"Hai không" Mấy điều suy ngẫm

"Hai không" Mấy điều suy ngẫm

(GD&TĐ) - Năm học 2006-2007 đi vào lịch sử của nền giáo dục Việt Nam với dấu mốc quan trọng: Năm học "Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục" (gọi tắt là "Hai không"). 4 năm trôi qua, "Hai không" thực sự là cuộc vận động lớn, có sức lay động và lan tỏa không chỉ trong ngành giáo dục mà còn trên cả bình diện toàn xã hội.

"Hai không" là thước đo, là tấm gương để qua đó, mỗi thầy cô giáo, mỗi học sinh, sinh viên và rộng hơn là mỗi công dân kiểm chứng lại chính bản thân mình. Trong bối cảnh xã hội phải đối mặt với nhiều biểu hiện tiêu cực, thoái hóa, biến chất..., mặt trái của cơ chế thị trường thì "Hai không" được kỳ vọng là bước đột phá trong khâu then chốt- sự nghiệp trồng người.

Thực trạng nền giáo dục Việt Nam trước...."hai không"

Trước năm 2006, những biểu hiện tiêu cực trong lĩnh vực giáo dục khá phổ biến. Tiêu cực hiển hiện ở khắp mọi nơi, từ công tác tuyển sinh, phương pháp dạy và học đến sử dụng, cấp phát văn bằng, chứng chỉ...Đặc biệt những biểu hiện tiêu cực trong thi cử đã trở thành căn bệnh nhức nhối của ngành giáo dục. Ở một số địa phương nạn quay cóp trong thi cử đã trở thành đại dịch. Mỗi mùa thi là mùa làm ăn phát đạt của các nhà hàng photocopy, kết thúc mỗi buổi thi, phao thi rải trắng sân trường...

Xin điểm lại một số vụ tiêu cực được coi là điển hình trong những năm trước khi có "Hai không". Năm 2000, Bộ GD-ĐT tiến hành thẩm định kết quả chấm thi tốt nghiệp THPT tại 5 tỉnh: Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Thái Nguyên, Tiền Giang, Bến Tre. Bộ đã phát hiện nhiều trường hợp sửa chữa học bạ, viết thêm vào bài thi để nâng điểm tốt nghiệp ở Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Thái Nguyên. Kết quả là 30 học sinh bị tước danh hiệu tốt nghiệp loại giỏi và hàng chục giáo viên bị kỷ luật. Cũng trong thời gian này xuất hiện tiêu cực “chạy giải” học sinh giỏi để được tuyển thẳng vào ĐH. Năm 2005, cả tỉnh Thái Bình bị sốc vì 7 giải nhất học sinh giỏi quốc gia lớp 12 môn tin học đã bị hủy kết quả vì bài làm giống nhau đến từng chi tiết, kể cả những chi tiết sai. Đây không phải là lần đầu tiên có trường hợp phải hủy kết quả trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia vì gian lận tập thể.

Đặc biệt nghiêm trọng là vụ nâng điểm thi tốt nghiệp THPT cho 1700 học sinh ở tỉnh Bạc Liêu năm học 2005-2006 liên quan đến 74 đối tượng, trong đó có 38 cán bộ, giáo viên trong ngành giáo dục.

Tuy nhiên, vụ vi phạm quy chế thi tốt nghiệp THPT ở Hà Tây mới thực sự là giọt nước tràn ly. Đoàn thanh tra của Bộ GD-ĐT được tận mắt chứng kiến cảnh phao thi ném rào rào qua cửa phòng thi ở hội đồng thi Phú Xuyên A. Ngày 21/6/2006, Sở GD-ĐT Hà Tây thành lập đoàn thanh tra xuống công tác tại 3 hội đồng thi: THPT Phú Xuyên A, Đồng Quan và Dân lập Xuân Mai. Theo kết quả điều tra có trên 70 người liên quan đến vụ tiêu cực bị xử lý, trong đó có 9 lãnh đạo Hội đồng thi, 40 giám thị, bảo vệ, nhân viên phục vụ và 23 thí sinh dự thi. Trên đây chỉ là 3 trường hợp nổi bật diễn ra tại 3 địa phương khác nhau. Những hiện tượng tiêu cực đại loại như thế có mặt ở hầu hết các “tế bào giáo dục”, làm xói mòn các nguyên tắc cơ bản của giáo dục và gây bao hậu quả nghiêm trọng cho xã hội. Thực trạng tiêu cực trong thi cử đã đến hồi báo động, nó triệt tiêu động lực học tập để vươn lên bởi một lẽ đơn giản: không cần học vẫn có kết quả như ý muốn!?

