Trong điều kiện dịch bệnh Covid-19, thực hiện theo văn bản hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các sở Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo, hướng dẫn cơ sở giáo dục tổ chức các hình thức dạy học thích ứng, linh hoạt để hoàn thành nhiệm vụ kép, vừa phòng chống dịch Covid-19 đảm bảo an toàn trường học, vừa hoàn thành chương trình giáo dục theo đúng kế hoạch, thời gian năm học. Theo đó, hình thức dạy học trực tuyến được sử dụng rộng rãi, giúp học sinh tạm dừng đến trường nhưng không dừng học.
Giáo viên vất vả hơn trong điều kiện vừa dạy trực tuyến, vừa dạy trực tiếp.Tuy nhiên, một số địa phương bày tỏ băn khoăn vì chưa có quy định cụ thể, mang tính pháp lý thống nhất trong toàn quốc về quy đổi giờ dạy thông thường (dạy học trực tiếp) sang giờ dạy trực tuyến.
Về vấn đề này, tại hội nghị trực tuyến đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ học kỳ I năm học 2021-2022 đối với giáo dục phổ thông sáng 18/2, ông Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết:
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành công văn số 1366/BGDĐT-NGCBQLGD, hướng dẫn một số nội dung về chế độ làm việc, nghỉ hè đối với giáo viên trong thời gian phòng, chống dịch Covid-19 năm học 2019- 2020.
Theo công văn này, căn cứ vào tình hình thực tế tổ chức dạy học, giáo dục của nhà trường và các hoạt động cụ thể của giáo viên, hiệu trưởng trao đổi với tổ/nhóm chuyên môn để xác định số tiết thực dạy và tính toán, quy đổi thời gian thực hiện các công việc chuyên môn khác ra tiết dạy, từ đó xác định tổng số tiết dạy của giáo viên (trong đó có cả tiết quy đổi).
Ngoài ra, nếu giáo viên được giao nhiệm vụ xây dựng kế hoạch, tổ chức dạy học qua Internet, trên truyền hình được dùng chung cho nhiều nhóm/lớp, nhiều cấp học hoặc địa phương thì hiệu trưởng nhà trường căn cứ vào điều kiện cụ thể và tính chất công việc để tính toán, quy đổi thành số tiết dạy phù hợp đối với giáo viên đó hoặc tính toán, quy đổi cho cả những người cùng tham gia đảm bảo đúng người, đúng việc.
Việc quy đổi số tiết dạy của giáo viên phải có ý kiến đồng ý bằng văn bản của trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo (đối với cấp mầm non, tiểu học, trung học cơ sở) hoặc giám đốc sở Giáo dục và Đào tạo (đối với cấp trung học phổ thông) theo quy định.
“Việc này giao trách nhiệm cho hiệu trưởng các nhà trường, vì tổ chức dạy học trực tuyến rất đa dạng. Ở các trường khác nhau, mức độ giao nhiệm vụ cho giáo viên cũng khác nhau. Nên đề nghị hiệu trưởng căn cứ tình hình thực tế để xác định số tiết dạy thực, tính toán quy đổi các công việc chuyên môn khác ra tiết dạy để báo cáo cấp có thẩm quyền, thực hiện việc thanh toán giờ giảng cho giáo viên” – ông Vũ Minh Đức cho hay.