"Vầng trăng khuyết - vẻ đẹp sâu lắng lên ngôi

"Vầng trăng khuyết - vẻ đẹp sâu lắng lên ngôi

(GD&TĐ) - Bỏ lại sau lưng những khiếm khuyết về cơ thể,  vượt lên  sự mặc cảm tự ti, 10 cô gái xinh đẹp đã tỏa sáng trên sân khấu cuộc thi "Vẻ đẹp vầng trăng khuyết "vừa diễn ra tại Hà Nội. Họ đã mang lại cho khán giả và cộng đồng xã hội những xúc cảm đặc biệt từ vẻ đẹp  sâu lắng của nghị lực, trí tuệ và những tài năng tiềm ẩn...

Mười vầng trăng sáng

Chuyện đời của mỗi thí sinh đã là những thông điệp lớn gửi tới toàn xã hội. Họ là tấm gương của sự vươn lên, khẳng định giá trị bản thân bất chấp hoàn cảnh khó khăn.  Đây là lần đầu tiên, những người khuyết tật tự đứng ra tổ chức sân chơi cho riêng mình. Bởi không chỉ các thí sinh  là người khuyết tật mà trong BTC, giám khảo đều có  người khuyết tật tham gia. Bản thân trưởng ban tổ chức Trịnh Công Thanh cũng từng bị ung thư xương, phải cắt bỏ một chân. Nghệ sĩ nhiếp ảnh Bùi Đăng Thanh bị đạn cối của địch “tiện” mất tay phải trong chiến dịch mùa khô năm 1971. Tình nguyện viên hỗ trợ trực tiếp các thí sinh Bùi Thế Hùng cũng là hội viên Hội Thanh niên khuyết tật TP Hà Nội. Không muốn thí sinh tốn kém tiền bạc khi phải đi về Hà Nội thực hiện các yêu cầu và để tạo điều kiện tối đa cho các ứng viên, 3 người các anh đã tình nguyện di chuyển khắp các tỉnh từ Bắc chí Nam, đến tận nhà chấm điểm, chụp ảnh thí sinh chuẩn bị cho đêm chung kết. Thành viên BGK có khi còn kiêm luôn việc bê đỡ, dìu dắt thí sinh khi phải di chuyển từ nơi này qua nơi khác để chụp hình. Không dồi dào về tài chính, nhưng giỏi thuyết phục và vận động, anh Thanh và các cộng sự đã nỗ lực huy động được nguồn lực để cuộc thi được tổ chức với quy mô hoành tráng và để lại tiếng vang.

Nguyễn Thị Ngọc Hoà - Thí sinh giành giải Gương mặt khả ái
 Nguyễn Thị Ngọc Hoà - Thí sinh giành giải Gương mặt khả ái

Tiến sĩ Nhân trắc học Thẩm Hồng Điệp, vị giám khảo quen thuộc của các cuộc thi Hoa hậu Việt Nam cũng nhiệt tình tham gia vai trò  giám khảo trong cuộc thi này.  Ngôi vị hoa hậu được lựa chọn theo tiêu chí thí sinh có gương mặt sáng đẹp, cân đối; có tài năng, có sức lan tỏa và ảnh hưởng trong cộng đồng người khuyết tật. 10 thí sinh lọt vào chung kết, mỗi người một vẻ, họ đem đến cuộc thi những mảnh ghép cuộc đời mình với mong  muốn mở lòng để có thêm những người bạn, được có thêm những trải nghiệm và những bài học mới để hoàn thiện bản thân và sống có ý nghĩa hơn. Với chủ đề “Hình thể của tôi, tài năng của tôi”,  10 thí sinh đã trải qua 3 phần thi: Trang phục tự chọn, tài năng và phần thi ứng xử. Là những cô gái khuyết tật, nhưng khi đứng trên sân khấu, cả 10 thí sinh đã hoàn toàn chinh phục khán giả về sự tự tin và những tiết mục tài năng độc đáo, ý nghĩa. Họ đúng là những bông xương rồng rực rỡ, ngát hương.

