Hoàn thiện các điều kiện tổ chức thi tốt nghiệp THPT
Tuần qua là thời gian các địa phương hoàn thiện các điều kiện để chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Về phía Ban Chỉ đạo cấp quốc gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, trong tuần đã làm việc tại 6 địa phương. Cụ thể, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng - Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 và Đoàn công tác số 1 của Ban Chỉ đạo làm việc với Ban Chỉ đạo thi tỉnh Đồng Nai, Bình Dương.
Trưởng Ban Chỉ đạo thi quốc gia tiếp tục đề cập quan điểm chỉ đạo “4 đúng - 3 không” trong tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023. “4 đúng” là đúng quy chế và hướng dẫn thi; đúng đủ quy trình, không được bỏ bất cứ một quy trình nào; đúng vị trí chức trách nhiệm vụ được giao; đúng thời điểm, kịp thời xử lý các tình huống bất thường - “ba không” là không lơ là chủ quan; không tự ý xử lý tình huống bất thường; không căng thẳng, áp lực quá mức.
Đoàn Công tác số 3, Ban Chỉ đạo cấp quốc gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 do Thứ trưởng Ngô Thị Minh làm Trưởng đoàn làm việc tại Đà Nẵng, Quảng Nam.
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cùng các thành viên Đoàn công tác số 2 Ban Chỉ đạo cấp quốc gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 làm việc tại Bắc Kạn, Thái Nguyên.
Trong các chuyến làm việc với địa phương, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh quan điểm, trong công tác thi từng chi tiết nhỏ là không thể bỏ qua và đều hướng tới học sinh, tạo điều kiện tối đa cho học sinh, tránh những tác động tới tâm lý, tinh thần, kết quả là bài của các em. Không để bất cứ học sinh nào vì khó khăn kinh tế hay đi lại không thể tham gia kỳ thi. Không căng thẳng, cường điệu hoá nhưng phải làm hết trách nhiệm, đúng quy định, đúng quy chế.
Cùng với đó, chuẩn bị tốt nhất về cơ sở vật chất, trang thiết bị; chú trọng công tác nhân lực, lựa chọn, tập huấn cho đội ngũ làm thi, bởi con người mới là khâu quan trọng nhất; làm tốt công tác phối hợp, trách nhiệm giữa các sở, ngành, đơn vị rõ người, rõ việc, rõ chức năng, đảm bảo chủ động, hiệu quả; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra từ sớm, từ xa, chủ động điều chỉnh những bất cập, thanh tra, kiểm tra trên tinh thần lấy phòng ngừa là chính…
Thứ trưởng Ngô Thị Minh kiểm tra Điểm thi trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm, tỉnh Quảng Nam ngày 20/6. |
Thứ trưởng Ngô Thị Minh thì nhấn mạnh đến yếu tố an ninh, an toàn khi tổ chức kỳ thi cũng như tầm quan trọng của kỳ thi này và trách nhiệm toàn diện của địa phương khi tổ chức Kỳ thi. Để đảm bảo Kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế thì yếu tố con người là quyết định. Do đó, tập huấn cho từng cán bộ, giáo viên tham gia từng khâu của Kỳ thi là hết sức quan trọng. Từng vị trí dù là nhỏ nhất tham gia vào quá trình tổ chức kỳ thi cũng không được lơ là, chủ quan.
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn kiểm tra Điểm thi trường THPT Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn ngày 20/6. |
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn đặc biệt lưu ý về tính bảo mật của đề thi và tạo các điều kiện tối đa cho các thí sinh trong cả quá trình diễn ra kỳ thi. Muốn làm được điều đó, cần tập huấn kỹ càng cho đội ngũ cán bộ tham gia vào kỳ thi. Công tác tuyên truyền phải được thực hiện sâu, rộng, chủ động, với các hình thức linh hoạt, phù hợp để học sinh, phụ huynh hiểu được tầm quan trọng, thực hiện đúng quy đúng quy định, Quy chế đặt ra.
Song song với đó, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cũng lưu ý chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát phải được thực hiện cẩn trọng, kỹ lưỡng.
Ảnh minh họa/ITN. |
Công bố điểm thi vào lớp 10
Tuần qua, hầu hết các địa phương đã công bố điểm thi vào lớp 10 năm học 2023-2024. Về điểm chuẩn cũng đã có nhiều địa phương công bố.
Tỉnh/thành đã công bố điểm chuẩn như: Bà Rịa - Vũng Tàu, Bắc Ninh, Bình Định, Bình Thuận, Cần Thơ, Đà Nẵng, Đồng Nai, Hà Nam, Hà Tĩnh, Hưng Yên, Khánh Hòa, Ninh Bình, Phú Thọ, Phú Yên, Quảng Ninh, Thái Bình, Thái Nguyên, Thừa Thiên Huế, Vĩnh Phúc... Một số tỉnh thành có điểm chuẩn tăng khá cao.
