Nữ sinh nghèo người Dao muốn thành bác sĩ

GD&TĐ - Sinh ra trong ngôi làng hẻo lánh xa xôi của tỉnh Bắc Kạn, vượt qua nỗi bất hạnh sớm mồ côi cha, lớn lên cùng bao khó khăn thiếu thốn của bà con dân tộc mình, cô bé người Dao Lý Thị Vui quyết tâm học tập để trở thành bác sĩ giỏi để chữa bệnh giúp dân làng.

Nữ sinh nghèo người Dao muốn thành bác sĩ

Vượt gian khó

Thuở ấu thơ, mỗi sáng 3 anh em Vui cắp sách đến trường, buổi chiều đi chăn trâu, hái măng hái chít để bán, tối đến cả gia đình lại quây quần bên ngọn đèn dầu rất ấm cúng. Cùng nhau kiếm sống, học tập, và vui với những niềm vui nhỏ nhoi, ấm áp và giản dị như vậy.

Nguồn sống chính của cả gia đình là 3 sào ruộng cha ông để lại. Việc chi tiêu hàng ngày nhờ vào khoản tiền làm thuê làm mướn, đội mưa đội nắng, chắt chiu của bố mẹ. Dẫu vậy, cả 3 anh em đều đạt học sinh khá riêng Vui luôn đạt học sinh giỏi, luôn là niềm tự hào, là niềm vui lớn của gia đình.

Tuy vậy, để được học tiếp lên bậc học cao hơn, Vui cũng phải nỗ lực vượt qua định kiến chung về sự học của phụ nữ người dân tộc. Phần vì gia đình khó khăn, phần vì cha mẹ quan niệm con gái chỉ cần học biết chữ là đủ. Nhưng rồi may mắn thay, cha mẹ đã tiếp tục cho em theo học để thực hiện ước mơ của mình.

Kể về thời gian học phổ thông tại quê nhà, Vui trầm giọng: "Từ nhà em đến trường cách 3 km nhưng có nhiều dốc đá hiểm trở, có chỗ còn có cả thung lũng sâu hun hút nên cứ mỗi lần đi học là em sợ lắm. 

Đám bạn bè trong bản lúc nào cũng phải đợi nhau cùng đi cho dù có muộn học đi nữa, thậm chí có nhiều hôm bố mẹ phải bỏ nương rẫy để dẫn chúng em đi học”.

Lý Thị Vui và bạn cùng khóa trong kỳ thực tập
Lý Thị Vui và bạn cùng khóa trong kỳ thực tập 

Thực hiện ước mơ

Niềm tự hào ánh lên trên gương mặt, khi Vui nói về thành tích học tập đáng tự hào của mình: Trong 12 năm học phổ thông, em luôn đạt học sinh giỏi và một số năm đạt loại Khá. 

Suốt những năm học đại học có 4 năm em là sinh viên giỏi, 1 năm là sinh viên khá (7,89). Em luôn cố gắng rèn luyện tốt, tham gia các câu lạc bộ tình nguyện như: Đội phát thanh, Đội vệ sinh môi trường. 5 năm là đoàn viên ưu tú, sinh viên 5 tốt và vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Em đã từng được nhận học bổng Đặng Thùy Trâm, học bổng KOVA,…

Em luôn tâm niệm, dù khó khăn đến đâu cũng phải không ngừng nỗ lực. Bố em không may mắn ra đi mãi mãi trong vụ tai nạn giao thông thảm khốc, một mình mẹ cùng một lúc lo cho 3 anh em đều đi học xa nhà. Thương mẹ vất vả sớm tối lại cô đơn một mình, em đã vừa học tập vừa tranh thủ làm thêm kiếm tiền sinh hoạt hàng ngày.

Là con gái, gần gũi và thông cảm với mẹ hơn nên em luôn động viên mẹ nhìn về tương lai tươi sáng, để những giọt mồ hôi nước mắt mẹ sẽ được đền đáp xứng đáng bằng những nỗ lực và thành quả của em. Em chỉ tiếc một điều, người cha rất kì vọng vào em lại mãi mãi không được nhìn thấy sự trưởng thành của con gái mình…

Ước mơ của em là trở thành một bác sĩ giỏi có đầy đủ đức và tài để chữa bệnh cho những người dân nghèo khổ của quê hương, những người nông dân ít được học hành, ít được tiếp cận với công nghệ hiện đại.

5 năm theo học ở trường ĐH Y – Dược Thái Nguyên, ước mơ thành bác sĩ của cô sinh viên nghèo người dân tộc Dao đã gần cập bến. Kể về những chuyến đi thực tập, Vui như phấn chấn hơn: 

“Càng gần người bệnh, em hiểu hơn về ""giá trị của cuộc sống"" và càng thấy phải trân trọng hơn những điều hiện tại mình đang có. Em sẽ nỗ lực hết sức để trau dồi không chỉ kiến thức chuyên môn mà còn rèn luyện về đạo đức tư cách nghề nghiệp để xứng đáng với sự vinh danh của xã hội – Lương y như từ mẫu”.

Một mùa xuân mới lại sắp về trên khắp dải đất hình chữ S thân yêu, em mong sao đất nước mình ngày càng phát triển, người dân thoát nghèo để mọi trẻ em đều được đến trường. Em biết, có rất nhiều người dân tộc thiểu số ao ước được học hành nhưng phải bỏ học chỉ vì quá khó khăn. 

Và em ước rằng, ngày càng có nhiều bạn trẻ người dân tộc được tiếp cận các cơ hội học tập, được thực hiện những ước mơ lương thiện của mình, đóng góp cho sự phát triển chung của đất nước.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