Thời gian qua, Bộ GD&ĐT, các ngành chức năng đưa ra nhiều biện pháp để bảo đảm chất lượng bữa ăn, giúp trẻ có sức khỏe tốt, được phát triển đầy đủ cả về trí lực và thể lực. Thế nhưng, trên thực tế vẫn còn những tồn tại liên quan đến chất lượng bữa ăn học đường…
Những bữa ăn bị “rút ruột”
Tại TPHCM, trên các trang mạng xã hội, nhiều phụ huynh vẫn than vãn về việc con mình đã quá “ngán” thức ăn tại trường khi suốt tuần cơm chỉ ăn với thịt và trứng. Thậm chí, một số người đề nghị nhà trường bổ sung vào thực đơn các món như tôm, mực để học sinh có đủ chất.
Chị Trịnh Thị Hải Yến có con học tại trường tiểu học ở TP Thủ Đức (TPHCM) chia sẻ: “Con đóng 35 nghìn đồng cho mỗi bữa ăn trưa, thực đơn nhà trường đã thông tin cho phụ huynh trước đó. Tuy nhiên, quan sát hình ảnh suất ăn của các con, tôi thấy hơi ít thức ăn, chưa nói đến khẩu phần có đủ định lượng không. Những món ăn như vậy với trẻ tiểu học sợ không đủ chất để phát triển. Bản thân chỉ mong muốn các con được ăn đa dạng, đủ chất”.
Một hai năm gần đây, một số vụ phụ huynh bức xúc về chất lượng bữa ăn của trẻ, thậm chí một vài vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra tại trường để lại hậu quả nặng nề. Như cuối năm 2020, hàng trăm phụ huynh Trường Tiểu học Trần Thị Bưởi ở TP Thủ Đức (Quận 9 cũ) đến trường phản đối sau khi theo dõi và phát hiện khẩu phần ăn trưa của con mình quá tệ, nguồn thực phẩm đưa vào trường có cả rau củ héo, thối... Mới đây là vụ hàng trăm học sinh Trường Ischool Nha Trang bị ngộ độc thực phẩm sau bữa ăn ở trường, trong đó có 1 trẻ tử vong.
Không ít phụ huynh nghi ngờ chất lượng bữa ăn bị rút ruột và nghi lãnh đạo nhà trường ăn “hoa hồng” trên bữa ăn của trò. Cuối tháng 7/2022, thông tin Hiệu trưởng, kế toán và bếp trưởng Trường Tiểu học Hanh Thông (quận Gò Vấp, TPHCM) nhận tiền hằng tháng từ các đơn vị cung cấp thực phẩm (cho bữa ăn bán trú) với tổng số tiền 436 triệu đồng khiến nhiều người phẫn nộ. Nhiều phụ huynh đặt ra câu hỏi, việc nhận số tiền đó nghĩa là bữa ăn bán trú của học sinh đã bị “rút ruột” nghiêm trọng, vậy dinh dưỡng, chất lượng bữa ăn sẽ ra sao?
Ông Hồ Tấn Minh, Chánh văn phòng Sở GD&ĐT TPHCM cho biết: “TP có hơn 5.000 cơ sở giáo dục tổ chức căng-tin, bếp ăn tập thể nên công tác quản lý còn gặp khó khăn. Tuy nhiên, sở cũng có văn bản chỉ đạo, yêu cầu phòng giáo dục quận huyện, các địa phương phối hợp trong công tác kiểm tra, giám sát để giảm thiểu những chuyện không may xảy ra”.
Ông Trần Thanh Bình, Giám đốc Sở GD&ĐT TP Cần Thơ kiểm tra bếp ăn tại Trường Mầm non 2 tháng 9 (quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ). Ảnh: Trường Tiến |
Bảo đảm dinh dưỡng?
Trường Tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai, quận Gò Vấp (TPHCM) có hơn 950/1.600 học sinh tham gia bán trú. Trường có 2 cấp dưỡng, 10 nhân viên phục vụ. 5 giờ sáng mỗi ngày, sau khi nhân viên y tế kiểm tra thực phẩm, bộ phận nhà bếp tiến hành chuẩn bị bữa ăn phục vụ học sinh bán trú.