Lê Thị Thúy Đoan (24 tuổi) là thí sinh khiếm thính duy nhất lọt vào vòng chung kết. Không nghe cũng không nói được, Đoan giao tiếp bằng ngôn ngữ cử chỉ nên Đoan "trả lời phỏng vấn bằng  tay". Cô gái đặc biệt ăn ảnh với nụ cười tươi tắn luôn thường trực trên môi.

Vương Thị Bích Việt (Quảng Ninh) từng có tương lai tươi sáng khi đang du học ngành truyền thông.  Năm 2007, một tai nạn  bất ngờ  khiến Việt từ bỏ con đường học tập. Một thời gian dài, cô rơi vào trạng thái tuyệt vọng, chán chường. Khi những so sánh mất mát nguôi ngoai dần theo thời gian, Việt tìm thấy niềm vui cho cuộc sống mới bằng khả năng viết sách. Những trang viết xúc động, đầy  nhân văn của Việt đã được một số NXB tuyển chọn in thành sách. Hiện giờ, cô gái này đã có cho riêng mình 2 tác phẩm: tập truyện ngắn "Chỉ là yêu thôi" mà và truyện dài "Bản sao không hoàn hảo".

Nguyễn Thị Ánh Ngọc giành ngôi vị Hoa hậu của người khuyết tật
Nguyễn Thị Ánh Ngọc giành ngôi vị Hoa hậu của người khuyết tật

 Không đầu hàng số phận

Trong chuyến về Hà Nội "thi hoa hậu" lần này, Việt kết hợp dự lễ ra mắt cuốn sách thứ ba "Cuộc đời thật hoàn hảo" do một nhà sách tại Hà Nội nhận phát hành và quảng bá. Để cuộc sống của mình không rơi vào tình cảnh phụ thuộc, là gánh nặng của người thân, Việt mở lớp ôn luyện tiếng Anh cho học sinh thi đại học gần nhà và thường xuyên dạy tiếng Anh miễn phí cho người khuyết tật chưa từng gặp mặt hay quen biết ở diễn đàn trên internet. Việt coi đó là cách giúp mọi người xung quanh tiếp cận với nhiều cơ hội tốt hơn trong cuộc sống. Việt chân thành bộc bạch: Tai nạn khiến vẻ ngoài của em không còn như trước, không có nhiều người khen em xinh nữa. Nhưng em tin rằng mình vẫn đẹp bởi vẫn được yêu thương, biết cách yêu thương và luôn mỉm cười lạc quan giữa cuộc sống khó khăn này.  Việt đã giành giải Thí sinh tài năng tại cuộc thi.

"Vầng trăng khuyết - vẻ đẹp sâu lắng lên ngôi ảnh 3
Thí sinh Nguyễn Thị Hậu (29 tuổi, Duy Tiên, Hà Nam) SV Trường CĐ Y tế Hà Nội giành giải nhì  cuộc thi

Nguyễn Thị Ánh Ngọc, 21 tuổi, quê ở Hải Dương, là người khuyết tật vận động. Ngọc bị chứng cong vẹo cột sống bẩm sinh. Em phải đeo áo nẹp chỉnh hình trong nhiều năm. Chiếc áo khiến cơ thể chịu nhiều đau đớn. Không đầu hàng, Ngọc luôn cố gắng học giỏi nhất lớp và giữ cương vị lớp trưởng trong suốt nhiều năm liền.  Năm Ngọc học lớp 8,  gia đình quyết định mổ cho em với chứa chan hy vọng cải thiện được sức khoẻ và vóc dáng cho em nhưng ca phẫu thuật đã không thành công và di chứng của nó để lại thật khắc nghiệt khiến Ngọc bị tàn phế đôi chân. Đôi chân của con gái mất hoàn toàn cảm giác, cha mẹ Ngọc suy sụp tinh thần. Bản thân cô gái nhỏ sau những đau đớn vì bệnh tật phải trải qua cũng thấy buồn khổ và bi quan. Làm quen với chiếc xe lăn, cô bé học cách chấp nhận hoàn cảnh, đối mặt với thực tế. Bất hạnh là vậy nhưng Ngọc luôn lạc quan và tự hào vì có cha mẹ luôn ở bên lo lắng, săn sóc yêu thương hết mực.

