Đặc biệt, sau những nỗ lực không mệt mỏi của cả thầy và trò, người vỡ òa niềm vui mừng đến mức đánh rơi cả điện thoại lúc nhận tin là bố của em Tuyến – anh Hoàng Nghĩa Lường - đã góp công không nhỏ cho tấm HCB Hóa học đáng giá này.
Một ông bố đậm chất Nghệ
Đó là một ông bố “đặc sệt Nghệ” , từ nước da sạm đen nắng gió, giọng nói nặng nặng nghe chất chứa bao nhọc nhằn vất vả, đến cái đùa vui tếu táo pha lẫn chút gàn trong mọi hoàn cảnh và hơn hết là lòng mong mỏi, cố gắng vì con, để con được học hành nên người, từ sự học mà vươn lên trong cuộc sống.
“Nhà tôi ngày xưa nghèo, vất vả. Bố đi bộ đội rồi hi sinh, mẹ sau đó ít lâu bạo bệnh rồi mất. Sáu anh chị em nuôi nhau lớn. Tui học đến cấp 3 thì cũng phải nghỉ vì không có tiền đi học nữa. Sau này lấy vợ, sinh con, làm đủ nghề từ rửa xe thuê, bán nước mía, đi phụ hồ… Chăm chỉ làm ăn, tiết kiệm mãi sau mới khấm khá dần lên. Cuộc đời tôi coi như vất vả đã đành, nhưng đến đời con, tôi không muốn đứa mô phải thiếu thốn về cái học… Hơn nữa, nếu con mình nó học không được, lại là chuyện khác, nhưng nó có năng lực thì mình phải cố cho con”, anh Hoàng Nghĩa Lường nói.
Gửi gắm bao kỳ vọng, trông mong, và cả những hoài bão của tuổi cha dang dở cho con, nên anh Lường luôn sát sao với việc học của 2 cậu con trai từ nhỏ. Từ kiểm tra sách vở trên lớp, thường xuyên gặp gỡ, trao đổi với các thầy cô giáo và đặc biệt là học cùng con.
Hoàng Nghĩa Tuyến, là cậu bé sớm bộc lộ tư chất từ nhỏ. Kết quả học tập các năm đều đạt loại giỏi. Đặc biệt là môn Toán, đây cũng là môn mà em theo đuổi để thi vào trường THPT chuyên Phan Bội Châu. Tuy nhiên, cũng có lúc cậu bé chểnh mảng, chủ quan, nhất là trong khoảng thời gian khi bố đi làm xa. Một hôm, bài kiểm tra môn Toán trên lớp của Tuyến chỉ được 6 điểm. Về nhà, cậu giấu biệt, không cho ai biết. Trong khi đó, thầy giáo đã kịp thời báo cáo với phụ huynh về tình hình học tập của con trai. Hôm đó về nhà, tôi bắt đưa bài kiểm tra ra cho tôi xem. Xem xong, tôi nói với Tuyến: Nếu bố chấm, bố chỉ cho con 2 điểm thôi! Sau đó, tôi ngồi giải một mạch xong mấy bài mà Tuyến làm sai và không làm được. Nó vừa“khiếp” vừa phục bố luôn, từ đó cũng ko dám chủ quan và đối phó trong học tập nữa.
Anh Lường tâm sự: Tôi không ép con cố gắng học hết sức mình, đặt nặng tâm lý lên con. Tôi cũng không muốn cháu mất đi tuổi thơ của mình chỉ trong học và học. Mình nghiêm khắc nhưng cũng có khi phải vỗ về động viên để con vững tin. Quan trọng là để con luôn có ý thức phấn đấu, vươn lên. Không có ý chí thì không làm được gì thành công cả.
Nhân tố bí ẩn
Cậu học trò đã giành về chiếc huy chương Bạc Olympic Hóa học quốc tế cho trường THPT chuyên Phan Bội Châu sau 15 năm vắng bóng |
Tuy nhiên, sau đó, chính anh Lường lại khuyên con thi vào chuyên Hóa thay vì học Toán. “Bố sợ em trở thành mọt sách, và muốn em theo đuổi những môn mang tính ứng dụng cao trong cuộc sống. Em thấy như thấy như thế cũng hợp lý nên nghe theo”, Hoàng Nghĩa Tuyến chia sẻ.
Sang học kỳ 2 năm lớp 9,Tuyến bắt đầu mới tập trung ôn tập môn Hóa để thi vào trường THPT chuyên Phan Bội Châu. Không ít thầy cô giáo lúc đó cho rằng như thế là quá muộn, sợ em không theo kịp các bạn.
