đá” qua cho thuộc cấp!
Chưa hết, người gây tai nạn dẫn đến cái chết của em Hoàng Anh cũng thừa nhận là anh ta đã sử dụng điện thoại trong lúc gây tai nạn, sau khi trích xuất một số camera xung quanh hiện trường thì biết rằng, sau khi Hoàng Anh té ngã, tài xế ô tô xuống xe, vừa đi vừa nghe cuộc điện thoại dở dang.
Chỉ đến khi các công cụ hỗ trợ cho việc điều tra như trích xuất camera an ninh, trình các thủ tục xét nghiệm máu thì các bên liên quan đến cái chết của em Hoàng Anh mới thừa nhận mình sai.
Vì sao “trước thì đúng quy trình mà sau lại sai?”. Có phải vì sợ trách nhiệm theo một phản xạ mang tính bản năng nếu thừa nhận lỗi về mình hay là còn một điều gì khuất tất phía sau? Chắc chắn rồi đây, cơ quan điều tra sau khi khởi tố vụ án như thông báo tại cuộc họp báo chiều 2/8 sẽ có câu trả lời thỏa đáng.
Tuy nhiên, trong vụ việc này, cả người gây tai nạn lẫn lãnh đạo Bệnh viện Ninh Thuận đều mắc một lỗi lớn, đó là thiếu trung thực. Núp bóng “đúng quy trình” để chối tội, đổ lỗi cho cấp dưới và thoát tội không chỉ là vi phạm về mặt đạo đức, mà còn là tội ác.
Hơn một tháng qua, gia đình Hoàng Anh vừa đau đớn vì mất con lại vừa phải chịu oan là “con uống bia rượu nên mới bị tai nạn” bởi sự thiếu trung thực này. Thật quá xót xa!