Nhân rộng yêu thương, đẩy lùi bạo lực

GD&TĐ -“Trong thời gian gần đây, nhiều vụ bạo hành trẻ em xảy ra trong gia đình và trường học đã được phát hiện, khiến dư luận xã hội bất bình và lo ngại. Hậu quả của việc trẻ bị bạo hành về thể chất không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe, mà còn tổn thương tinh thần, trí tuệ, sự phát triển toàn diện và tương lai của trẻ em, của gia đình, nhà trường và toàn xã hội”, Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa nhấn mạnh tại Lễ phát động hưởng ứng sáng kiến toàn cầu “Chấm dứt bạo lực thân thể trẻ em trong gia đình và trường học”.

 TS. Nguyễn Thị Nghĩa – Thứ trưởng Bộ GD&ĐT phát biểu phát động.
TS. Nguyễn Thị Nghĩa – Thứ trưởng Bộ GD&ĐT phát biểu phát động.

Chung tay bảo vệ trẻ em

Sáng 24/11, tại Đà Nẵng, Bộ GD&ĐT tổ chức Lễ phát động hưởng ứng sáng kiến toàn cầu “Chấm dứt bạo lực thân thể trẻ em trong gia đình và trường học”. TS. Nguyễn Thị Nghĩa – Thứ trưởng Bộ GD&ĐT đến dự và phát biểu phát động. Tham dự có gần 1.000 đại biểu là lãnh đạo Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Sở GD&ĐT TP Đà Nẵng, cùng đội ngũ cán bộ, giáo viên, phụ huynh, học sinh trên địa bàn thành phố Đà Nẵng

Phát biểu khai mạc lễ phát động, TS. Nguyễn Thị Nghĩa – Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, cho biết: Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên ở Châu Á và là nước thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước của Liên Hiệp quốc về Quyền Trẻ em năm 1990. Công ước tuyên bố rằng: “Trẻ em có quyền được chăm sóc đầy đủ và toàn diện ngay từ khi còn nằm trong bụng mẹ cho đến khi trưởng thành”.

Cam kết “một thế giới phù hợp trẻ em” năm 2002 đã nêu rõ: “Chăm sóc cho mọi trẻ em, nuôi dạy trẻ trong một môi trường an toàn, tạo điều kiện cho các em có cuộc sống thể chất khỏe mạnh, tinh thần sảng khoái, tình cảm đảm bảo…”.

Hệ thống pháp luật và chính sách phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em ở nước ta đã được ban hành khá đầy đủ. Trên cơ sở Hiến pháp của nước CHXHCNViệt Nam, Bộ Luật hình sự; Luật Trẻ em, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều Nghị định, Quyết định, Chỉ thị liên quan đến bảo vệ trẻ em; phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em.

“Tuy nhiên, hiện nay bạo lực thân thể trẻ em vẫn đang là vấn đề bức xúc của toàn xã hội. Trung bình mỗi năm cả nước có khoảng trên 2000 trẻ em bị bạo lực, xâm hại cần được hỗ trợ, can thiệp. Theo kết quả khảo sát của Tổ chức tầm nhìn thế giới khảo sát, phỏng vấn học sinh tại 2 tỉnh Yên Bái, Tuyên Quang, có 44% trẻ em bị bạo lực, trong đó 23% bị đánh, tát, đòn roi.

Trong báo cáo mới đây về can thiệp và hỗ trợ theo đường dây nóng 18001567 phản ánh về bạo lực trẻ em thì trong 689 ca bạo lưc trẻ em, có đến 06/10 ca bạo lực thân thể, trong đó có 4 ca bạo lực gia đình, 2 ca bạo lực học đường.

Trong thời gian gần đây, nhiều vụ bạo hành trẻ em xảy ra trong gia đình và trường học đã được phát hiện, khiến dư luận xã hội bất bình và lo ngại. Hậu quả của việc trẻ bị bạo hành về thể chất không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe, mà còn tổn thương tinh thần, trí tuệ, sự phát triển toàn diện và tương lai của trẻ em, của gia đình, nhà trường và toàn xã hội”, Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa cho hay.

Nêu rõ những nguyên nhân dẫn đến bạo lực trẻ em,Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa nhấn mạnh: Có nhiều nguyên nhân dẫn đến bạo lực trẻ em trong gia đình, nhà trường; trong đó nguyên nhân chủ yếu là do dia đình, nhà trường chưa nhận thức đầy đủ, chưa thực sự quan tâm đến sự phát triển tâm sinh lý của các em, nhiều bậc cha mẹ,người chăm sóc trẻ em thay thế, thầy cô giáo và chính bản thân trẻ em còn thiếu kiến thức cơ bản và ý thức, hành vi thực hiện pháp luật về quyền trẻ em, đặc biệt quyền được bảo vệ, quyền được đảm bảo an toàn của trẻ.