Tuy nhiên, bố vẫn tiếp tục động viên để em yên tâm, tự tin vào bản thân mình, cố gắng học thầy, học bạn, và tự học nhiều hơn mỗi ngày. Anh Lường tìm đến nhà một số cô giáo là giáo viên của Trường THPT chuyên Phan Bội Châu “năn nỉ” bồi dưỡng kiến thức cho con, thậm chí bảo với cô “nếu thiếu ghế thì tôi mua ghế cho cháu đến ngồi”.
Đến ngày báo kết quả thi, cái tên Hoàng Nghĩa Tuyến được xếp thủ khoa kỳ thi vào lớp 10 chuyên Hóa trường THTP Phan Bội Châu (với 18/20 điểm) và á khoa thi vào trường THPT chuyên ĐH Vinh. Đặc biệt, điểm nền 3 môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ của Tuyến cũng đều đạt 9,5 điểm. Một kết quả hết sức xuất sắc khiến mọi người bắt đầu hỏi nhau, và tìm hiểu xem Tuyến là ai? Bởi trước đó em chưa từng tham gia bất kỳ cuộc thi HSG tỉnh hay thành phố nào về môn học này. Và cô giáo dạy ôn em lúc đó đã hóm hỉnh trả lời: Tuyến là một nhân tố bí ẩn!
Và nhân tố này khi vào lớp 10 được các thầy cô giáo trường THPT chuyên Phan Bội Châu phát triển, bồi dưỡng và mài giũa để trở nên tỏa sáng. Lúc này, Tuyến bắt đầu đam mê và say học Hóa. Sau thời gian trên lớp, về nhà cậu lại lao vào bàn học, cặm cụi với sách vở đến nỗi ông bố khó tính và khắt khe ngày nào cũng phải “hoảng”: “Đêm nào tôi cũng thức cùng cháu, có đêm thức đến 1 – 2 giờ sáng. Được 1 tháng thì tôi “trụ” không được, phải quát nó đi ngủ sớm. Không dám cãi bố, nó cũng đi nằm, nhưng lừa lúc bố thiu thiu ngủ, quay lưng, trùm chăn soi đèn pin học tiếp. Đến nước này, tôi phải đến trường nhờ thầy cô “can thiệp”, điều chỉnh cách học để đảm bảo sức khỏe cho con”, anh Lường nhớ lại.
Chút tiếc nuối của “cậu học trò bạc”
Tuyến (ngoài cùng bên phải) cùng các bạn sau khi thi xong tại Thái Lan |
Không phụ lòng bố, năm lớp 11 và lớp 12 Tuyến liên tục đạt giải Nhì và giải Nhất học sinh giỏi quốc gia môn Hóa học. Đặc biệt, sau 15 năm chờ đợi, Trường THPT chuyên Phan Bội Châu mới lại có học sinh lọt vào danh sách 4 học sinh dự thi Olympic Hóa học quốc tế.
Nói về cậu học trò Nguyễn Hoàng Tuyến, thầy Nguyễn Tường Lân – GV bộ môn Hóa, cho biết Tuyến là một học sinh ít nói, trầm tính nhưng có khả năng tư duy tốt, tính độc lập cao, thích tìm tòi. Thời gian thi tại Thái Lan, hồi hộp nhất là lúc chờ kết quả do BTC thông báo trong lễ bế mạc, vì khi thảo luận chấm thi thì các thầy cô nhận định Tuyến sẽ ở vùng giáp ranh giữa Huy chương Vàng và Huy chương Bạc. Về hình thức, BTC thông báo các giải từ thấp lên cao nên đến phần danh sách học sinh đạt Huy chương Bạc qua mấy top vẫn chưa thấy tên Tuyến nên lại càng hi vọng. Tuy nhiên, cuối cùng thì Tuyến lại nằm ở nhóm đạt Huy chương Bạc sát điểm Huy chương vàng nhất.
Trở về sau hành trình dài từ kỳ thi Olympic Hóa học tại Thái Lan, Hoàng Nghĩa Tuyến vẫn còn chút tiếc nuối, bởi chỉ thiếu chút điểm nữa là em đã đổi được màu từ HCB thành HCV.
“Đề thi khó, nhưng không phải là không làm được. Chính vì thế mà em đã chủ quan, quá trình giải bài đã bỏ qua một số bước nên đã bị trừ điểm. Em không tiếc cho em nhưng nếu cố gắng em đã có thể làm cho thầy cô và bố mẹ vui hơn”...
Sau kỳ thi này, Tuyến đã đăng ký vào khoa Hóa học – Trường Đại học Khoa học tự nhiên Hà Nội để tiếp tục theo đuổi niêm đam mê nghiên cứu Hóa học của mình. Cậu học trò Trường Phan cũng nuôi hi vọng sẽ học thật tốt để được đi du học và sau đó trở về góp sức làm điều gì đó có ích cho quê hương, đất nước.