Phát hiện bất ngờ về cổ tự

Phát hiện bất ngờ về cổ tự

(GD&TĐ) - Không chỉ giáp cốt văn ở Trung Hoa hay những Phạn tự đầu tiên của chữ Sanscrit mới là những cổ tự, những phát hiện gần đây ở những nơi không ngờ nhất không khỏi gây… bất ngờ. Và bất ngờ hơn là nội dung của chúng, cũng như cách kết hợp ký tự của các văn bản cổ xưa nhất của con người…

Từ cổ tự Hy Lạp

Đoàn nghiên cứu thám hiểm thuộc Đại học Missouri (Hoa Kỳ) vừa phát hiện ra những mẫu tự tiền thân chữ Hy Lạp cổ, có tuổi muộn nhất cũng khoảng 2.500 năm, gần làng Iklayna hiện nay (thuộc Hy Lạp). Trong quá trình khai quật, các nhà khoa học đã tìm thấy một viên đất sét nung có kích thước 2,5 cm x 4 cm. Điều đáng nói là trên miếng đất nung ấy có khắc những hàng chữ được coi là tiền thân của chữ Hy Lạp cổ. Đoạn văn được viết theo hàng ngang mà các chuyên gia gọi là “tuyến tính B”. Các nhà khoa học đã có thể đọc một đoạn văn có chứa một động từ, đề cập đến việc sản xuất và các hoạt động của con người, cũng như tên riêng và số. Theo các chuyên gia, văn bản đề cập đến giai đoạn từ 1.450-1.350 năm trước Công nguyên (TCN). Ở châu Âu, người ta đã tìm thấy nhiều hiện vật, bảng chữ cổ có dấu hiệu ký tự đặc biệt khắc trên chúng, nhưng không một hiện vật nào trong số đó giải thích và đọc ra được. Phát hiện mới này trở thành đại diện cho hầu hết các văn bản cổ xưa trong lịch sử châu Âu. Nhưng từ đâu mà “bức thư” này được chuyển tới nơi này (làng Iklayna) thì các nhà khoa học vẫn chưa thể tìm ra câu trả lời thích đáng.

Phiến đá Cascajal block
Phiến đá Cascajal block

Tới cổ tự Maya

Tại bang Veracruz (Mexico), cách đây không lâu, người ta mới tìm thấy một tảng đá khắc các hình biểu tượng khiến các nhà nhân chủng học phải ngạc nhiên. Phiến đá có các biểu tượng giai đoạn tiền ký tự được khắc từ thiên niên kỷ đầu tiên TCN.

Nó được tạo ra bởi nền văn minh Olmec ở Trung Mỹ, khu vực nằm ở giữa thung lũng Sinaloa ở bắc Mexico và Vịnh Fonseca ở miền nam El Salvador. Nơi đây là nhà của người Aztec, Maya và tổ tiên của họ. Theo các nhà khoa học, đây là bằng chứng về chữ viết cổ xưa nhất ở châu Mỹ, cách đây 2.000 năm. Phiến đá mang tên “Cascajal block”, được phát hiện lần đầu tiên tại Cascajal vào cuối những năm 1990. Tấm đá nặng 12 kg và có kích thước 36x21x13 cm. Chữ viết bao gồm 62 ký hiệu, một số được lặp lại tới 4 lần.

Đầu năm nay, tảng đá đã được một nhóm các nhà khảo cổ quốc tế tập trung nghiên cứu, diễn giải. Theo nhận định của nhóm, những ký tự này khớp với mọi tiêu chuẩn của chữ viết bởi các yếu tố rõ ràng, mô hình sắp xếp và trật tự đọc. GS Mary Pohl, thuộc Đại học Florida ở Tallahassee, Mỹ, lạc quan nói: “Tôi cho rằng đây là một phát hiện vô cùng quan trọng. Nó đã cung cấp bằng chứng rằng người Olmec là một trong những chủ thể đã sáng tạo ra chữ viết đầu tiên…”.

Người Olmec xuất hiện trên vịnh Mexico vào khoảng năm 1.200 TCN. Các bằng chứng trước nay cho thấy, vào khoảng năm 900 TCN, người Olmec đã “viết” ra những hình khắc trang trí gồm các cổ tự (hay tiền cổ tự), các ký hiệu tượng trưng cho chữ cái, âm thanh hoặc từ ngữ, từ. Có điều cho tới nay, các học giả vẫn chưa “dịch” ra được nội dung các “văn bản” cổ xưa, kỳ bí này, xem đây có phải thực sự là chữ viết hay chưa? Cổ tự được khắc từ đá serpentine quý hiếm, chứng tỏ đây là vật linh thiêng được sử dụng cho các mục đích nghi lễ. Chữ viết vẫn chưa giải mã nhưng các nhà khoa học hy vọng những cuộc khai quật tiếp theo sẽ tìm ra đầu mối cho nội dung của tấm bảng.

