Giờ đây, những câu chuyện xoay quanh chủ đề này cũng được giới trẻ quan tâm và hưởng ứng. Nhân tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa bạo lực trên cơ sở giới, nhiều bạn trẻ đã cùng nhau chia sẻ quan điểm xoay quanh vấn đề này, đặc biệt là yêu thương không định kiến.
Yêu thương không định kiến là gì?
Là một sinh viên của Học viện Báo chí & Tuyên truyền, bạn Bá Khải thường xuyên tham gia các hoạt động trong đoàn trường, cũng như các hoạt động ngoại khóa dành cho sinh viên. Khải chia sẻ: “Đối với mình thì “Yêu thương không định kiến” là bản thân mình không áp đặt, không tạo áp lực đối với người mình yêu thương bằng bất cứ một tiêu chuẩn nào do chính bản thân mình, hay là do sự kỳ vọng của xã hội đặt ra. “Yêu thương không định kiến” có nghĩa là hãy yêu thương chân thành, hãy thể hiện sự quan tâm thực chất, để từ đó tạo ra hạnh phúc đích thực”.
Cùng quan điểm với Khải, bạn Huyền Anh, 21 tuổi tại Hà Nội bày tỏ quan điểm: “Yêu là yêu thôi.Trước đây mình cũng từng ép buộc người yêu mình nhiều quá, muốn anh phải thế này thế kia, phải như người này người nọ, giờ mình nhận ra rằng yêu là cho đi, cùng vượt qua, cũng như chấp nhận mọi điều thứ đối phương và cùng sửa sai”.
Trong khi đó với bạn bạn Lam Điền, sinh viên Đại học RMIT “Tình yêu không phân biệt giới tính, vùng miền hay sắc tộc, mà chỉ đơn thuần là tình cảm giữa con người với con người”. Với nhiều bạn trẻ khác, yêu thương cũng là vượt qua những tiêu chuẩn rập khuôn của xã hội để hiểu và trân trọng hơn những giá trị của bản thân.
Làm gì khi đối mặt với định kiến về giới?
Trong cuộc sống hàng ngày, không khó để chúng ta bắt gặp những tình huống hay những hành động mang định kiến hoặc khuôn mẫu giới. Nhiều bạn nam chia sẻ những định kiến với bản thân phải luôn là người mạnh mẽ và kiên cường, tuyệt đối không được khóc, và cần là người chủ động trong các mối quan hệ.
Còn với một số bạn nữ, áp đặt từ chính người thân yêu cầu phải giỏi việc bếp núc, phải dịu dàng, nết na, phải biết quán xuyến gia đình, thậm chí áp lực về kết hôn cũng gây ra sự mệt mỏi cho người trong cuộc.
Đối mặt với vấn đề này, bạn Đặng Thị Mỹ Linh, sinh viên Đại học Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp Hà Nội chia sẻ: “Người lớn thì rất khó để xóa bỏ suy nghĩ là con trai thì không phải rửa bát, vì thế nên mình đã giải thích cho các em của mình hiểu rằng vấn đề rửa bát không là của riêng một ai, và các em cũng có thể làm việc rửa bát này trong gia đình”.
Với góc nhìn đối với áp lực trong chuyện lấy vợ, chồng từ chính bố mẹ và người thân, bạn Nguyễn Thùy Linh, nhân viên văn phòng tại Hà Nội cho biết, bản thân cũng không phản ứng quá mạnh với bố mẹ. Linh cho rằng rằng kết hôn là lựa chọn của cá nhân, không phải chịu áp lực quá từ những người khác nên không cần phải bàn luận quá nhiều, dễ dẫn đến sứt mẻ tình cảm gia đình.
Còn đối với bạn Trần Đại Nghĩa, 21 tuổi, sống tại Hà Nội, thì giới trẻ ngày nay cũng tự nhận thức khá nhiều về những định kiến hay khuôn mẫu giới, và vẫn đang nỗ lực cùng nhau thay đổi từ chính bản thân mình: “Câu chuyện định kiến cho nam hay nữ xuất phát từ việc mình không nhận ra sự công bằng giữa hai giới, nên bản thân mỗi bạn trẻ cần nhìn nhận rõ hơn rằng bất kỳ giới tính nào cũng đều xứng đáng được tôn trọng”.
Rất nhiều những chia sẻ từ các bạn trẻ về chủ đề “Yêu thương không định kiến” trong 2 tuần qua trong chiến dịch cùng tên do Quỹ Vì Tầm Vóc Việt khởi xướng, thực hiện và được tài trợ bởi Viện Giáo dục và Thúc đẩy Bình đẳng giới Hàn Quốc (KIGEPE).
Đây là chiến dịch hưởng ứng tháng hành động vì bình đẳng giới năm 2021 với mục đích khuyến khích công chúng, đặc biệt là các bạn trẻ thay đổi thái độ, nhận thức và hành vi đối với các định kiến giới và khuôn mẫu giới còn đang tồn tại.
Xem thêm các hoạt động của chiến dịch tại: https://www.facebook.com/events/309482560757804