Cũng trong tuần qua, nhiều học sinh ở TP. Hồ Chí Minh nhận được tin nhắn đỗ lớp 10 khi Sở GD&ĐT chưa công bố điểm chuẩn. Tin nhắn mời gọi học sinh nhập học được xác định gửi từ các trường THPT tư thục hoặc cao đẳng, trung cấp nghề trên địa bàn.
Sở GD&ĐT TP. Hồ Chí Minh cho biết, các mốc thời gian công bố điểm chuẩn vào lớp 10 chuyên, tích hợp, lớp 10 THPT công lập, thời gian nhập học đã được công bố cụ thể và được đăng tải rộng rãi trên các phương tiện truyền thông. Vì vậy phụ huynh, học sinh cần tìm hiểu kỹ càng, bình tĩnh trước các tin nhắn mời gọi nhập học.
Trước đó, điểm thi lớp 10 TP. Hồ Chí Minh đã được công bố ngày 20/6. Chiều 23/6, Thành phố công bố điểm chuẩn tuyển sinh vào lớp 10 THPT chuyên và tích hợp.
Tại Hà Nội, điểm thi vào lớp 10 dự kiến được công bố vào đầu tháng 7 tới.
Liên quan đến kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, Ban cán sự UBND tỉnh Kon Tum đã có báo cáo kết quả liên quan đến thông tin lộ đề thi môn tiếng Anh trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2023-2024 về Thường trực Tỉnh ủy.
Một số trường ĐH công bố điểm chuẩn xét tuyển sớm
Một số trường công bố điểm chuẩn xét tuyển sớm trong tuần qua như: Trường ĐH Giao thông vận tải, Trường ĐH Việt Đức, Trường ĐH Cần Thơ.
Trường ĐH Giao thông vận tải, điểm chuẩn xét học bạ THPT ở cơ sở chính tại Hà Nội dao động từ 20 - 27,98 điểm.
Trường ĐH Cần Thơ, mức điểm chuẩn dao động từ 18-29,25 điểm.
Trường ĐH Việt Đức cũng đã công bố mức điểm trúng tuyển các phương thức xét tuyển sớm là bài thi riêng TestAS và xét điểm học bạ THPT.
Nhiều trường đại học công lập tại TP. Hồ Chí Minh đã công bố điểm chuẩn xét tuyển điểm thi đánh giá năng lực do ĐHQG TP Hồ Chí Minh tổ chức.
Ở hầu hết các trường, lượng thí sinh đăng ký xét tuyển ở phương thức này giảm mạnh, dù vậy điểm chuẩn các ngành không giảm nhiều mà vẫn giữ mức khá cao, nhất là những ngành "hot".
Thông tin về cơ sở giáo dục đại học bị dừng tự chủ xác định chỉ tiêu tuyển sinh cũng được quan tâm trong tuần qua.
Một hoạt động trong tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ nguồn về chăm sóc sức khỏe tâm thần cho thanh thiếu niên trong trường học. |
Chăm sóc sức khỏe tâm thần cho thanh thiếu niên, xóa bỏ rào cản với trẻ em gái khuyết tật
Ngày 22/6, Bộ GD&ĐT phối hợp với Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF) tổ chức Tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ nguồn về chăm sóc sức khỏe tâm thần cho thanh thiếu niên trong trường học.
Theo báo cáo cuối năm 2021 của UNICEF, đại dịch Covid-19 đã gây ra những lo ngại đáng kể đối với sức khỏe tâm thần của trẻ em và thanh thiếu niên. Theo số liệu ước tính mới nhất, cứ 7 em thì có hơn 1 trẻ vị thành niên từ 10-19 tuổi trên toàn cầu được chẩn đoán mắc rối loạn tâm thần.
Tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ nguồn về chăm sóc sức khỏe tâm thần cho thanh thiếu niên trong trường học được tổ chức thực hiện theo Kế hoạch của Bộ GDĐT về việc triển khai các nhiệm vụ thuộc Dự án Học tập và kỹ năng cho trẻ em năm 2023, tập trung vào các nội dung như:
Xây dựng kiến thức nền tảng và tầm nhìn chung cho chương trình Hỗ trợ Thanh thiếu niên Phát triển tại Việt Nam; Tập huấn về bộ tài liệu, các công cụ Hỗ trợ Thanh thiếu niên Phát triển và các chiến lược thực hiện; Xây dựng kế hoạch hành động đề ra các bước tiếp theo nhằm nâng cao sức khỏe tâm thần của thanh thiếu niên thông qua trường học.
Ngày 23/6, Bộ GD&ĐT tổ chức hội thảo tọa đàm xóa bỏ rào cản đối với trẻ em gái và phụ nữ khuyết tật.
Tọa đàm là cơ hội để đưa ra những dẫn chứng, thực tế về các chính sách, pháp luật đã được thực thi trong thời gian qua cũng như nhận biết những rào cản, bất cập trong chính sách hiện nay để cùng góp ý, kiến nghị, tham vấn để cùng nhau tháo gỡ những khó khăn, điều chỉnh, xây dựng chính sách phù hợp trong thời gian tới.