Phát huy vai trò giám sát từ phụ huynh với bữa ăn học đường

GD&TĐ - Theo nhận định của các chuyên gia, góp phần nâng cao chất lượng bữa ăn bán trú cho học sinh, không thể thiếu vai trò giám sát của phụ huynh.

Trẻ tại Trường Mầm non Ngô Thì Nhậm (Hà Đông, Hà Nội) trong giờ ăn bán trú.
Trẻ tại Trường Mầm non Ngô Thì Nhậm (Hà Đông, Hà Nội) trong giờ ăn bán trú.

Tuy nhiên, thực tế thời gian qua cho thấy, vai trò này đậm nhạt tùy nơi bởi phần nhiều phụ thuộc vào độ mở của lãnh đạo nhà trường.

Phối hợp chặt chẽ

Chị Lê Thị Hạnh có con học lớp 4 tại huyện Gia Lâm (Hà Nội) bày tỏ lo lắng khi nghe thông tin về trường hợp mất an toàn thực phẩm hay chia suất ăn bán trú không đều trên báo đài. Chị được cô giáo mời tới trường giám sát khâu giao nhận thực phẩm nhưng do làm văn phòng nên không thể tham gia. Chị Hạnh chỉ có thể quan sát suất ăn trưa của con do cô giáo chụp rồi gửi lên nhóm Zalo lớp nên tạm yên tâm phần nào.

Còn với chị Phạm Thị Nga - phụ huynh Trường Mầm non Ngô Thì Nhậm (Hà Đông, Hà Nội), dù bận tới đâu cũng đều đặn 7 giờ 30 phút sáng tới trường tham gia giám sát nguồn thực phẩm đầu vào. Bằng cảm quan, chị nhận biết được miếng thịt lợn/gà có tươi hay không, các loại rau tươi và không có mùi lạ, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. “Tôm, cá phải còn sống, nếu bị ngất hoặc chết thì kiên quyết từ chối nhận. Chất lượng bán trú đảm bảo nên chúng tôi yên tâm khi gửi con tại trường”, chị Nga nói.

Chia sẻ của cô Nguyễn Thị Thu An - Hiệu trưởng Trường Mầm non Ngô Thì Nhậm (Hà Đông, Hà Nội), an toàn bán trú được nhà trường chú trọng và duy trì nhiều năm nay. Hằng ngày, một tổ gồm đại diện ban giám hiệu, y tế, kế toán, phụ huynh, giáo viên cùng tham gia giám sát chất lượng thực phẩm đầu vào. Bất kỳ phụ huynh nào có thể giám sát chứ không nhất thiết là ban đại diện cha mẹ học sinh để đảm bảo khách quan. Các loại thịt, cá, tôm phải đáp ứng yêu cầu về độ tươi ngon mới cho vào bếp.

Ngoài ra, nhà trường xây dựng thực đơn theo mùa trên cơ sở đảm bảo lượng và chất dinh dưỡng cho trẻ theo lứa tuổi. Điều quan trọng, nhà trường và phụ huynh phối hợp chặt chẽ không chỉ ở khâu tiếp nhận thực phẩm. Nếu có nhu cầu, phụ huynh báo nhà trường để tham gia giám sát khâu sơ chế, chế biến, chia thực phẩm và ăn suất ăn để đánh giá khách quan. Vì thế, chất lượng bữa ăn bán trú của trẻ luôn được đảm bảo, tạo được lòng tin trong phụ huynh.

PGS.TS Trần Thành Nam – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục (ĐHQG Hà Nội).

PGS.TS Trần Thành Nam – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục (ĐHQG Hà Nội).

Tăng cường giám sát

Theo cô Nguyễn Thị Hiền Lương – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Vân Canh (Hoài Đức, Hà Nội), về nguyên tắc phụ huynh nào cũng được quyền tham gia kiểm tra, giám sát bữa ăn học sinh. Tuy nhiên, đại diện ban phụ huynh lớp phải đảm bảo chắc chắn đó là phụ huynh lớp mình. Việc kiểm tra giám sát được kết hợp giữa kiểm tra định kỳ và đột xuất. Nhà trường công bố thực đơn theo tuần để phụ huynh biết và tiện theo dõi. Thông thường, thực đơn của trường được thiết kế đa dạng và không lặp lại trong 4 - 8 tuần.

Vị Hiệu trưởng này cũng cho hay, quy trình giám sát bữa ăn bán trú gồm kiểm tra tất cả khâu từ nhập, bảo quản nguyên liệu đến chế biến, bảo quản thực phẩm sau chế biến. Kiểm tra quy trình bếp ăn một chiều gồm: Thức ăn sống, thức ăn chín, các suất ăn. Trong quy trình đó, các khâu phải đảm bảo vệ sinh sạch sẽ. Nhà trường thống nhất thực đơn với đơn vị cung cấp suất ăn từ cuối tuần này để triển khai tuần sau.

Dưới góc độ chuyên gia, PGS.TS Trần Thành Nam – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, chăm sóc và giám sát học sinh trong giờ ăn trưa bên cạnh trách nhiệm của nhà trường cần sự tham gia của cha mẹ. Tuy nhiên để làm được việc này phải thống nhất về quy trình và nâng cao năng lực của phụ huynh về vấn đề dinh dưỡng, an toàn thực phẩm.

Các bậc cha mẹ cần được nâng cao kiến thức để tham gia giám sát quá trình chuẩn bị, đóng gói, chia suất ăn, lưu ý đến những em có nhu cầu đặc biệt hoặc bị dị ứng với một số món nhất định. Tùy theo độ tuổi và nhu cầu phát triển, nhà trường cần chú ý đến lượng đồ ăn, uống đi kèm để đảm bảo nhu cầu về dinh dưỡng và nước uống cho các em.

“Bên cạnh đó, phụ huynh có thể giúp nhà trường xây dựng các quy trình, nguyên tắc ứng xử trong nhà ăn để đảm bảo mọi thứ thuận lợi và an toàn, tương tác giữa học sinh thân thiện. Phụ huynh nên đưa ra đề xuất sáng tạo bằng ghi chú hoặc lời chúc, biểu tượng vui vẻ để học sinh cảm thấy thích thú bữa trưa ở trường”, vị chuyên gia gợi mở.

Hiện, một số trường thực hiện cách thức giám sát bếp ăn bán trú khá hay là phụ huynh trực tiếp đến bếp, mua suất ăn và cùng ăn với con để trải nghiệm. Giá suất ăn của người lớn bằng suất ăn của học sinh. Khi bố mẹ cùng ăn sẽ có điều kiện giám sát toàn bộ quá trình chia đồ ăn, cảm nhận được vị của từng món; nếu cần góp ý sẽ trao đổi trực tiếp với nhân viên nhà bếp để có điều chỉnh phù hợp.

Thời gian qua, tại một số địa phương trên cả nước xuất hiện sự việc về mất vệ sinh an toàn thực phẩm, suất ăn học đường thiếu dinh dưỡng khiến dư luận bức xúc. Từ đó đặt ra vấn đề làm sao để cải thiện, nâng cao chất lượng bữa ăn bán trú cho học sinh. Phụ huynh đã thực sự phát huy hết vai trò giám sát trong việc tổ chức bán trú ở trường con em mình theo học? Nhà trường đã tạo điều kiện cho cha mẹ thực hiện vai trò của mình hay chưa? Rất cần quy định cụ thể từ cơ quan quản lý.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tổng kho tủ hấp cơm inox Quang Huy Plazanơi đặt tiệc tại nhà hcm