Đề án tổng thể phát triển giáo dục thể chất và thể thao trường học giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Giai đoạn 2016 - 2020, phấn đấu 100% cơ sở giáo dục phổ thông duy trì thường xuyên tập thể dục buổi sáng, tập thể dục giữa giờ, trong đó có ít nhất 50% cơ sở tổ chức dạy bơi cho học sinh; 50% trường mầm non, 70% cơ sở giáo dục phổ thông, 80% cơ sở giáo dục nghề nghiệp và cơ sở giáo dục đại học tổ chức dạy hoặc phổ biến các môn võ thuật cổ truyền Việt Nam.
Có ít nhất 80% trường mầm non có sân chơi, phòng học giáo dục thể chất được trang bị đủ thiết bị, đồ chơi vận động tối thiểu cho trẻ em theo quy định;....
Đổi mới mục tiêu, nội dung, phương pháp dạy và học
Nhiệm vụ và giải pháp thực hiện Đề án là đổi mới mục tiêu, nội dung, phương pháp dạy và học, kiểm tra và đánh giá chất lượng giáo dục thể chất. Lồng ghép việc thực hiện Đề án này với quá trình triển khai Đề án đổi mới chương trình và sách giáo khoa giáo dục phổ thông.
Trong đó, thực hiện mục tiêu, nội dung giáo dục phát triển thể chất cho trẻ em theo hướng tích hợp với các hoạt động giáo dục khác trong chương trình giáo dục mầm non.
Đổi mới mục tiêu, chương trình môn học giáo dục thể chất bảo đảm cân đối, thống nhất, linh hoạt, có tính kế thừa và phát triển giữa các cấp học; cung cấp đầy đủ kiến thức, kỹ năng cho học sinh; hình thành và duy trì thói quen tập luyện thể dục, thể thao thường xuyên, gắn với giáo dục đạo đức, xây dựng lối sống lành mạnh, rèn luyện ý chí, phẩm chất phù hợp với đặc điểm thể chất, tâm sinh lý, lứa tuổi và điều kiện cụ thể của học sinh.
Hoàn thiện chương trình môn học giáo dục thể chất trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học, bảo đảm hài hòa giữa kiến thức cơ bản và nội dung tự chọn, khuyến khích các môn thể thao truyền thống như võ cổ truyền, trò chơi dân gian, đáp ứng nhu cầu đa dạng và tạo động lực cho học sinh, sinh viên tự rèn luyện thân thể.
Tổ chức giáo dục phát triển thể chất cho trẻ em dưới nhiều hình thức đa dạng, tích hợp nhiều hoạt động, nhằm tạo cho trẻ em sự hứng thú tham gia; tổ chức nhiều hoạt động vận động, tập luyện và thi đấu thể dục, thể thao phù hợp trên cơ sở sự hứng thú, phát huy tính tự giác, khả năng tự học, tự rèn luyện của học sinh, sinh viên; đưa việc tổ chức tập thể dục buổi sáng và thể dục giữa giờ thành hoạt động bắt buộc trong nội dung giáo dục thể chất, hoạt động thể thao trong các cơ sở giáo dục phổ thông.
Phát triển hoạt động thể thao trường học
Cùng với nhiệm vụ và giải pháp trên là phát triển hoạt động thể thao trường học. Cụ thể, đổi mới nội dung, hình thức tổ chức hoạt động thể thao trường học theo hướng đa dạng, phong phú, phù hợp với điều kiện, đặc điểm cụ thể của từng địa phương, nhà trường, đặc điểm tâm sinh lý, lứa tuổi và trình độ đào tạo của học sinh, sinh viên. Trong đó tăng cường hỗ trợ và có hình thức, phương pháp triển khai phù hợp đối với các địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn.
Bên cạnh đó, củng cố, phát triển hệ thống thi đấu thể thao các cấp phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa phương, vùng, miền, trong đó tập trung vào cấp trường; các giải thi đấu thể thao, các đại hội thể thao, hội thi, ngày hội thể thao kết hợp với sinh hoạt, giao lưu văn hóa đáp ứng nhu cầu vui chơi giải trí của học sinh, sinh viên, đồng thời góp phần phát hiện, bồi dưỡng, đào tạo những học sinh, sinh viên có năng khiếu thể thao bổ sung cho lực lượng vận động viên thể thao thành tích cao.
Phát triển các loại hình câu lạc bộ thể dục, thể thao trong trường học; chú trọng phát triển đa dạng các môn thể thao, khuyến khích học sinh, sinh viên tham gia các hoạt động thể thao ngoại khóa.
Tổ chức việc phổ cập dạy và học bơi trong các cơ sở giáo dục phổ thông và từng bước triển khai trong các cơ sở giáo dục mầm non, chú trọng các địa phương ven biển, địa phương có nhiều sông, hồ, suối, kênh, rạch…
Từng bước tổ chức việc dạy và học võ thuật cổ truyền Việt Nam trong các nhà trường, phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa phương, từng cấp học và trình độ đào tạo.