Sống là để yêu thương

GD&TĐ - Giọng nói dễ thương mang âm hưởng miền Trung cùng tiếng cười trong trẻo, Thúy Hương trải lòng về cuộc sống của mình. Tất cả đều ngời lên tình yêu với những gì cô khát khao, trân quý muốn trao gửi và yêu thương.   

Cô luôn vượt lên nỗi đau để lạc quan với cuộc sống
Cô luôn vượt lên nỗi đau để lạc quan với cuộc sống

Cô gái có 16 năm gắn bó với nghề dạy học đang phải đối diện từng ngày với căn bệnh hiểm nghèo. Nhưng cũng từng ngày cô mong muốn lan tỏa lòng nhân ái để từng giây phút hiện diện của mình có ý nghĩa hơn.

Những ký ức thân thương

Sinh ra tại vùng quê Tùng Luật, Vĩnh Linh (Quảng Trị), cái nôi của những làn điệu dân ca sâu nặng ân tình, cô gái Nguyễn Thúy Hương sớm có năng khiếu âm nhạc. Những câu hát mộc mạc nghĩa tình cứ thấm dần và mang đến sự lựa chọn với nghề thanh nhạc, để cho cô trao trọn tình yêu của mình. Năm 2000, sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Âm nhạc tỉnh Thừa Thiên - Huế, cô sinh viên trẻ Thúy Hương được phân công giảng dạy môn Âm nhạc tại Trường Tiểu học Hùng Vương (Đông Hà, Quảng Trị). Đó là cả quãng thời gian cô được trải nghiệm, gắn bó với nghề trồng người, được cảm nhận những ánh mắt thơ ngây cùng nụ cười ríu rít của con trẻ. Tiếng đàn, tiếng hát của cô và trò hòa quyện sớm chiều làm cho cuộc đời thêm ý nghĩa.

Nhớ về những tháng ngày ấy, trong lòng cô vẫn vẹn nguyên những cảm xúc rưng rưng. Hương kể lại những ký ức về nghề của mình: “Đó là trong tiết dạy âm nhạc lớp 3. Khi cả lớp cùng đồng thanh vỗ phách, thì có một bé gái vẫn ngồi yên, không hoạt động cùng các bạn. Mình đến bên, chỉ nói vừa đủ cho bé nghe, nhắc bé cùng thực hành. Lúc này, bạn bên cạnh mới nói: Cô ơi, bạn không có tay! Nhìn lại, mình mới biết bàn tay trái em không có, mấy ngón tay teo lại như mấy hạt đậu, nhỏ xíu. Cảm giác này mình nhớ mãi, thương cô bé học sinh đó quá. Từ đó, cứ đến phần thực hành gõ nhịp, mình lại hướng dẫn em học sinh đó vỗ tay phải nhẹ lên đùi. Giờ bạn đó đã học lớp 12 rồi. Ánh mắt cô bé ấy vẫn ám ảnh mình mãi, cho tận bây giờ... Mình cảm nhận được những nỗi đau muốn được sẻ chia. Những tháng ngày đi dạy đối với mình đó là quãng thời gian êm đềm nhất, và cũng sôi nổi nhất. Những trăn trở, những quả ngọt của nghề đều là những trải nghiệm thật không dễ gì có được. Mình vẫn luôn tự nhắc, nếu muốn tìm về thời thanh xuân của mình, mình sẽ tìm về ngôi trường thân thương đó. Nơi đây đã cất giữ những kỷ niệm của cuộc đời mình…”.

Quãng thời gian gắn bó với mái trường của cô còn là kỷ niệm về những đêm hội diễn, những cuộc thi văn nghệ mà có lần cô trò đã đoạt giải xuất sắc toàn quốc với chủ đề An toàn giao thông trong năm học 2011- 2012.

Mang yêu thương để sẻ chia

Giữa năm 2016, Thúy Hương chuyển công tác sang Trung tâm Văn hóa, Thể thao thành phố Đông Hà (Quảng Trị). Vào giữa năm 2017, khi những dự định còn dang dở, cô cảm nhận sức khỏe của mình có điều gì đó bất ổn. Sau khi tới bệnh viện kiểm tra, các bác sĩ cho biết Hương đã mắc bệnh ung thư phổi. Gia đình sắp xếp đưa Hương vào Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM) để tiến hành phẫu thuật gấp. Cô đã phải cắt một bên phổi phải và thùy trên của phổi phải. Sau phẫu thuật, cô đã 4 lần điều trị bằng phương pháp hóa trị nhưng không khả quan. Vì vậy, các bác sĩ đã chuyển hướng điều trị cho Hương bằng cách dùng thuốc uống thử nghiệm. Mỗi tháng một lần, Hương lại vào TPHCM để bác sĩ thăm khám và theo dõi.

