Phát động phong trào toàn dân xây dựng nông thôn mới 2023

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Ngày 10/2, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức phát động phong trào thi đua toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới năm 2023.

Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.
Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.

Dự chương trình có ông Đặng Xuân Trường - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thái Nguyên; bà Nguyễn Thị Mai - Phó trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; đại diện Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bưu điện tỉnh Thái Nguyên, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thái Nguyên.

Về phía huyện Phú Lương có ông Nguyễn Quốc Hữu - Bí thư Huyện ủy huyện Phú Lương; bà Nguyễn Thúy Hằng - Phó chủ tịch UBND huyện Phú Lương cùng các đoàn thể xã, thị trấn, người dân trên địa bàn.

Nhằm tuyên truyền đến toàn thể nhân dân tạo khí thế thi đua, hưởng ứng thực hiện phong trào “Phú Lương chung sức xây dựng nông thôn mới” góp phần hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2022-2025 trong toàn huyện, Lễ phát động thi đua “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh và triển khai nền tảng địa chỉ số xã nông thôn mới thông minh năm 2023” đã được tổ chức tại UBND xã Tức Tranh.

Với sự chỉ đạo quyết liệt của Huyện ủy, UBND huyện; sự vào cuộc của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể từ huyện đến cơ sở; sự đồng tình nhất trí của Nhân dân, sau hơn 10 năm triển khai thực hiện, nông thôn mới đã trở thành phong trào rộng khắp trong toàn huyện và đã đạt được nhiều kết quả tích cực.

Kết cấu hạ tầng, kinh tế - xã hội nông thôn được tăng cường, nhất là giao thông, thủy lợi, thiết chế văn hóa ngày càng đồng bộ, khang trang, hiện đại. Nông nghiệp tiếp tục phát triển theo hướng tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực.

Thu nhập bình quân đầu người đạt trên 40 triệu đồng/năm, hộ nghèo giảm nhanh, số hộ khá và giàu tăng. Toàn huyện có 66 hợp tác xã (HTX), trong đó có 59 HTX nông nghiệp, 40 tổ hợp tác sản xuất, 45 làng nghề được công nhận.

Tổng nguồn lực huy động trong xây dựng nông thôn mới là trên 168 tỷ đồng, trong đó đóng góp của người dân là trên 12 tỷ đồng cùng hàng nghìn ngày công lao động tu sửa các công trình công cộng, dọn dẹp, vệ sinh đường làng, ngõ xóm.

Ông Nguyễn Quốc Hữu, Bí thư huyện ủy huyện Phú Lương phát động phong trào thi đua.

Ông Nguyễn Quốc Hữu, Bí thư huyện ủy huyện Phú Lương phát động phong trào thi đua.

Đến hết năm 2022, toàn huyện có 12/13 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 2 xã Vô Tranh và Cổ Lũng đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, xã Tức Tranh đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Trong năm, có thêm 12 xóm nông thôn mới kiểu mẫu nâng tổng số xóm đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu toàn huyện lên 23 xóm.

Giai đoạn 2022 - 2025, huyện Phú Lương đề ra nhiều mục tiêu trong Chương trình xây dựng nông thôn mới như hoàn thiện 13/13 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, có thêm 34 xóm đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; huyện Phú Lương phấn đấu đạt huyện nông thôn mới trong năm 2024.

Ông Nguyễn Quốc Hữu, Bí thư huyện ủy huyện Phú Lương nhấn mạnh: Nông nghiệp, nông dân và nông thôn có vị trí chiến lược trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, là cơ sở và lực lượng quan trọng để phát triển kinh tế – xã hội bền vững, giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo an ninh quốc phòng; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và bảo vệ môi trường sinh thái của đất nước.

Chương trình xây dựng nông thôn mới được huyện triển khai thực hiện với quan điểm: Xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ trọng tâm, toàn diện, lâu dài trong sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn; là quá trình thường xuyên, liên tục, “có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc”.

Để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ đề ra, Bí thư huyện uỷ Phú Lương đề nghị: Cần có sự tập trung chỉ đạo cụ thể, quyết liệt, liên tục, đồng bộ và huy động được sự tham gia của cả hệ thống chính trị, nhất là vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền và người đứng đầu.

Thu nhập bình quân đầu người đạt trên 40 triệu đồng/năm.

Thu nhập bình quân đầu người đạt trên 40 triệu đồng/năm.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cả hệ thống chính trị và người dân hiểu rõ: xây dựng nông thôn mới phải do cộng đồng dân cư làm chủ và người dân là chủ thể; huy động nội lực là chính với sự hỗ trợ của nhà nước, sự đồng tình ủng hộ của nhân dân là yếu tố quyết định thành công của nông thôn mới.

Phát huy vai trò kinh tế tập thể, nòng cốt là HTX, đẩy mạnh liên kết giữa doanh nghiệp, HTX, người nông dân, triển khai ứng dụng khoa học công nghệ, ứng dụng chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, số hóa OCOP.

Đổi mới tư duy kinh doanh nông nghiệp thích ứng với cơ chế thị trường, tạo sinh kế cho nhân dân. Đa dạng hóa việc huy động nguồn lực để xây dựng nông thôn mới theo phương châm “Huy động nguồn lực từ cộng đồng là quyết định, sự tham gia của các doanh nghiệp và xã hội là quan trọng, sự hỗ trợ từ ngân sách nhà nước là cần thiết”…

Tại buổi lễ, Bí thư huyện ủy huyện Phú Lương kêu gọi các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, các tổ chức doanh nghiệp cùng toàn thể Nhân dân phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, ra sức thi đua phấn đấu thực hiện phong trào thi đua “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, hoàn thành các mục tiêu đề ra trong Chương trình xây dựng nông thôn mới.

Những kết quả thiết thực đạt được là động lực tích cực trong thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIV đề ra.

Cũng trong khuôn khổ chương trình, UBND huyện Phú Lương đã khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện phong trào Phú Lương chung sức xây dựng nông thôn mới năm 2022.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa: ITN

Cách cảm thụ một câu thơ hay

GD&TĐ - Nhà thơ sáng tạo nên câu thơ hay bằng cách nào? Người đọc cảm thụ câu thơ hay cần chú ý những phương diện sáng tạo nghệ thuật nào của nhà thơ?