(Tiếp theo kỳ trước)
(GD&TĐ) - Mạng lưới buôn bán tình dục giăng mắc với nhau bằng những mối chỉ vô hình. Các chuyên gia, công tố viên và các học giả đều cho rằng loại tội phạm này rất khó nắm bắt. Nhiều trường hợp, chính các nạn nhân cũng không nghĩ rằng mình là nạn nhân.
Theo Liên Hiệp Quốc, hiện tượng này là rất phổ biến. Mạng lưới buôn người trải rộng toàn cầu khiến hàng triệu người trở thành nạn nhân, trong đó phần lớn là phụ nữ và trẻ em, bị buôn bán trong nước hay xuyên biên giới, thông qua các mánh khóe lừa gạt, lôi kéo hoặc ép buộc, biến họ trở thành những nô lệ thời hiện đại. Kevin Bales, tác giả cuốn sách “Người dùng một lần: Nô lệ kiểu mới trong nền kinh tế toàn cầu”, cho rằng có sự khác biệt giữa hình thức nô lệ truyền thống với hiện đại. Đó là trong thời hiện đại, hoàn toàn không có giấy tờ khẳng định quyền sở hữu của chủ đối với nô lệ; khả năng thu lợi nhuận cực cao; và bản chất tạm thời của sự lạm dụng đồng nghĩa với việc “quay vòng” nạn nhân liên tục.
Phụ nữ và trẻ em là đối tượng sẵn sàng lùng của nạn buôn người |
Sau buôn lậu ma túy và vũ khí, tình trạng buôn người là một “ngành công nghiệp” bất hợp pháp có lợi nhuận cao nhất. Cũng theo Bales, có khoảng 27 triệu nô lệ trên toàn thế giới, mang lại khoảng 32 tỷ dollar hàng năm (theo Văn phòng chống tội phạm và ma túy Liên Hiệp Quốc). Ở những nơi như Guatemala, quá trình rửa tiền từ công nghiệp này lại quá dễ dàng. Đây là một trong chín nước duy nhất trên thế giới mà ngân hàng không thể thẩm tra một cách hợp pháp xem nguồn thu của khách hàng có khớp với lượng tiền gửi trong ngân hàng hay không.
Khai thác tình dục đã trở thành tội phạm kinh niên ở Guatemala, nhưng dường như những hộp đêm và quán bar vô danh và khách hàng thường xuyên của chúng đã trở nên “vô hình” trước sự kiểm soát. Xã hội và luật pháp đều bỏ mặc tình trạng này. Năm 2009, Hội đồng Thanh thiếu niên quốc gia Guatemala ước tính có khoảng 15.000 thanh thiếu niên là nạn nhân của nạn buôn người ở đất nước này. Con số thực còn lớn hơn nhiều.
Chỉ tính riêng trong tháng 8.2012, Văn phòng Tổng chưởng lý Guatemala đã nhận được 446 báo cáo về nạn buôn người. Năm 2009, trước tình trạng báo động về các dạng tội phạm, chính phủ đã thành lập Văn phòng chống Bạo lực, khai thác tình dục và buôn người. Ngoài ra còn có nhiều cơ quan, văn phòng khác tham gia chống tệ nạn kể trên, tuy nhiên, dường như các cơ quan này chỉ lo những vụ việc cụ thể mà chưa kiểm soát được cốt lõi của vấn đề. Cũng trong năm 2012, bất luận việc pháp luật cấm mại dâm, những “công nhân tình dục” đã được phát thẻ y tế, trong đó có ghi thông tin họ có bị nhiễm bệnh lan truyền qua đường tình dục hay không. Giới luật chỉ trích Bộ Y tế nước này công khai thừa nhận mại dâm, khiến những người phụ nữ càng dễ bị tổn thương trước nạn mại dâm đang ngày càng nở rộ.
(Còn tiếp)
NN (lược dịch)