Phía trước là… thách thức!

GD&TĐ - Bức tranh kinh tế - xã hội nhìn thấy qua Hội nghị Chính phủ với các địa phương ngày 4/7 rất nhiều màu sắc tươi sáng, lạc quan.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Theo đó, tốc độ tăng trưởng đã hồi phục như trước khi dịch Covid-19 xảy ra. GDP 6 tháng đầu năm nay ước tăng 6,42% so với cùng kỳ (kịch bản theo Nghị quyết 01 là từ 5,1 - 5,7%), cao hơn so với cùng kỳ năm 2021 (5,74%) và tương đương mức bình quân các năm trước dịch từ năm 2016 - 2019 (6,38%).

Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,78% (đóng góp 5,07%); công nghiệp và xây dựng tăng 7,7%, (đóng góp 48,33%), trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế với tốc độ tăng 9,66%.

Đặc biệt, khu vực dịch vụ phục hồi nhanh với mức tăng 6,6%, cao gấp 1,7 lần so với cùng kỳ và đóng góp 46,6% vào mức tăng chung của nền kinh tế.

Nhiều địa phương động lực đã đạt mức tăng trưởng cao, có nơi đạt hai con số như: Hà Nội (7,79%), Bắc Giang (24%), Bắc Ninh (14,7%), Thanh Hóa (13,41%), Quảng Nam (12,8%), Khánh Hòa (12,58%), Hải Dương (11,82%), Hải Phòng (11,1%), Quảng Ninh (10,66%), Vĩnh Phúc (10,1%)…

Và dù cơn bão giá càn quét toàn cầu, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 6 tháng của nước ta chỉ tăng 2,44% so với cùng kỳ năm trước, lạm phát cơ bản tăng 1,25% - vẫn trong tầm kiểm soát. Thu ngân sách 6 tháng ước đạt 66,1% dự toán, tăng 18,8% so với cùng kỳ, cân đối ngân sách cũng tích cực, tạo ra dư địa tài khóa để triển khai các chính sách hỗ trợ trong nửa cuối cuối năm.

Cùng với đó, cân đối thương mại tiếp tục đà tăng trưởng, kim ngạch xuất nhập khẩu 6 tháng tăng 16,4% so với cùng kỳ; trong đó, xuất khẩu tăng 17,3%, nhập khẩu tăng 15,5% so với cùng kỳ, riêng xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước tăng 20%, xuất siêu 6 tháng đạt 710 triệu USD.

Những chỉ dấu quan trọng nêu trên chứng tỏ nền kinh tế, doanh nghiệp và người dân đang dần thoát khỏi cơn bĩ cực của đại dịch Covid-19. Tăng trưởng GDP 6 tháng đạt 6,42% “đi ngược xu thế thế giới” là sự ngoạn mục đến… khó tin.

Vậy nhưng, đúng như Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nói, trước mắt “khó khăn, thách thức nhiều hơn là thuận lợi và thời cơ”. Áp lực lạm phát, sự khan hiếm nguồn cung nguyên vật liệu, chi phí sản xuất tăng mạnh, thiếu hụt lao động cục bộ, dịch bệnh khó lường… là những yếu tố tiềm ẩn rủi ro đến phục hồi kinh tế trong thời gian tới.

Tiến độ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội vẫn chậm, đạt kết quả thấp, dẫn đến chưa hỗ trợ kịp thời người dân, doanh nghiệp, đồng thời làm giảm hiệu quả và ý nghĩa của Chương trình.

Tương tự, giải ngân đầu tư công vẫn ì ạch, mặc dù Thủ tướng liên tục đôn đốc, thành lập các tổ công tác vừa kiểm tra tình hình, vừa tháo gỡ khó khăn. Ước giải ngân đến 30/6/2022 mới đạt 27,86% kế hoạch Thủ tướng giao, thấp hơn cùng kỳ năm 2021 (29,02%).

Trong đó, 39/51 bộ, cơ quan Trung ương và 6/63 địa phương giải ngân đạt dưới 20% kế hoạch Thủ tướng giao, đặc biệt có 4 cơ quan Trung ương đến nay vẫn chưa giải ngân kế hoạch vốn.

Bối cảnh như vậy đòi hỏi các cấp, ngành không được lơ là, chủ quan. Ngược lại, phải theo dõi chặt chẽ tình hình, sẵn sàng phương án điều hành chủ động, linh hoạt, ứng phó kịp thời với diễn biến thế giới và trong nước; đồng thời hỗ trợ kịp thời, hiệu quả doanh nghiệp và người dân sản xuất - kinh doanh, bảo đảm đời sống người dân, nhất là người nghèo, thu nhập thấp.

Tăng trưởng cao rất đáng mừng, nhưng điều quan trọng hơn là người dân, nhất là những đối tượng yếu thế, phải được hưởng lợi từ sự tăng trưởng đó.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Ghi chép: Sự hy sinh thầm lặng

GD&TĐ - Từng cơn gió Thu mát lạnh, mỏng manh thổi nhẹ qua cánh cửa sổ, luồn vào lớp học im ắng, trầm lặng khác với vẻ nhộn nhịp sôi động của mọi ngày.

 Mbappe được HLV Ancelotti lên tiếng bênh vực.

HLV Ancelotti bênh vực Mbappe

GD&TĐ - HLV Carlo Ancelotti của Real Madrid đã lên tiếng bảo vệ Kylian Mbappe trước những tin đồn bất lợi.