“Hơn 5 năm về trước, học sinh ăn bán trú cũng đóng 30 nghìn đồng cho bữa ăn trưa và xế chiều. Hiện nay vẫn giữ nguyên mức đó. Tuy nhiên, trong bối cảnh giá thực phẩm tăng cao hơn trước rất nhiều, nhà trường phải rất nỗ để đảm bảo dinh dưỡng và vệ sinh an toàn thực phẩm cho bữa ăn của trò. Thực tế, nhiều phụ huynh cũng đề xuất tăng tiền ăn bán trú, nhưng nhà trường vẫn giữ nguyên mức giá như vậy vì đây là quy định chung”, cô Mai chia sẻ.
Cô Đỗ Thị Mai, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai cho hay, trường thu tiền bữa ăn sáng là 12 nghìn đồng/em, còn bữa ăn bán trú 30 nghìn đồng/em, bao gồm ăn xế vào khoảng 5.000 - 7.000 đồng, còn lại là bữa ăn trưa (bao gồm cả chi phí tráng miệng). Thực đơn được cấp dưỡng xây dựng, thay đổi theo từng tháng, dựa trên bộ thực đơn dinh dưỡng tiêu chuẩn của cơ quan có thẩm quyền ban hành.
Tại TP Cần Thơ, hiện cơ sở giáo dục trên địa bàn chưa có mức thu tiền ăn chính thức. Hầu hết nhà trường thỏa thuận với phụ huynh, sau đó lấy ý kiến thống nhất mức thu tiền ăn rồi tổ chức thực hiện. Thầy Võ Hữu Tâm, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Huệ (quận Ô Môn) chia sẻ: Năm học 2022 - 2023, nhà trường có 515/687 học sinh ăn bán trú, đồng thời thống nhất với phụ huynh thu tiền ăn bán trú là 25 nghìn nghìn đồng/ngày.
“Để ra được thực đơn đảm bảo dinh dưỡng cho học sinh, nhà trường phối hợp với y tế và căn cứ vào phần mềm dinh dưỡng bữa ăn học đường của Ajinomoto cung cấp. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, số tiền 25 nghìn đồng không thể đáp ứng theo cách tính trên phần mềm với 7 món ăn.
Căn cứ vào phần mềm và thực tế, nhà trường cố gắng xây dựng menu bữa ăn chính gồm món ăn mặn, canh, tinh bột và tráng miệng, đảm bảo dinh dưỡng cơ bản gồm chất đạm (thịt, cá, trứng…), tinh bột, chất béo, chất xơ (rau củ quả, trái cây..)… cho các em. Nhưng nếu nói ăn ngon, ăn sang thì khó thực hiện với số tiền như vậy”, thầy Tâm chia sẻ thêm.
Tại quận Bình Thuỷ (TP Cần Thơ), mức thu tiền ăn bán trú là thỏa thuận giữa phụ huynh học sinh và nhà trường. Hằng năm sau kỳ nghỉ Tết, các trường họp phụ huynh nắm tình hình và thăm dò ý kiến việc trượt giá lương thực thực phẩm để đưa ra mức giá phù hợp.
“Do mức sống bình quân người dân trên địa bàn chưa cao nên hầu hết cơ sở giáo dục công lập đều thực hiện mức thu dưới 30 nghìn đồng/bữa. Năm học này, quận có 11 trường mầm non, 12/13 trường tiểu học tổ chức ăn bán trú, để đảm bảo chất lượng bữa ăn cũng như an toàn vệ sinh thực phẩm, ngành Giáo dục quận thường xuyên phối hợp với y tế kiểm tra công tác tổ chức bán trú và dinh dưỡng học đường tại các trường”, bà Nguyễn Kiều Phương, Phòng GD&ĐT quận Bình Thuỷ cho hay.
Ngày 7/12, sau khi kiểm tra đột xuất bữa ăn bán trú của học sinh ở Trường Tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai, ông Trịnh Vĩnh Thanh, Trưởng phòng GD&ĐT quận Gò Vấp đề nghị, nhà trường cần tăng cường công tác quản lý, giám sát nhân viên phục vụ bán trú cho học sinh. Ngoài ra, nhà trường có thể tiến hành lắp camera tại nhà bếp, để tránh trường hợp cấp dưỡng và nhân viên phục vụ làm ẩu. Ông Thanh cũng yêu cầu nhà trường lập hộp thư để học sinh có ý kiến về chất lượng bữa ăn bán trú, ý kiến về bảo mẫu..