Những con số đau lòng
Mặc dù nước ta là một trong những quốc gia đầu tiên ở châu Á và là nước thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước của Liên Hiệp Quốc về quyền trẻ em năm 1990.
Đặc biệt trong những năm qua Đảng, Nhà nước ta có rất nhiều chủ trương, chính sách thực hiện các chương trình chăm sóc, bảo vệ trẻ em, để trẻ em được sống trong môi trường an toàn lành mạnh và phát triển toàn diện… Thế nhưng hiện nay bạo lực thân thể trẻ em vẫn đang là vấn đề bức xúc của toàn xã hội. Trung bình mỗi năm cả nước có khoảng trên 2.000 trẻ em bị bạo lực, xâm hại cần được hỗ trợ, can thiệp.
Theo báo cáo của Bộ Công an, mỗi năm cả nước xảy ra từ 3.000 đến 4.000 vụ bạo lực trẻ em, trong đó có khoảng 100 trẻ bị giết hại và 1.000 trẻ bị xâm hại tình dục được phát hiện. Đáng nói hơn đó là, gần đây liên tục xảy ra những vụ bạo hành trẻ em ở chính những cơ sở giáo dục với đủ mọi thủ đoạn đánh đập, hành hạ rất dã man tàn ác, khiến dư luận xã hội bất bình và lo ngại.
Có thể nói những hậu quả của việc trẻ bị bạo hành về thể chất không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe, mà còn tổn thương tinh thần, trí tuệ, sự phát triển toàn diện và tương lai của trẻ em, của gia đình, của nhà trường và toàn xã hội.
Điển hình như vụ cô giáo mầm non tư thục Sen Vàng ở quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) dùng dép đánh vào đầu bé, hay vụ bạo hành xảy ra ngay trước tuần lễ Quốc tế thiếu nhi năm 2016 tại Trường Mầm non Tư thục Ánh Sao (Hà Đông, Hà Nội) với nạn nhân là cháu bé N.N.P. (16 tháng tuổi).
Trước đó là vụ bạo hành trẻ em xảy ra tại Trường Tiểu học xã Phìn Ngan, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai chỉ vì do em này có lỗi viết sai chính tả mà bị cô giáo nhẫn tâm đánh đến tím bầm mặt. Rồi vụ xảy ra tại cơ sở mầm non Sơn Ca phường Nam Lý, Thành phố Đồng Hới, Quảng Bình vào ngày 5/10/2015, chỉ vì đứa trẻ chưa đầy 1 tuổi khóc mà hai cô giáo đã trói tay chân, dùng thìa đánh liên tục vào tay và lấy khăn bịt miệng.
Tương tự vụ xảy ra tại cơ sở giáo dục mầm non ở huyện Văn Quan (Lạng Sơn), cũng chỉ vì không chịu ngủ trưa, một cháu bé đã bị cô giáo nhốt ở sân sau lớp học, sợ hãi, khóc khản giọng đòi vào, sau vì đói đã bới thùng rác tìm đồ ăn
Mới đây nhất là vụ bé trai T.T. A. (14 tháng tuổi) ở Hà Nội bị bạo hành dã man tới nỗi chấn thương sọ não, hay vụ bé gái N.H.N.T (SN 2010, xã Vĩnh Hòa Phú, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang) nghi bị chính cha ruột và mẹ kế bạo hành bằng thanh sắt nóng lại một lần nữa khiến cho dư luận không khỏi bàng hoàng cũng như phẫn nộ trước hành động của những người đã bạo hành trẻ em.
Cần chung tay vào cuộc để trẻ em có môi trường sống an toàn
Từ ngày 1/6/2017, Luật Trẻ em đã chính thức có hiệu lực, đây là bộ luật được quy định rất rõ các quy trình bảo vệ trẻ em theo 3 cấp độ (phòng ngừa, hỗ trợ, can thiệp), từ khi phát hiện các vấn đề, tố cáo hành vi xâm hại trẻ em tới các quy trình hỗ trợ can thiệp; trách nhiệm của các bộ, ban ngành, đơn vị liên quan tới trẻ em...
Những quy định này là công cụ hữu hiệu không chỉ để các đơn vị chức năng sẽ nắm được công việc cụ thể, tránh tình trạng đùn đẩy trách nhiệm, tạo tính tự giác trong việc phòng ngừa, hỗ trợ, can thiệp khi có sự việc xâm hại trẻ em xảy ra, mà còn giúp giảm thiểu tình trạng xâm hại trẻ em.
Vì thế đây là cơ sở pháp lý quan trọng để cả xã hội, cộng đồng cùng thực hiện trách nhiệm các biện pháp phòng ngừa, xử lý các vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em.
Thế nên ngay từ lúc này đối với mỗi nhà trường cần là những “pháo đài” để tuyên chiến loại bỏ nạn bạo hành trẻ em.
Trong đó một công việc rất cần phải thực hiện ngay lúc này là triển khai nghiêm túc Chỉ thị của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc tăng cường các giải pháp đảm bảo an toàn trong các cơ sở giáo dục, lồng ghép việc thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị khóa XII về “Đẩy mạnh, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” với cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”, bằng tấm gương thực tiễn và bằng hành động cụ thể của thầy, cô giáo trong nhà trường.
Tiếp tục thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 8077/CT-BGDĐT ngày 21/12/2007 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về tập trung kiểm tra chấn chỉnh vi phạm đạo đức nhà giáo; tăng cường nền nếp, kỷ cương, xây dựng và thực hiện Quy tắc ứng xử văn hóa trong trường học.
Nhất là việc tập trung triển khai có hiệu quả Đề án “Giáo dục chuyển đổi hành vi về xây dựng gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình đến năm 2020”; Đề án “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh thiếu niên và nhi đồng giai đoạn 2015-2020”; triển khai thực hiện Nghị định số 80 của Chính phủ quy định môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường; tiếp tục triển khai các hoạt động của phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”.
Bên cạnh đó cần tiến hành ngay việc xây dựng và thực hiện Bộ quy tắc ứng xử văn hóa trong trường học; triển khai công tác tư vấn học đường và thực hiện chương trình hành động phòng, chống bạo lực học đường, Chỉ thị số 18 của Thủ tướng Chính phủ ngày 16/5/2017 về việc tăng cường giải pháp phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em
Đồng thời phối hợp với các địa phương, ban, ngành có liên quan thường xuyên thanh tra, kiểm tra các cơ sở giáo dục, đặc biệt là các cơ sở giáo dục mầm non tư thục về việc quản lý cấp phép và việc thực hiện các điều kiện đảm bảo trường học an toàn trường học.