 Nói như Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân khi đó, rằng sở dĩ vẫn còn hiện tượng gian lận trong thi cử là do “ba suy thoái”: suy thoái về đạo đức trong học sinh, trong thầy cô giáo và trong xã hội. Tiêu cực trong thi cử đã trở thành căn bệnh nguy hiểm đối với xã hội, bị sức ép từ nhiều phía và có sự tham gia của nhiều lực lượng xã hội khác nhau. Điều quan trọng, những tiêu cực trong giáo dục đã thực sự làm băng hoại về mặt đạo đức đối với lớp trẻ- những chủ nhân tương lai của đất nước. “Nếu ngành giáo dục và toàn xã hội không có các biện pháp khẩn cấp và thật đặc biệt thì tiêu cực này sẽ trở thành một đại họa của dân tộc”- Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân khẳng định.

"Hai không" từ đòi hỏi bức thiết của xã hội

Trước đòi hỏi cấp thiết của xã hội, của nền kinh tế hội nhập và phát triển, ngành giáo dục phải có những giải pháp cụ thể trong sự nghiệp đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, tại Hội nghị tổng kết năm học 2005-2006 và đề ra nhiệm vụ cho năm học mới được tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh, 64 Giám đốc Sở GD-ĐT của các tỉnh, thành cùng nhiều giáo viên có thành tích cao trong việc xác lập kỷ cương, trật tự trong thi cử đã sát cánh cùng Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân phát động cuộc vận động: “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục” (gọi tắt là “hai không”). Tại đây, lãnh đạo Bộ và các Giám đốc Sở GD-ĐT ký bản cam kết gửi lên Chủ tịch Nước, Chủ tịch Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ. Ngày 26,28 và 30/8/2006, tại Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh và Hà Nội Bộ chủ trì làm việc với Hiệu trưởng các trường ĐH, cán bộ Đoàn, Hội sinh viên các trường ĐH để triển khai cuộc vận động. Ngày 8/9/2006, Bộ tham mưu để Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 33/2006/CT-TTg về “Chống tiêu cực và khắc phục bệnh thành tích trong giáo dục”.

Có thể khẳng định, ngay từ lúc mới phát động, cuộc vận động “Hai không” đã nhận được sự quan tâm ủng hộ của lãnh đạo chính quyền các cấp, sự đồng tình và ủng hộ của toàn xã hội, sự hưởng ứng mạnh mẽ của các cán bộ quản lý giáo dục, các thầy cô giáo cũng như đông đảo học sinh, sinh viên trong toàn ngành. Hưởng ứng "Hai không", không ít Sở GD-ĐT đưa thêm nội dung "không đọc-chép", "Nói không với vi phạm đạo đức nhà giáo" và những nội dung khác vào chương trình cuộc vận động thành "Ba không" hay "Bốn không"...

“Hai không” có sức lan tỏa mãnh liệt, trở thành chủ đề thảo luận trong mỗi cơ quan, công sở, mỗi quán nước vỉa hè, các bữa cơm thân mật của mỗi gia đình. “Hai không” như một luồng gió mới làm thay đổi cách tư duy, nhìn nhận từng hiện tượng, sự việc diễn ra trong đời sống xã hội chứ không còn là chuyện riêng của ngành giáo dục.

Cuộc vận động
Cuộc vận động "Hai không" đã thực sự lan tỏa qua các kỳ thi

Theo báo cáo của Bộ GD-ĐT, sau hơn 2 tháng triển khai cuộc vận động “Hai không”, Bộ đã xử lý dứt điểm 16 vụ việc trong ngành. Đó là vụ gian lận thi cử ở Hội đồng thi tại Trường THPT Vân Tảo, Thường Tín, Hà Tây, vụ “loạn thi” ở Trường THPT Nam Đàn 2, Nghệ An, vụ tiêu cực tại kỳ thi tốt nghiệp bổ túc THPT đặt tại Trường THCS Trừ Văn Thố, Cai Lậy, Tiền Giang, vụ “không học mà có điểm kiểm tra môn mỹ thuật” ở Trường THCS Ngọc Lâm, Long Biên, Hà Nội; vụ bớt xén khẩu phần ăn ở Trường mầm non Chim non, Hà Nội; vụ “đổi điểm lấy tình” ở Trường CĐ Phát thanh-Truyền hình I, Hà Tây... Đặc biệt, Bộ GD-ĐT đã xử lý nghiêm túc vụ gian lận thi tuyển công chức ngay trong “đại bản doanh” của Bộ...

