Bữa ăn học đường: Luật hóa để đạt chuẩn

GD&TĐ - Trước thực trạng gia tăng số vụ ngộ độc thực phẩm, nhiều ý kiến cho rằng, đến lúc bữa ăn học đường cần được "luật hóa" để siết chặt chất lượng.

Đội ngũ nhân viên bếp tại Trường Mầm non Ngô Thì Nhậm (Hà Đông, Hà Nội). Ảnh: TG
Đội ngũ nhân viên bếp tại Trường Mầm non Ngô Thì Nhậm (Hà Đông, Hà Nội). Ảnh: TG

Cần thực đơn chuẩn

Là chuyên gia dinh dưỡng, PGS.TS, bác sĩ Bùi Thị Nhung – Trưởng khoa Dinh dưỡng học đường và ngành nghề, Viện Dinh dưỡng Quốc gia - khẳng định, thực đơn bữa ăn học đường cần đáp ứng nhu cầu theo lứa tuổi. Thực phẩm cung cấp gồm 4 nhóm chất dinh dưỡng: Đường, đạm, béo, vitamin và chất khoáng.

Bữa ăn học đường phải đáp ứng tiêu chuẩn dinh dưỡng theo khuyến nghị về năng lượng, tỷ lệ các chất sinh năng lượng như bột đường, đạm và chất béo. Ngoài ra cần đảm bảo tính đa dạng thực phẩm, khuyến khích có trên 10 loại thực phẩm, bảo đảm đủ định lượng rau củ quả và các thực phẩm khác.

Bộ Y tế và Bộ GD&ĐT đã phối hợp xây dựng các thông tư, hướng dẫn tổ chức bữa ăn học đường. Với mầm non, việc triển khai bữa ăn học đường thuận lợi hơn cấp học khác vì theo quy định, cơ sở giáo dục mầm non vừa có chức năng dạy học và nuôi dưỡng. Giáo viên mầm non cũng được đào tạo về dinh dưỡng và nuôi dưỡng trẻ; tiêu chuẩn bữa ăn bán trú ở trường mầm non được quy định và điều chỉnh theo Thông tư 28/2016 của Bộ GD&ĐT.

Tại Việt Nam, việc xây dựng các chính sách, luật về dinh dưỡng học đường rất cần thiết. “Chính phủ đã quan tâm và đầu tư để cải thiện bữa ăn học đường. Tuy nhiên, chúng ta cần thời gian để xây dựng được các mô hình bữa ăn học đường phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội, phong tục ẩm thực của từng địa phương; sau đó tiến tới từng bước vững chắc xây dựng luật dinh dưỡng học đường” – PGS.TS Bùi Thị Nhung nói.

Với tiểu học, việc tổ chức bữa ăn học đường xuất phát từ nhu cầu phụ huynh nên còn nhiều khó khăn về cơ sở vật chất. Hiện chỉ có khoảng một nửa số trường tiểu học có đủ cơ sở vật chất để tổ chức bữa ăn bán trú tại trường. Nhiều trường phải sử dụng dịch vụ cung cấp suất ăn của các công ty dịch vụ. Phần lớn thực đơn được xây dựng dựa theo kinh nghiệm của nhân viên bếp và mức thu ăn bán trú.

Cũng theo PGS Bùi Thị Nhung, ở các quốc gia phát triển, chương trình bữa ăn học đường được quy định rõ ràng và cụ thể về tiêu chuẩn dinh dưỡng và điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm. Cụ thể, Nhật Bản từ năm 1954 đã có luật về dinh dưỡng học đường. Để một trường học bán trú được phép đi vào hoạt động đòi hỏi phải có quy định cụ thể về cơ sở vật chất, nhân lực và có một cử nhân dinh dưỡng tiết chế được đào tạo chuyên sâu để tính toán và xây dựng thực đơn cân bằng dinh dưỡng cho nhà trường.

Tăng tính răn đe

Dưới góc độ pháp lý, TS.LS Đặng Văn Cường – Đoàn Luật sư TP Hà Nội - cho rằng, sau hàng loạt vụ ngộ độc thực phẩm nghiêm trọng đã đến lúc cần tăng cường hơn nữa cơ chế kiểm soát bữa ăn trong môi trường học đường; đồng thời xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm.

PGS.TS, bác sĩ Bùi Thị Nhung – Trưởng khoa Dinh dưỡng học đường và ngành nghề, Viện Dinh dưỡng Quốc gia. Ảnh: NVCC

PGS.TS, bác sĩ Bùi Thị Nhung – Trưởng khoa Dinh dưỡng học đường và ngành nghề, Viện Dinh dưỡng Quốc gia. Ảnh: NVCC

Đối với đơn vị cung cấp dịch vụ suất ăn cho trường học mà không có sự giám sát của nhà trường và phụ huynh, hoặc có sự cấu kết giữa cán bộ nhà trường với đơn vị cung cấp thì việc vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm hoàn toàn có thể diễn ra. Trong khi đó, thực khách là trẻ em nên không có đủ kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng để đánh giá chất lượng bữa ăn cũng như an toàn thực phẩm.

Ông Cường cho biết: “Đã đến lúc cần tăng cường công tác quản lý, siết chặt các điều kiện tiêu chuẩn về bữa ăn trong môi trường học đường, trong đó có thể ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định về tiêu chuẩn bữa ăn đối với học sinh. Về chế tài, cần nâng lên mức cao hơn so với hoạt động kinh doanh, vi phạm các điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm ở những nơi khác.

Trong đó, không nên quy định hậu quả như chết người, phải tổn hại sức khỏe thì mới xử lý hình sự mà chỉ cần quy định về mức độ nguy hiểm của hóa chất độc hại trong lương thực thực phẩm, những hành vi có thể dẫn đến nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe của người tiêu dùng là có thể xử lý hình sự; không chờ đến lúc bệnh nhân phải cấp cứu hoặc tử vong thì mới truy cứu trách nhiệm hình sự như hiện nay. Có như vậy mới đủ sức răn đe, nâng cao trách nhiệm của các đơn vị kinh doanh thực phẩm”.

TS.LS Đặng Văn Cường cũng nêu quan điểm, Bộ GD&ĐT, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương và các cơ quan chức năng liên quan phải có văn bản chuyên ngành để tăng cường công tác quản lý điều kiện đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm nói chung, nhất là đối với bữa ăn của học sinh trong môi trường học đường.

Cần sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật về xác định thiệt hại, hậu quả đối với hành vi vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, làm căn cứ để áp dụng chế tài hành chính hoặc hình sự đối với các trường hợp vi phạm. Thực hiện đồng bộ, đầy đủ nhiều giải pháp, từ cơ chế, chính sách, giải pháp pháp luật, tăng cường công tác giám sát và phát hiện, xử lý nghiêm minh bằng các chế tài hành chính và hình sự mới kiểm soát được vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm trong môi trường học đường.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