Sứ giả trẻ của hòa bình và kết nối

GD&TĐ - Hai nam sinh Nghệ An đang háo hức chuẩn bị cho hành trình “Lãnh đạo thanh niên theo yêu cầu” do Đại sứ quán Hoa Kỳ tài trợ.

Vũ Đức Pháp (bên trái) và Nguyễn Bảo Phúc là 2 trong 14 học sinh Việt Nam tham gia chương trình “Lãnh đạo thanh niên theo yêu cầu” do Đại sứ quán Hoa Kỳ tài trợ.
Vũ Đức Pháp (bên trái) và Nguyễn Bảo Phúc là 2 trong 14 học sinh Việt Nam tham gia chương trình “Lãnh đạo thanh niên theo yêu cầu” do Đại sứ quán Hoa Kỳ tài trợ.

Tham gia chương trình trong bối cảnh kỷ niệm 30 năm quan hệ ngoại giao 2 nước, Vũ Đức Pháp (lớp 10C9) và Nguyễn Bảo Phúc (10C8) Trường THPT chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An) mong muốn được chia sẻ hình ảnh, con người Việt Nam và lắng nghe câu chuyện của các bạn trẻ nước Mỹ.

Cơ hội trải nghiệm

Đầu năm 2025, Trường THPT chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An) đón đoàn Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam đến thăm và làm việc. Tại sự kiện này, học sinh của trường được thông tin về Chương trình “Lãnh đạo thanh niên theo yêu cầu” (ODYLP) do Đại sứ quán Hoa Kỳ tài trợ - chương trình giúp các bạn trẻ phát triển kỹ năng lãnh đạo và giao lưu quốc tế.

Hai nam sinh lớp 10 chuyên ngoại ngữ Vũ Đức Pháp và Nguyễn Bảo Phúc đã nộp hồ sơ đăng ký với hy vọng có cơ hội tham gia chuyến trải nghiệm đặc biệt này. Vũ Đức Pháp đã có kinh nghiệm nhất định qua các cuộc thi hùng biện tiếng Anh, giao lưu văn hóa tham gia trước đó.

Năm 2023, Pháp được Tỉnh đoàn Nghệ An chọn tham gia chương trình giao lưu hữu nghị Việt Nam - Lào - Campuchia. Tuy nhiên, chương trình lần này là thử thách khi cả nước chỉ lựa chọn 14 học sinh tham gia. Vì vậy, em cố gắng chỉn chu nhất cho từng bài luận trong hồ sơ đăng ký, để ban tổ chức hiểu rõ hơn về mình.

“Em nghĩ rằng, mỗi chương trình sẽ tìm kiếm người phù hợp nhất, chứ không phải giỏi nhất. Nếu dùng 2 từ để miêu tả về bản thân, em chọn đa dạng và thích nghi. Em thích giao lưu văn hóa và kỳ vọng được tham gia chương trình để có cơ hội tiếp cận nền văn hóa mới cũng như trau dồi kỹ năng bản thân”, Vũ Đức Pháp chia sẻ.

Với chủ đề bài luận giải quyết xung đột nhóm để thể hiện vai trò lãnh đạo, Vũ Đức Pháp cho rằng, đây là điều khó tránh khỏi khi hoạt động nhóm. Trong tình huống này, người lãnh đạo phải bình tĩnh, kiểm soát cảm xúc, cho bản thân thời gian cần thiết để suy nghĩ về vấn đề của mọi người trong nhóm. Sau đó cùng ngồi lại với nhau để đưa ra phương án giải quyết.

Còn theo Nguyễn Bảo Phúc, để trở thành người lãnh đạo, không cần tài giỏi nhất mà phải thích nghi với mọi góc nhìn của thành viên, tận dụng được khả năng nhiều nhất của họ.

Nam sinh cho hay, các bài luận của em có sự nhất quán, khi chia sẻ về kinh nghiệm tham gia chương trình Vì tiếng cười trẻ thơ với vai trò trưởng nhóm vận động tài trợ. Vấn đề xã hội em quan tâm là sự bỏ mặc của người lớn đối với trẻ em trong xã hội hiện đại. Đây là điều em trăn trở khi gặp các em nhỏ mồ côi, hay nhìn thấy những đứa trẻ gửi lại ở quê khi bố mẹ đi làm ăn xa…

“Hai từ em chọn để diễn tả bản thân là kiên cường và lòng trắc. Trước mỗi khó khăn, em không dừng lại mà không ngừng học hỏi để tìm cơ hội khác. Mỗi con người từng gặp, mỗi chuyện trải qua, em đều cố gắng ghi lại vào nhật ký cảm xúc, suy nghĩ góc nhìn của mình”, Phúc chia sẻ.

Với màu sắc cá nhân ấn tượng, cả hai nam sinh cùng vượt qua vòng hồ sơ để được Đại sứ quán Hoa Kỳ phỏng vấn trực tuyến. Thời gian chuẩn bị chỉ gần 1 tháng, nhưng Vũ Đức Pháp đã kịp soạn ra trước 50 câu hỏi về bản thân, xử lý tình huống, tầm nhìn tương lai. “Tuy nhiên, khi phỏng vấn chính thức, em chỉ có thời gian 10 - 15 phút với 3 đại diện của Đại sứ quán Hoa Kỳ nên khá bất ngờ. Các vị giám khảo liên tục đặt câu hỏi liên quan đến câu chuyện em chia sẻ, trả lời. Nhờ có sự chuẩn bị kỹ càng trước đó, em trả lời khá đầy đủ, lưu loát”, nam sinh chia sẻ.