Sau 4 năm thực hiện, cuộc vận động "Hai không" đã góp phần không nhỏ làm chuyển biến thực trạng của nền giáo dục nước nhà. Tiêu cực trong thi cử, đặc biệt trong kỳ thi THPT không còn là nỗi bức xúc của toàn xã hội. Nếu như ở kỳ thi tốt nghiệp THPT 2005-2006 các lực lượng an ninh của nhiều hội đồng thi phải vất vả để bảo vệ trường thi thì đến năm 2011, chuyện đó đã được giải quyết triệt để. Tình trạng HS vi phạm quy chế thi cũng giảm hẳn. Theo báo cáo của Bộ GD-ĐT, số thí sinh bị đình chỉ thi đã giảm: năm 2007 (lần 1 có 2.621 thí sinh bị đình chỉ thi, lần 2 có 1.612 trường hợp); năm 2008: 1.076 trường hợp; năm 2009: 299 trường hợp; năm 2010: 90 trường hợp; năm 2011: 45 trường hợp. Tương tự như vậy, số giám thị vi phạm quy chế thi cũng giảm: năm 2007 (lần 1 có 33 trường hợp, lần 2 có 4 trường hợp); năm 2008: 14 trường hợp; năm 2009: 3 trường hợp; năm 2010: 1 trường hợp; năm 2011: 4 trường hợp.

Chính từ kết quả thực chất của kỳ thi tốt nghiệp THPT và bổ túc THPT năm 2007 với nhiều địa phương đạt tỷ lệ tốt nghiệp giáo dục THPT dưới 50% (trong khi đó năm 2006 toàn quốc đạt 94%), cấp ủy và chính quyền các địa phương đã chỉ đạo công tác giáo dục tập trung hơn, hiệu quả hơn, chất lượng giáo dục thực tế dần được nâng lên: năm 2008 tỷ lệ tốt nghiệp giáo dục THPT (lần 1) là 76%, tăng hơn 9% so với năm 2007; năm 2009 tỷ lệ tốt nghiệp là 83% (không tổ chức thi tốt nghiệp lần 2), tăng 7% so với năm 2008, tăng 16% so với năm 2007; năm 2010 tỷ lệ tốt nghiệp là 92,57%, tăng 8,97% so với năm 2009; năm 2011 tỷ lệ tốt nghiệp là 95,72%, tăng 3,15% so với năm 2010.

Chưa hết, chuyện vi phạm đạo đức nhà giáo cũng có nhiều chuyển biến tích cực. Nếu năm 2007 có 200 trường hợp nhà giáo vi phạm thì năm 2008 còn 122 trường hợp, năm 2009 còn 24 trường hợp, năm 2010 còn 11 trường hợp và đến tháng 6/2011 chỉ còn 3 trường hợp, nhiều địa phương không có trường hợp nào vi phạm. Có thể khẳng định: cùng với phong trào thi đua "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực" và cuộc vận động "Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo", "Hai không" đã góp phần quan trọng trong việc thiết lập lại trật tự kỷ cương, trung thực, công bằng và khuyến khích sáng tạo trong môi trường sư phạm.

Mấy đánh giá về "Hai không"

Công bằng mà nói, sau 4 năm thực hiện, những cống hiến của "Hai không" đối với nền giáo dục nước nhà là hoàn toàn không nhỏ. Có thể khẳng định, cuộc vận động "Hai không" đã làm thay đổi diện mạo của nền giáo dục nước nhà. Vượt lên trên cả mục đích chống gian lận trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục, ở mức độ nhất định, "Hai không" đã thực sự làm thay đổi lối tư duy và thói ứng xử dối trá đang trở thành đại dịch trong xã hội chúng ta. Ý nghĩa xã hội của cuộc vận động "Hai không" ở chỗ, ngành giáo dục đã nhận về mình vai trò tiên phong, tạo ra bước đột phá trong công cuộc lập lại kỷ cương, lập lại công bằng xã hội.

