Nhiều công trình, dự án có vốn đầu tư hàng nghìn tỷ đồng được khởi công, khánh thành trong dịp lễ 30/4 và 1/5 được xem là động lực, cú hích thúc đẩy kinh tế - xã hội vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) phát triển trong tương lai.
Dự án giao thông trọng điểm
Theo tổng hợp của Bộ Xây dựng, cả nước có 80 dự án được tổ chức khởi công, khánh thành chào mừng kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025), với tổng vốn đầu tư khoảng 445.000 tỷ đồng. Trong đó, tổng vốn cho các dự án khởi công là 305.000 tỷ đồng, còn lại là 140.000 tỷ đồng cho các dự án khánh thành.
Trong 80 dự án này, có 40 dự án thuộc lĩnh vực giao thông; 12 dự án xây dựng công nghiệp và dân dụng; 12 dự án giáo dục; 9 dự án văn hóa - xã hội; 5 dự án y tế cộng đồng và 2 dự án thủy lợi.
Trong lĩnh vực giao thông, tỉnh Cà Mau có một dự án được khánh thành là công trình cầu Gành Hào, bắc qua sông Gành Hào, kết nối tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau. Đây là một trong 3 dự án thành phần thuộc Dự án Xây dựng cầu sông Ông Đốc, tuyến đường trục Đông - Tây và cầu Gành Hào, tổng mức đầu tư 2.147 tỷ đồng (riêng cầu Gành Hào có mức đầu tư 655 tỷ đồng).
Cầu Gành Hào có tổng chiều dài hơn 6 km, trong đó phần cầu chính dài 770 m, rộng 12 m, được đầu tư 4 làn xe. Công trình có điểm đầu tại xã Tân Thuận, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau và điểm cuối ở thị trấn Gành Hào, huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu.
Ông Lâm Văn Bi - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, cho biết: “Cầu Gành Hào là công trình cầu lớn nhất được đầu tư nối qua địa bàn hai tỉnh Cà Mau - Bạc Liêu. Đây là ‘dấu gạch nối’ cuối cùng để kết nối thông suốt trục đường từ cửa biển Sông Đốc phía biển Tây đến cửa biển Gành Hào phía biển Đông, xóa bỏ tình trạng chia cắt cũng như thế độc đạo về giao thông đường bộ tại khu vực cửa biển này.
Công trình hoàn thành không chỉ giúp cho giao thương của huyện Đông Hải và Đầm Dơi được thuận lợi, nhanh chóng, an toàn, mà còn tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh và mở ra không gian phát triển mới cho hai tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu cũng như cả khu vực ĐBSCL”.
Cùng với việc khánh thành cầu Gành Hào, tỉnh Cà Mau cũng phối hợp với Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) tổ chức lễ bàn giao mặt bằng và động thổ Dự án Mở rộng, nâng cấp cảng hàng không Cà Mau với tổng mức đầu tư khoảng 2.400 tỷ đồng.
Quy mô dự án bao gồm xây dựng mới đường cất hạ cánh kích thước 2.400 m × 45 m, bảo đảm khai thác các loại máy bay như A320, A321 và tương đương. Nhà ga hiện hữu sẽ được cải tạo và mở rộng để nâng công suất lên 500.000 hành khách quốc nội/năm, có thể tiếp tục mở rộng để đạt 1 triệu hành khách/năm khi có nhu cầu.
Một dự án giao thông quan trọng khác tại ĐBSCL vừa được khánh thành là cầu Rạch Miễu 2 bắc qua sông Tiền, nối tỉnh Tiền Giang và Bến Tre. Cầu Rạch Miễu 2 được xây dựng cách cầu Rạch Miễu hiện hữu khoảng 4 km về phía thượng lưu, có tổng chiều dài hơn 17,6 km.
Trong đó, cầu chính dạng dây văng dài 1.971 m, gồm 4 làn xe cơ giới, bề rộng 21,5 m, vận tốc thiết kế 80 km/h. Dự án được khởi công từ tháng 3/2022, với tổng mức đầu tư hơn 6.800 tỷ đồng.
Ông Trần Ngọc Tam - Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, chia sẻ tại lễ hợp long công trình: “Cầu Rạch Miễu 2 hoàn thành sẽ phát huy hiệu quả của các công trình đã xây dựng như cầu Cổ Chiên, cầu Hàm Luông… Qua đó rút ngắn thời gian di chuyển từ TPHCM đi các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội toàn vùng ĐBSCL”.

Đồng bộ để… vươn mình
Bên cạnh các dự án giao thông, nhiều công trình quy mô lớn thuộc các lĩnh vực khác cũng được khởi công, khánh thành tại ĐBSCL. Trong lĩnh vực thủy lợi, nổi bật là việc khánh thành cống âu Rạch Mọp với tổng mức đầu tư hơn 516 tỷ đồng tại tỉnh Sóc Trăng.
