Phải có niềm tin

GD&TĐ - Đó là lời tâm sự, sẻ chia của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ tại chương trình Gala “Thay đổi vì một trường học hạnh phúc” do VTV7 phối hợp với Bộ GD&ĐT và Công đoàn Giáo dục Việt Nam tổ chức ghi hình ngày 27/5.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

aĐó là điều mà Bộ trưởng đúc rút, “ngày càng ngấm” khi trải qua các công việc khác nhau, được chia sẻ và gần gũi các đồng nghiệp, được chứng kiến những câu chuyện của các thầy cô đầy cố gắng và dũng cảm để “đi được tới những lớp học hạnh phúc”.

Thực ra, không riêng gì lĩnh vực giáo dục, không chỉ tại Gala “Thay đổi vì một môi trường học hạnh phúc”, trong xã hội, ở thời kỳ nào cũng vậy, với nghề nghiệp nào cũng thế, việc tạo ra được niềm tin, giữ vững niềm tin, có niềm tin vào người khác, vào những việc mình đang và sẽ làm luôn là điều quan trọng, thậm chí như “bảo bối”, như báu vật. Bởi, có niềm tin xác đáng, con người ta sẽ vượt qua được những khó khăn, gian khổ để đi đến đích, dẫu lắm nhọc nhằn chông gai…

Bởi lẽ thường, cuộc sống không phải chỉ toàn màu hồng tươi đẹp. Không phải chỉ là những nhung lụa êm ái. Làm bất cứ việc gì, dù cho cá nhân hay tập thể, đều cần có niềm tin, thậm chí mãnh liệt không chùn bước, không ngại khó, ngại khổ… thì mới có thể đạt được kết quả như ý. Bởi, như nhà văn nổi tiếng Victor Hugo từng nói, “niềm tin cần thiết cho con người. Thật thống khổ cho ai không tin tưởng”. Bởi, như chính Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ tâm tình như động viên và cũng là nhắc nhở rằng: “Trong những hoàn cảnh khó khăn nhất, nếu như mất niềm tin thì không vượt qua được. Thậm chí là mất nhiều thứ, mất tất cả. Trong nghề giáo dục, nói không cũng đã khó rồi, vì nghề của chúng ta là nghề giảng bài”.

Rõ ràng, ở thời đại nào, giáo dục cũng luôn là nghề cao quý, đáng trân trọng và có liên quan đến mọi người, mọi nhà. Chính vì thế, “nghề trồng người” thu hút sự quan tâm, chú ý của đông đảo người dân, thuộc mọi tầng lớp khác nhau. Những thành tựu, cống hiến được ghi nhận rộng rãi. Nhưng, những hạn chế, bất cập, yếu kém cũng “lộ sáng” nhiều hơn. Rõ ràng, có những điều phải được kịp thời ngăn chặn, ví như những hình phạt không thích đáng, ví như đạo đức nhà giáo bị phai nhạt, môi trường giáo dục bị “vấy bẩn”… Rõ ràng, phải có những sự đổi thay để thích ứng. Phải nhìn lại để bình tâm, cẩn trọng rút ra, thừa nhận những tồn tại, hạn chế để khắc phục một cách hiệu quả nhất.

Tất nhiên, không vì nhận được những sự phản biện, góp ý… mà các thầy, cô chùn bước, không vững tay chèo lái con thuyền giáo dục. Để cố gắng, quyết tâm, chân tình, bao dung, tâm huyết biến những khẩu hiệu thành hiện thực. Để “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”, với nhiều “lớp học hạnh phúc” trên mọi miền đất nước… Như Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ kết luận: “Khi các thầy cô thay đổi thì học sinh hạnh phúc. Khi học sinh hạnh phúc thì có lớp học hạnh phúc và điều đó cứ thế được nhân rộng ra. Ngành Giáo dục có nhiều thầy cô, lớp học hạnh phúc thì xã hội sẽ hạnh phúc”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