Cán bộ tư vấn phải gần gũi thân thiện
Do những biến động tâm lý về lứa tuổi và những tác động từ hoàn cảnh xã hội, mà nhiều học sinh rất cần tới sự trợ giúp từ các cán bộ tư vấn học đường. Tuy nhiên phần đông học sinh khi được hỏi về điều này cho biết: Khi gặp những rắc rối về tâm lý, các em thường lựa chọn việc chia sẻ với bạn gái hoặc những chị lớn tuổi hơn. Một số em có thể chia sẻ với mẹ. Các em đều cho rằng việc các nhà trường thành lập phòng tư vấn học đường là cần thiết. Song khi tìm sự trợ giúp tại đây, các em vẫn khá ngại ngần vì sợ các thông tin của mình không được giữ kín. Thậm chí khi đến phòng tư vấn nhiều em còn xấu hổ, sợ các bạn nhìn thấy sẽ bàn tán dị nghị.
Chị Mai Anh, công tác tại Công ty Bảo hiểm Việt Nam, tâm sự: Con gái chị năm nay 14 tuổi nhưng đã thích một bạn trong lớp và thường hay giận dỗi nhau. Cháu cũng tin tưởng kể điều này với mẹ và tìm lời khuyên từ mẹ. Bản thân chị cũng phân tích và khuyên nhủ con, nhưng chị cũng e ngại sợ cách giải quyết của mình chưa hẳn đã phù hợp với tuổi các con bây giờ. Vì vậy chị khuyên con nên tìm thêm sự tư vấn từ phòng tư vấn tại trường. Song cháu đã bày tỏ rằng, sợ chuyện yêu đương của mình được nhiều người biết đến, nên nhất quyết không chọn giải pháp này.
Việc hỗ trợ, chia sẻ, can thiệp và giúp đỡ học sinh giải quyết các khó khăn về tâm lý là rất cần thiết. Để phòng tư vấn học đường trở thành nơi tin tưởng, được các em học sinh tìm tới khi gặp khúc mắc, đòi hỏi các cán bộ tư vấn không chỉ am hiểu về các kỹ năng tư vấn mà phải tạo được sự tin cậy, thân thiện.
Cần những nguyên tắc khi hỗ trợ tâm lý
Để các cán bộ tư vấn thực hiện tốt được công việc này, các nhà trường cần tăng cường bồi dưỡng, nâng cao năng lực chuyên môn, phẩm chất, cho đội ngũ những người tư vấn tâm lý, để họ trở thành những người có uy tín và là điểm tựa tinh thần vững chắc cho học sinh khi các em có vấn đề vướng mắc trong cuộc sống. Nhà trường cần tạo điều kiện để đa dạng hóa các hình thức tư vấn một cách sinh động, rộng rãi hơn khi học sinh có nhu cầu.
GS.TS Trần Thị Minh Đức, GV khoa Tâm lý học ĐH KHXH&NV (ĐHQG Hà Nội) cho biết: Về nguyên tắc đạo đức trong tư vấn học đường: Đạo đức nghề nghiệp được xây dựng dựa trên các giá trị đạo đức căn bản của nhân loại về quyền con người trong bối cảnh văn hóa, chính trị, luật pháp và nghề nghiệp cụ thể. Bất kỳ cán bộ tư vấn nào - đặc biệt là những người làm việc trong các môi trường học đường đều phải duy trì các tiêu chuẩn đạo đức chuyên môn cao ở những lần gặp gỡ HS.
Cán bộ tư vấn trường có trách nhiệm pháp lý đối với sự ủy quyền của pháp luật về các báo cáo nghi ngờ lạm dụng và phải có khả năng đối phó với những tình huống nhạy cảm có khả năng gây hại cho HS và cung cấp một môi trường thấu hiểu, cởi mở. Trong quá trình làm việc với học sinh, cha mẹ học sinh hay đồng nghiệp các cán bộ tư vấn phải đảm bảo tôn trọng quyền trẻ em liên quan đến học đường. Một số nguyên tắc đạo đức tối thiểu trong tư vấn cho học sinh là: Giữ bí mật, tôn trọng HS; Tin tưởng vào khả năng tự quyết của HS; Bảo vệ lợi ích HS.