Dành mọi tập trung cho việc học hành, kiên trì trên hành trình chiến thắng sự nghiệt ngã của số phận, Ngọc đã  thi đỗ vào  Trường  ĐH KHXH&NV. Nhưng  bố mẹ ra sức ngăn cấm để Ngọc ở nhà bởi sợ con sẽ cơ cực vất vả khi về Hà Nội. Ngọc phải “đấu tranh” với những người ruột thịt để đến giảng đường. Hiện giờ,  với  sự trợ giúp từ bạn bè và người em họ,  cô SV năm thứ 3 khoa Tâm lý học Nguyễn Thị Ánh Ngọc đang nỗ lực phấn đấu để chinh phục ước mơ trở thành nhà trị liệu tâm lý.  Ngọc cũng là hội viên của trung tâm Sống độc lập người khuyết tật Hà Nội. Ngọc quan niệm: "Không gì là không thể, phải có ước mơ mới có hiện thực”. Nhờ có cách nghĩ và có lối sống lạc quan, tích cực, Ánh Ngọc trở thành một cô gái đầy tự tin, dám đối mặt với thử thách của số phận. Ngọc đã  chủ động đăng kí tham gia cuộc thi "Vẻ đẹp vầng trăng khuyết" sau khi biết đến qua diễn đàn người khuyết tật. Ngọc chia sẻ: Tham gia cuộc thi này, em mong muốn có thêm nhiều người biết và quan tâm tới cuộc sống của người khuyết tật. Đây cũng là cơ hội để  những người khuyết tật chúng em thể hiện khả năng của bản thân, khẳng định những gì  có thể làm được. Cuộc thi này mở ra cơ hội cho phụ nữ khuyết tật nói chung trong đó em có nhiều cơ hội hơn trong cuộc sống và tình yêu. Vượt qua tất cả  các thí sinh, xuất sắc tự tin  trong phần thi ứng xử “Số phận đã khiến tôi trở thành một ngọn nến cong nhưng ngọn nến cong đó giờ đang trưởng thành và sẽ tỏa sáng", cô gái xinh đẹp này đã  đăng quang trong niềm hạnh phúc dạt dào…

Anh Trịnh Công Thanh - Chủ tịch hội Thanh niên khuyết tật, Trưởng BTC Liên hoan Vẻ đẹp vầng trăng khuyết - người chắp cánh cho ý tưởng này thành hiện thực, chia sẻ: “Liên hoan Vẻ đẹp vầng trăng khuyết 2013” được phát động từ tháng 10/2012 (với tên gọi cũ là cuộc thi Hoa hậu người khuyết tật), nhằm hưởng ứng ngày Người khuyết tật Việt Nam 18/4/2013. Đây là cuộc thi tài sắc của phụ nữ khuyết tật lần đầu tiên tại Việt Nam. Cuộc thi khuyến khích người khuyết tật, đặc biệt là phụ nữ khuyết tật, thể hiện khả năng và nói lên tiếng nói của chính mình, từ đó thay đổi các quan niệm không bình đẳng về năng lực và quyền của người khuyết tật.

Hơn 70 nữ thanh niên khuyết tật đã gửi hồ sơ đăng ký tham gia Liên hoan, 15 thí sinh lọt vào bán kết. Trong số đó, có đến 5/10 thí sinh phải ngồi trên xe lăn. Dựa trên kết quả, đi thăm, phỏng vấn và chấm điểm thí sinh tại nhà, qua 2 vòng thẩm định, BGK vòng bán kết đã chọn được 10 thí sinh tiêu biểu nhất dự vòng chung kết”. Cuộc thi này, BTC chấm giải không căn cứ theo số đo 3 vòng và BTC cũng không yêu cầu thí sinh phải tham gia các hoạt động xã hội.

Kỳ Vũ

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Những ký ức trong tim

Những ký ức trong tim

GD&TĐ - Những năm tháng học trò là quãng thời gian đáng nhớ nhất, là lúc ta được trải nghiệm những giây phút vui buồn, với bao nhiêu khoảnh khắc không thể phai nhạt.