Cống âu Rạch Mọp thuộc Dự án Công trình kiểm soát nguồn nước bờ Nam sông Hậu, do Ban Quản lý đầu tư và xây dựng Thủy lợi 10 làm chủ đầu tư. Công trình nằm trên sông Rạch Mọp (cách sông Hậu khoảng 500 m), tại vị trí giáp ranh giữa huyện Kế Sách và huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng.
Dự án khi đưa vào hoạt động sẽ giúp kiểm soát mặn, triều cường, giữ ngọt, ứng phó với các đợt xâm nhập mặn, bảo vệ vùng sản xuất hơn 36.700 ha thuộc bờ Nam sông Hậu của hai tỉnh Sóc Trăng và Hậu Giang.
Không chỉ trong lĩnh vực giao thông, lĩnh vực y tế cũng chứng kiến sự ra đời của những dự án quy mô lớn. Cụ thể, Dự án Đầu tư xây dựng Bệnh viện Đa khoa Cà Mau với quy mô 1.200 giường bệnh, nằm trên địa bàn TP Cà Mau (tỉnh Cà Mau), có tổng mức đầu tư hơn 3.300 tỷ đồng, đã được khởi động.
Dự án bao gồm nhiều hạng mục như: Khối nhà chính; nhà khoa tâm thần; nhà khoa truyền nhiễm; nhà đại thể; nhà xe cấp cứu, nhà trực bảo trì; khu tổng hợp và lưu trú cho người thân bệnh nhân; các công trình phụ trợ; hạ tầng kỹ thuật và mua sắm trang thiết bị y tế, thiết bị văn phòng cần thiết phục vụ hoạt động của bệnh viện.
Ông Phạm Thành Ngại - Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, cho biết: “Việc đầu tư xây dựng Bệnh viện Đa khoa Cà Mau quy mô 1.200 giường bệnh là rất cần thiết và có ý nghĩa lớn.


Sau khi hoàn thành, bệnh viện sẽ phát triển thêm nhiều kỹ thuật chuyên sâu và hiện đại như: chẩn đoán và điều trị ung thư bằng chất đánh dấu phóng xạ, xạ trị điều biến liều (IMRT), phẫu thuật thần kinh - sọ não - cột sống - lồng ngực phức tạp, cùng với hệ thống hồi sức tích cực (ICU) chuyên sâu điều trị các bệnh lý nhiễm trùng, nhiễm độc nặng…
Đây là bước phát triển mang tính chiến lược, hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng điều trị, giảm tải tuyến trên và từng bước khẳng định vai trò trung tâm y tế kỹ thuật cao của bệnh viện trong khu vực ĐBSCL”.
Tại TP Cần Thơ, UBND thành phố đã phối hợp tổ chức khai trương Bệnh viện Đa khoa Vinmec Cần Thơ (thuộc Tập đoàn Vingroup), tọa lạc tại quận Ninh Kiều. Dự án được xây dựng trên diện tích 41.000 m2, với tổng vốn đầu tư 2.350 tỷ đồng.
Đây là bệnh viện thứ 9 trong hệ thống y tế Vinmec. Vinmec Cần Thơ có quy mô 155 giường nội trú, công suất phục vụ tối thiểu 60.000 lượt khám/năm, gồm 21 chuyên khoa. Ngoài ra, tỉnh cũng đang chuẩn bị các điều kiện tổ chức lễ động thổ Dự án Trung tâm Thương mại Aeon Mall Cần Thơ với vốn đầu tư 5.400 tỷ đồng.
“UBND tỉnh Long An đã tổ chức lễ khởi công Khu dân cư Mai Bá Hương, quy mô gần 150ha, tổng mức đầu tư 4.030 tỷ đồng và tổ chức lễ động thổ Dự án Khu công nghiệp Tandoland, quy mô 250ha, tổng mức đầu tư 3.146 tỷ đồng. Đồng thời, tỉnh khởi công Dự án Khu đô thị sinh thái, thương mại du lịch tại xã Thanh Phú (huyện Bến Lức), quy mô hơn 220ha, tổng vốn đầu tư gần 17.000 tỷ đồng; khánh thành Dự án Nhà máy sản xuất phụ kiện và phụ tùng ngành ô tô, tại huyện Đức Hòa, quy mô 28ha, tổng vốn đầu tư 350 tỷ đồng; thông xe kỹ thuật đường tỉnh 823D - trục mở mới Tây Bắc kết nối Long An với TPHCM với chiều dài 14km, tổng vốn đầu tư 1.100 tỷ đồng. Đây đều là những dự án quan trọng, kỳ vọng sẽ tạo động lực lớn để tỉnh cùng với cả nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình phát triển thịnh vượng của dân tộc”, ông Nguyễn Văn Út - Chủ tịch UBND tỉnh Long An chia sẻ.