Tuy nhiên, với một xã hội còn không ít tiêu cực, đặc biệt là bệnh sính thành tích như xã hội ta hiện nay, để một cuộc vận động như "Hai không" bén rễ và ăn sâu vào môi trường giáo dục, vào từng cơ quan, tổ chức, nhà trường hay trong tư duy của mỗi con người, trở thành ý thức xã hội lại là chuyện không hề đơn giản. Ngay từ lúc ra đời, cuộc vận động "Hai không" đã vấp phải những trở lực vô cùng ghê gớm. Đó là những tư tưởng bảo thủ, lạc hậu trong mỗi con người, đó là bệnh thành tích như cái "vòng kim cô" trói buộc sức lớn của một thể chế xã hội nói chung, nền giáo dục nói riêng. Và nữa, để thay đổi từ nếp nghĩ đến hành động của mỗi con người cần phải có thời gian và những giải pháp cụ thể, cần sự chung vai gánh vác của toàn xã hội. Trong hoàn cảnh của xã hội ta hiện nay, với khoảng thời gian 4 năm là quá ít để có thể làm thay đổi cả ý thức xã hội.

Vậy mà những ngày gần đây, mượn cớ kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT 2011 cao đột biến, nhiều ý kiến cực đoan đã vội vã kết luận: Hai không bị phá sản!

Xin hãy bình tĩnh để tránh những đánh giá mang tính chủ quan, bởi đằng sau những con số khô khan của kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay là cả một quá trình phấn đấu không ngừng của ngành GD, đặc biệt là những nỗ lực vượt bậc của các thầy cô giáo và các em học sinh.

Dù rằng đâu đó vẫn còn hiện tượng tiêu cực trong thi cử, nhưng không thể vì những hiện tượng cá biệt đó mà phủ nhận kết quả của cả kỳ thi.

Nếu bình tĩnh một chút chúng ta sẽ thấy rằng, một cuộc vận động với quy mô rộng lớn trong toàn xã hội như "Hai không" không thể chỉ được đánh giá bằng kết quả của một kỳ thi!

Ấy là chưa kể kỳ thi THPT năm nay được đánh giá là an toàn, nghiêm túc và đúng quy chế. Những hội đồng thi nổi tiếng là "nóng" trước khi có "Hai không" nay đã bình yên, nghiêm túc trở lại. Không còn hiện tượng "phao thi rải trắng sân trường" sau mỗi buổi thi, không còn hiện tượng trèo tường ném phao thi ào ào qua cửa sổ phòng thi như Thanh tra Bộ GD-ĐT đã được chứng kiến năm nào. Môi trường sư phạm trở nên lành mạnh hơn, thân thiện hơn, dân chủ hơn... Dạy thật, học thật đã phát huy tác dụng trong việc cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho sự nghiệp CNH, HĐH đất nước. Những thành quả rõ ràng như vậy chẳng phải là kết quả của cuộc vận động "Hai không"?!

Phải khẳng định, cuộc vận động "Hai không" có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với đời sống xã hội nói chung, với ngành giáo dục nói riêng. Chính vì vậy, hưởng ứng "Hai không" không chỉ là trách nhiệm mà còn là nghĩa vụ của mỗi chúng ta. Mọi biểu hiện phủ định "Hai không", quay lưng lại với "Hai không" là đi ngược với xu hướng tiến bộ của xã hội.

Anh Phương

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhu cầu tuyển dụng lao động vào dịp cuối năm luôn “nóng” tại các doanh nghiệp. Ảnh minh họa: INT

Doanh nghiệp 'khát' lao động

GD&TĐ - Những tháng cuối năm luôn là thời điểm sôi động nhất của thị trường lao động, bởi hầu hết các doanh nghiệp phải chạy đua với thời gian

Minh họa/INT

Thưởng Tết - động lực để cống hiến

GD&TĐ - Ý nghĩa của thưởng Tết dù ít hay nhiều nhằm ghi nhận công lao, đóng góp của người lao động, đồng thời chính là thành quả mà người lao động tạo ra...