Thời gian, bệnh tật bào mòn dần cơ thể và tâm hồn, mà mới trước đó thôi còn đang căng tràn nhựa sống. Vượt qua sự đớn đau về thể xác cũng như cú sốc lớn trong cuộc đời, chính cô đã an ủi, động viên lại những người thân yêu xung quanh: “Cuộc sống vốn vô thường lắm, ai cũng muốn những điều tốt đẹp đến với mình. Nhưng nếu như số phận không may mắn, mình phải biết chấp nhận để sống thật vui vẻ, lạc quan. Sống một cách có ý nghĩa nhất, để những tháng ngày ấy không có gì phải tiếc nuối”.

 Khi mình còn may mắn hơn nhiều người, vậy thì tiếc gì sự sẻ chia để cho cuộc sống xung quanh ta hạnh phúc hơn. Cuộc đời cần thật nhiều những con người làm việc thiện. Cứ trao đi, dù chỉ là tấm lòng, điều bạn nhận được có khi là cả thế giới. Mình luôn mong cầu những điều thiện được lan tỏa. Với mình từng giây phút mình luôn quý trọng và gắng sức để cùng trao yêu thương tới cộng đồng. 

Như dòng suối tươi mát, tựa những bản nhạc mà cô gái vẫn đang gửi gắm lòng mình, từng ngày, từng giờ, Thúy Hương đã đến bên những con người có hoàn cảnh như mình để cùng nắm tay nhân ái. Điều này trước đó cô từng thực hiện, và giờ đây cô lại càng có khát vọng muốn được kéo dài hơn nữa hành trình yêu thương của mình. Cô gái với vóc dáng mảnh mai quấn chiếc khăn trên đầu che đi mái tóc đã vơi rụng vì những lần chạy hóa trị, cùng ca từ do chính cô sáng tác đã khiến hàng ngàn trái tim xúc động cùng chia sẻ thiện nguyện với những con người có số phận không may mắn. Đêm nhạc với chủ đề “Rứa khi mô anh về!”. (Bài hát do chính Hương sáng tác, ngay sau một đêm có hàng trăm lượt chia sẻ và 21 ngàn lượt người nghe) được Nhóm kết nối Từ Tâm Quảng Trị và Câu lạc bộ Kiến trúc sư trẻ Quảng Trị tổ chức đã khiến cả ngàn người trong khán phòng xúc động. Số tiền hơn 400 triệu đồng quyên góp được từ chương trình là món quà ý nghĩa phần nào chia sẻ nỗi đau và khó khăn của những bệnh nhân ung thư nghèo tại Quảng Trị.

Trao đi yêu thương để thấy lòng mình thanh thản, để mình có thêm nghị lực với cuộc đời chính là thông điệp mà cô gái nhỏ muốn lan tỏa như lời hát: “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng” của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn mà cô yêu thích. Và thật tuyệt vời hơn khi điều này lại bắt đầu từ con người biết quên đi nỗi bất hạnh, buồn đau của bản thân để sống từng giây, từng phút thật có ý nghĩa.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Học sinh Trường PTDTBT Tiểu học xã Nậm Ban, Mèo Vạc (Hà Giang). Ảnh minh họa: Nguyễn Lâm

Nỗi sợ của người thầy!

GD&TĐ - Bao giờ các bậc thầy cô giáo mới được quyền giáo dục con trẻ như chính cha mẹ giáo dục con cái “thương cho roi cho vọt”...

Nhiều năm dạy học ở miền núi, cô Hải luôn tận tâm với học sinh. Ảnh: NVCC

'Bắc nhịp cầu' giúp trò miền núi

GD&TĐ - Dạy học ở địa bàn vùng sâu, xa nhiều năm, nữ nhà giáo ở Quảng Trị luôn trăn trở khi nhận thấy học sinh thiếu thốn nhiều mặt...

Trà từ lõi ngô của nhóm sinh viên Đại học Duy Tân.

Sinh viên chế biến trà từ lõi ngô

GD&TĐ - Trà từ lõi ngô thơm ngon, giàu chất oxy hóa, vị ngọt thanh, không sinh năng lượng, tốt cho người tiểu đường, người ăn kiêng là sản phẩm của nhóm SV ĐH Duy Tân.

Arsenal tổn thất lớn

Arsenal tổn thất lớn

GD&TĐ - Bukayo Saka sẽ phải ngồi ngoài "nhiều tuần" vì chấn thương nghiêm trọng trong trận Arsenal thắng Crystal Palace 5-1 ở vòng 17 Ngoại hạng Anh.

Su-34 và Su-57 mới đi vào trực chiến

Su-34 và Su-57 mới đi vào trực chiến

GD&TĐ - Bộ Quốc phòng Nga đã nhận được bàn giao máy bay ném bom chiến đấu Su-34 và máy bay chiến đấu Su-57, theo Tập đoàn nhà nước Rostec.