Các gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn hoặc bố mẹ ly hôn, ly thân, bố mẹ mắc các tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật đang là nguyên nhân nảy sinh các hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em.

Nhiều gia đình do bố mẹ, người lớn sống thiếu gương mẫu, thiếu trách nhiệm, thiếu quan tâm đến con cái; vẫn còn quan niệm “thương cho roi cho vọt”, “đòn đau nhớ đời” tạo ra sự mất an toàn cho trẻ em ngay trong chính gia đình của mình.

Nhận thức, hiểu biết của các em còn chưa đầy đủ, vẫn luôn “phụ thuộc” vào người lớn khiến cho trẻ em khó tự bảo vệ mình, dễ bị bạo lực, xâm hại hơn các đối tượng khác.

Chấm dứt bạo lực thân thê trẻ em trong gia đình và trường học

Có gần 1.000 cán bộ, giáo viên, phụ huynh, học sinh trên địa bàn thành phố Đà Nẵng tham gia lễ phát động.
Có gần 1.000 cán bộ, giáo viên, phụ huynh, học sinh trên địa bàn thành phố Đà Nẵng tham gia lễ phát động.

Để khắc phục tình trạng bạo lực học đường, bạo hành trẻ em trong gia đình và trường học trong thời gian tới và hưởng ứng sáng kiến toàn cầu “Chấm dứt bạo lực thân thê trẻ em trong gia đình và trường học”, Thứ trường Nguyễn Thị Nghĩa đề nghị các Sở Giáo dục và Đào tạo, các nhà trường chỉ đạo lồng ghép hiệu quả cuộc vận động “Học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” với cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”, bằng tấm gương thực tiễn và bằng hành động cụ thể của thầy, cô giáo trong nhà trường. Thực hiện nghiêm các quy định về đạo đức nhà giáo.

Tích cực chỉ đạo và triển khai có hiệu quả đề án Giáo dục chuyển đổi hành vi về xây dựng gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình đến năm 2020”; đề án Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh thiếu niên và nhi đồng giai đoạn 2015-2020.

Triển khai thực hiện Nghị định quy định môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng chống bạo lực học đường; tiếp tục triển khai các hoạt động của phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”; xây dựng và thực hiện Bộ quy tắc ứng xử văn hóa trong trường học; triển khai công tác tư vấn học đường và thực hiện chương trình hành động phòng, chống bạo lực học đường.

Đối với các thầy, cô giáo, Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa yêu cầu thường xuyên trau dồi nâng cao kiến thức chuyên môn, đặc biệt là kiến thức nghiệp vụ sư phạm; nâng cao đạo đức nhà giáo, hiểu biết và có ý thức thực hiện pháp luật, luôn phấn đấu để trở thành tấm gương sáng để học sinh noi theo.

Hết mực yêu thương, tận tình dạy dỗ, chia sẻ và quan tâm đối với học trò để làm tròn trách nhiệm cao cả của mình, được học trò tin yêu và luôn coi “Cô giáo như Mẹ hiền”.Sử dụng các phương pháp dạy học tiên tiến, phù hợp và tích cực;

Thay đổi tư duy, không áp đặt, hãy để học sinh lắng nghe, tiểp cận bằng mối quan hệ tích cực, yêu thương, cởi mở, chia sẻ, tuyệt đối không sử dụng các hành vi mang tính bạo lực, miệt thị, xúc phạm và hận thù đối với học sinh trong các hoạt động giáo dục.

Thứ trường đề nghị các bậc phụ huynh luôn mẫu mực cho con trẻ noi theo, giáo dục gia đình phải được đặt lên hàng đầu và là cái nôi nuôi dưỡng và phát triên nhân cách của trẻ, hãy dành nhiều thời gian hơn nữa để quan tâm đến con em mình.

Các bậc phụ huynh cần khen - chê đúng lúc để động viên khi các em làm được việc tốt, hoặc chấn chỉnh hành vi khi các con em mình làm điêu sai trái, hình thành cho trẻ ý thức điều chỉnh hành vi, biết phân biệt phải trái, lĩnh hội được những chuẩn mực đạo đức của xã hội, những quy định của luật pháp, từ đó trẻ sẽ trở thành con ngoan, trò giỏi.

Các bậc phụ huynh hãy dành thời gian tìm hiểu các phương pháp giáo dục tiên tiến, thay đổi tư duy “Yêu cho roi cho vọt”, “Đòn đau nhớ đời” để không sử dụng hành vi bạo lực trong dạy dỗ con trẻ, hãy thành người thầy giáo, cô giáo của con trong gia đình và cùng đồng hành với nhà trường, thầy cô trong giáo dục, rèn luyện con của mình. Với sự yêu thương, trách nhiệm của mỗi cá nhân đối với trẻ em- thế hệ tương lai của đất nước, bạo lực sẽ không còn nữa.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.