Về phía Nguyễn Bảo Phúc cũng chuẩn bị 15 - 20 câu hỏi trước đó. Nhưng đối diện với giám khảo, em hơi run và lúc đầu trả lời “lắp bắp”, nên khá lo lắng. “Sau hơn 1 tháng chờ đợi kết quả, lúc em tưởng mình không được chọn, thì lại nhận được thư chúc mừng của ban tổ chức. Lúc đó đã vào nửa đêm, em vui quá nên gọi cả bố mẹ dậy để báo tin”, Phúc nhớ lại.

Vũ Đức Pháp cũng nhận được thông báo tương tự, lúc này cả 2 bạn mới biết sẽ thêm người đồng hành ở Trường THPT chuyên Phan Bội Châu tham gia chương trình tại Hoa Kỳ sắp tới.

Đem hình ảnh thanh niên Việt Nam sang Mỹ

Vũ Đức Pháp chia sẻ, tham gia chương trình trong sự kiện đặc biệt này là cơ hội tốt để em phát triển bản thân và góp phần giới thiệu hình ảnh người trẻ Việt Nam với bạn bè quốc tế. Tham gia phỏng vấn có một câu hỏi khiến em bất ngờ, đó là “khi đến nước Mỹ em sẽ mang đến dự án gì để giới thiệu về đất nước mình”.

Nhưng ngay sau đó, Vũ Đức Pháp đã chia sẻ dự định quảng bá về Dân ca ví giặm xứ Nghệ được UNESCO công nhận và em đã được bà và mẹ nuôi dưỡng tình yêu dân ca từ những ngày còn nhỏ. Theo nam sinh, âm nhạc thể hiện con người rõ nhất, được sáng tác khi con người có cảm xúc đặc sắc và muốn lưu giữ nó.

Qua làn điệu dân ca ví giặm, em có thể thấy rõ con người xứ Nghệ nói riêng và Việt Nam nói chung rất giàu lòng yêu thương, thấm đượm tình người. Và em muốn đưa những điều này đến với bạn bè quốc tế.

Chuyến trải nghiệm sắp tới của Vũ Đức Pháp và Nguyễn Bảo Phúc nằm trong khuôn khổ các hoạt động kỷ niệm 30 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hoa Kỳ. Nói thêm về dự định cho hành trình này, Vũ Đức Pháp bày tỏ, trong thời chiến, Việt Nam đã chịu nhiều tổn thương, thế hệ ông cha đã hy sinh, đánh đổi nhiều để có hòa bình độc lập.

Nhưng trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, em nghĩ cần có sự kết nối giữa các quốc gia, xây dựng nền móng mà ông cha đã gây dựng. Việt Nam là đất nước giàu truyền thống, nhưng cũng tân tiến, tiếp thu tinh hoa của nhân loại. Và em mong muốn sẽ đóng góp phần nhỏ vào sự kết nối, hàn gắn, hòa nhập với thế giới bên ngoài.

Trong khi đó, Nguyễn Bảo Phúc chia sẻ bản thân từng nhút nhát, không giỏi giao tiếp, thể hiện trước đông người. Nhưng em nhận ra nếu cứ tiếp tục như vậy thì sau này không thể trở thành người có sức ảnh hưởng và mong muốn được thay đổi bản thân. Trong lúc trả lời phỏng vấn, Phúc cũng nhấn mạnh vào điều đó với Đại sứ quán Hoa Kỳ. Trong mọi hoạt động, em cố gắng trở thành người lãnh đạo để phát triển năng lực.

“Tham gia chương trình sắp tới tại Hoa Kỳ, cùng với các đại diện Việt Nam khác, em muốn chia sẻ văn hóa, hình ảnh, khát vọng của thế hệ trẻ hiện nay. Ngược lại, cũng mong được lắng nghe câu chuyện của những bạn trẻ nước Mỹ, để cùng giao lưu và phát triển”, Nguyễn Bảo Phúc nói.

Chương trình “Lãnh đạo thanh niên theo yêu cầu” do Cục Giáo dục và Văn hóa thuộc Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đề xuất, trong khuôn khổ các hoạt động kỷ niệm 30 năm quan hệ ngoại giao Hoa Kỳ - Việt Nam.

Chương trình quy tụ 30 nhà lãnh đạo trẻ truyền cảm hứng bao gồm 16 người đến từ Việt Nam (14 thanh thiếu niên, 2 cố vấn người lớn) và 14 thanh thiếu niên đến từ Hoa Kỳ. Học sinh Việt Nam tham gia chương trình được Chính phủ Hoa Kỳ tài trợ 100% chi phí, thời gian dự kiến từ 20/6 đến 9/7. Trong đó có 5 ngày ở thủ đô Washington và 15 ngày ở các thành phố khác của Hoa Kỳ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