Hình khắc trang trí của người Olmec
Hình khắc trang trí của người Olmec

Điều bất ngờ nằm ở nước Anh

Khúc đá dài 17cm, được phát hiện bởi một nhà khảo cổ học nghiệp dư từ đáy của một mỏ đá sâu Needingworth, dọc theo con sông lớn Ouse, gần làng Over (Cambridgeshire, Anh). Hòn đá được phát hiện bởi cô Susie Sinclair (48 tuổi) - Giảng viên chuyên ngành Ngôn ngữ Quản trị- Kinh doanh. Susie cho biết: “Tôi đang ngồi nghỉ trên một đống đá, mặt trời thì vẫn chiếu vào những vòng tròn, tôi đã nghĩ đó là một con sâu hoá thạch. Tôi nhặt nó lên và đưa nó tới Giáo sư Peter Sheldon - người đã nhận ra rằng hòn đá này có nhiều ý nghĩa hơn giả thiết là một con sâu đã hoá thạch. Ông đã chụp bức ảnh về hòn đá và gửi đến Christopher Evans. Tới lúc đó, chúng tôi mới nhận ra giá trị của cổ vật này. Tôi chỉ tình cờ là một nhà khảo cổ học, vì thế tôi không biết nó là cái gì. Nó thực sự đẹp và thật ngạc nhiên khi nghĩ rằng, ai đó đã làm ra vật này từ 4.500 năm trước”.

Các chuyên gia của Trường ĐH Cambridge tin rằng, những vòng tròn thô sơ khắc trên đá là một phiên bản chữ của thời kỳ đồ đá. Dấu tích của những làng cổ cũng đã được tìm thấy ở gần khu vực quanh làng Over trong những năm gần đây. Christopher Evans - Trưởng khoa Khảo cổ học của Trường ĐH Cambridge, cho rằng những vòng tròn đồng tâm được tạo ra bởi một trong những thủy tổ Đảo quốc sương mù.

Phiến đá Cascajal block Chữ Cascajal
Phiến đá Cascajal block Chữ Cascajal

Vẫn còn bất ngờ dưới kim tự tháp

Năm 2002, các nhà Ai Cập học đã gửi phần chữ khắc chưa được giải mã trong mộ các Pharaon, cho GS Richard Steiner - chuyên gia về cổ ngữ Semitic tại Đại học Yeshiva, New York. Steiner phát hiện thấy dòng chữ chính là ngôn ngữ do người Canaanite sử dụng trong khoảng thời gian từ 2.500 - 3.500 năm TCN.

“Đây là loại chữ cổ nhất trong ngôn ngữ Semitic”- Steiner nói. Loại chữ Semitic cổ nhất được biết đến trước đó có từ thế kỷ 2.400 TCN”. Đồng tình với quan điểm này, nhà ngôn ngữ học Moshe Florentine cũng khẳng định: “Điều này rất quan trọng bởi vì nó có từ thiên niên kỷ thứ 3 TCN, nên đây là chữ viết thời tiền Canaanite cổ nhất và cũng là chữ Semitic cổ nhất từng được biết đến”.

Nội dung cổ tự trên sau khi được giải mã là câu thần chú nhằm xua đuổi rắn ra khỏi ngôi mộ của các Pharaon, thời đại Canaanite. Vì tin rằng một số con rắn nói được tiếng Semitic của người Canaanite, nên người Ai Cập cho cả những câu thần chú bằng tiếng Semitic vào 2 mặt của quan tài, nhằm xua đuổi kẻ thù. “Hãy đến đây, đến nhà của mẹ!”, một dòng chữ Semitic có ý như mẹ của con rắn đang nói, nhằm lôi nó ra khỏi mộ. Một dòng chữ khác, con rắn lại được coi như là một người tình: “Hãy quay về bên này, người tình của em!”. Việc người Ai Cập cổ sử dụng các câu thần chú chứng tỏ mối quan hệ gần gũi vào thời đó với người Canaanite. Trong khi người Ai Cập cổ coi nền văn hoá và tôn giáo của mình siêu đẳng hơn hẳn láng giềng phương bắc, họ vẫn phải làm mọi thứ để bảo vệ các xác ướp vua chúa khỏi bị những con rắn độc xâm hại.

Những dòng cổ tự trên là một hỗn hợp gồm cả chữ Ai Cập và chữ Semitic cổ, vốn là hai phần tích hợp của câu thần chú và không thể tách rời. Vì vậy, các chuyên gia Ai Cập không thể hiểu hoàn toàn các dòng chữ tâm linh đó, cho đến khi Steiner giải mã được chúng…

Hàng Chương

(Theo Science-compulenta và các nguồn trên Internet)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhu cầu tuyển dụng lao động vào dịp cuối năm luôn “nóng” tại các doanh nghiệp. Ảnh minh họa: INT

Doanh nghiệp 'khát' lao động

GD&TĐ - Những tháng cuối năm luôn là thời điểm sôi động nhất của thị trường lao động, bởi hầu hết các doanh nghiệp phải chạy đua với thời gian

Minh họa/INT

Thưởng Tết - động lực để cống hiến

GD&TĐ - Ý nghĩa của thưởng Tết dù ít hay nhiều nhằm ghi nhận công lao, đóng góp của người lao động, đồng thời chính là thành quả mà người lao động tạo ra...