Ông chủ trẻ Bàn La Hào

GD&TĐ - Khi được hỏi về gương làm kinh tế giỏi của tuổi trẻ Hà Giang, mọi người nhắc đến Bàn La Hào, sinh năm 1986, dân tộc Dao như một điển hình vượt khó, thoát nghèo... 

Ông chủ trẻ Bàn La Hào
“Cuộc cách mạng” thoát nghèo
Sau khi tham gia học để “xóa cái dốt”, Hào trở về làm kinh tế cùng gia đình, tuy nhiên những kiến thức cũ trong sản xuất, chăn nuôi đã không mang lại lợi nhuận kinh tế. 
Cùng với việc lập gia đình khi còn rất trẻ, có con nhỏ, kinh tế gia đình khó khăn, gánh nặng “cơm – áo – gạo – tiền” đè lên vai chính lúc này Hào mới nhận ra phải có một “cuộc cách mạng”, một sự thay đổi để vươn lên thoát nghèo.
Năm 2007, anh được vay 15 triệu đồng của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Hoàng Su Phì cho diện hộ nghèo làm kinh tế. Có vốn anh mạnh dạn đầu tư làm mới diện tích 10 ha trồng chè cổ thụ tự nhiên của gia đình. 
Anh đem áp dụng mô hình làm trang trại tổng hợp VAC. Hào cho biết: “Ban đầu tôi vẫn để nguyên 3ha diện tích trồng chè, riêng 3ha vùng đất trũng, ẩm ướt thích hợp với trồng cây thảo quả tôi phát quang, nhân rộng giống. Khu đất trống lâu nay không sử dụng thì đào ao nuôi cá, còn vườn trồng rau, thả lợn rừng, trâu, gà... Ngoài ra, tôi còn nuôi 60 tổ ong lấy mật”.
Sau 3 năm lặn lội, khi thì lên rừng phát quang, khi lại cặm cụi tát ao để khử trùng cho vụ cá năm sau, đến nay Hào đã có một trang trại quy mô cho thu lãi mỗi năm hơn 100 triệu đồng và đến năm 2010, Hào đã hoàn trả số nợ vay ngân hàng.
Anh cũng không còn tên trong danh sách hộ nghèo của xã. Đặc biệt hơn, mô hình kinh tế trang trại tổng hợp của anh giải quyết việc làm cho hơn 10 lao động thời vụ tại địa phương với mức lương bình quân 100.000 đồng/người /ngày.
Mô hình kinh tế nổi bật của thanh niên
Chị Triệu Mùi Tá (vợ anh Hào) vui mừng nói: “Giờ không những chồng đem lại kinh tế cho gia đình mà còn tạo được việc làm cho 10 thanh niên trong bản tôi vui lắm. Mọi người gọi chồng tôi là ông chủ trẻ. 
Điều đó càng động viên 2 vợ chồng phải phấn đấu sản xuất sao cho xứng với danh hiệu này. Một năm trở lại đây, gia đình tôi hay được bà con đến học hỏi kinh nghiệm trồng thảo quả và nuôi cá, khi thì đi theo cá nhân khi lại được cán bộ dẫn đến tận nhà để trao đổi, học tập”.
Trao đổi thêm về bí quyết làm giàu, anh Hào chia sẻ: Vì đặc thù địa hình là đồi rừng nên trồng những cây, quả ưa thích với đặc trưng này.
 Ví như cây thảo quả thích nghi với môi trường ẩm ướt, còn chè thì lại chịu được hạn tốt. Tuy vậy, vẫn phải thường xuyên chăm sóc, phát quang, nhổ cỏ và tưới tiêu nếu nhiệt độ quá oi bức để cây chè có đủ độ ẩm nuôi dưỡng mầm mới.
Trong chăn nuôi, lợn rừng nuôi thả rông nên không lo ngại về nguồn thức ăn, chủ yếu là ao cá chép bổ sung cám ngô và những loại cá tạp như: ốc, cua, cá nhỏ thu nhặt được từ ruộng đem xay nhỏ ủ làm thức ăn. Còn ong thì nuôi thả tự nhiên sẽ đem lại chất lượng ngon, không ngọt lợ như ong nuôi.
Anh Triệu Tiến Quang – Bí thư Huyện Đoàn Hoàng Su Phì - nhận xét: Mô hình trang trại tổng hợp của anh Bàn La Hào không chỉ là mô hình kinh tế nổi bật của xã Hồ Thầu nói riêng mà còn là mô hình kinh tế nổi bật của thanh niên trong phong trào thi đua sản xuất kinh doanh giỏi của tỉnh Hà Giang.
Bên cạnh việc làm kinh tế giỏi, anh Hào còn luôn có tinh thần giúp đỡ các đoàn viên thanh niên, các hộ gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn của thôn Trung Thành và xã Hồ Thầu về vốn, con giống và kinh nghiệm trong phát triển kinh tế của chính bản thân mình.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