Các địa phương sẵn sàng cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT

GD&TĐ - Công tác chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 trước giờ G được các địa phương, nhà trường đặc biệt quan tâm.

Cô trò Trường THPT số 1 Bắc Hà (Lào Cai) luyện đề chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023. Ảnh: Hà Thuận
Cô trò Trường THPT số 1 Bắc Hà (Lào Cai) luyện đề chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023. Ảnh: Hà Thuận

Tất cả nhằm bảo đảm cho Kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc, thí sinh vững vàng tâm thế đạt kết quả tốt nhất.

Chuẩn bị đầy đủ, chu đáo

Tại Lào Cai, để chuẩn bị cho Kỳ thi an toàn, nghiêm túc, hiệu quả, Sở GD&ĐT đã chỉ đạo các trường tập huấn, phổ biến Quy chế thi, nghiệp vụ thi cho giáo viên, nhân viên và học sinh.

Ông Đỗ Minh Tâm, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: Sở đã chủ động nghiên cứu, tham mưu UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo thi tỉnh chỉ đạo tổ chức Kỳ thi toàn diện, trọng tâm, đúng kế hoạch. Đồng thời, ban hành các văn bản chỉ đạo, điều hành, tổ chức Kỳ thi bám sát Quy chế thi và hướng dẫn thi của Bộ GD&ĐT, phù hợp thực tiễn tại địa phương.

Cùng đó, chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố và những trường được lựa chọn làm điểm thi chính thức, dự phòng chuẩn bị chu đáo điều để tổ chức Kỳ thi. Trong đó, tập trung chỉ đạo bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho học sinh. Chuẩn bị đầy đủ, chu đáo điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện, văn phòng phẩm, ấn phẩm phục vụ tổ chức Kỳ thi.

Bà Chu Thị Dương, Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Hà (Lào Cai) trao đổi: Ban Chỉ đạo thi của huyện đã chỉ đạo các điểm thi và tổ chức kiểm tra cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho Kỳ thi. Đồng thời, bố trí học sinh ở xa về nội trú tại các khu bán trú của trường để bảo đảm an toàn; yêu cầu các điểm thi rà soát chỗ ăn, nghỉ thuận lợi cho cán bộ coi thi.

Mặt khác, chỉ đạo lực lượng Công an huyện, xã bảo đảm an toàn từ vòng ngoài. Tuyên truyền các hộ dân xung quanh điểm thi ngắt mạng, tránh tập trung đông người để bảo đảm an ninh trật tự; lên kế hoạch bảo đảm an toàn giao thông xuyên suốt thời gian tổ chức Kỳ thi.

Thầy Nguyễn Xuân Toàn, Hiệu trưởng Trường THPT số 1 Bắc Hà cho biết nhà trường đã chuẩn bị những điều kiện tốt nhất cho Kỳ thi. Cụ thể, trường bố trí 19 phòng thi bảo đảm đủ ánh sáng, vệ sinh sạch sẽ; các phòng làm việc cũng sắp xếp theo quy định để Kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc và chất lượng; chuẩn bị đầy đủ các phương tiện phục vụ kỳ thi….

Ông Nguyễn Đức Du – Phó Chủ tịch thường trực UBND huyện Ý Yên (Nam Định) cho biết, lãnh đạo huyện đã chỉ đạo Điện lực huyện ưu tiên nguồn điện cho các trường học những ngày học sinh lớp 12 ôn thi cũng như suốt quá trình tổ chức Kỳ thi. Đồng thời, công an huyện Ý Yên xây dựng kế hoạch bảo đảm an ninh, trật tự trong Kỳ thi. Phối hợp với lực lượng thanh niên để giữ giao thông thông suốt, không bị ùn tắc trước và sau mỗi buổi thi.

Tại Nam Định, trong ngày 21 và 22/6, Sở GD&ĐT cử các đoàn kiểm tra tới các huyện/thành phố trên địa bàn tỉnh để kiểm tra công tác chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023. Tham gia đoàn công tác có đại diện các phòng/ban thuộc Sở GD&ĐT, Thanh tra tỉnh, Phòng PA03 – Công an tỉnh, Tỉnh đoàn Nam Định.

Thầy Bùi Văn Thương, Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh (huyện Vụ Bản) cho hay, nhà trường đã thực hiện nhập thông tin đăng ký dự thi của học sinh tại điểm thi vào phần mềm quản lý thi. Tổ chức kiểm tra, đối chiếu thông tin hồ sơ đăng ký dự thi, kiểm tra chéo hồ sơ giữa các trường để tránh sai sót; tăng cường tuyên truyền về tầm quan trọng của Kỳ thi đến cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh để thực hiện tốt nhiệm vụ của mình.

Tại Trường THPT Tống Văn Trân (huyện Ý Yên), thầy Trần Công Hoàn - Hiệu trưởng thông tin: Đã chuẩn bị sẵn sàng 30 phòng thi chính thức và 6 phòng dự phòng phục vụ công việc của Kỳ thi. Học sinh khối 12 sẽ ôn thi đến hết ngày 24/6. Đặc biệt, phòng bảo quản đề thi, bài thi được chuẩn bị đầy đủ bảo đảm an ninh, an toàn về phòng cháy. Trường lắp đặt camera giám sát và sẽ bố trí nhân viên an ninh trực 24/24h theo quy định…” – thầy Hoàn nói.

Học sinh Trường THPT số 1 Bắc Hà trong một buổi ôn tập. Ảnh: Hà Thuận

Học sinh Trường THPT số 1 Bắc Hà trong một buổi ôn tập. Ảnh: Hà Thuận

Bảo đảm quyền lợi cho thí sinh

Theo Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Lào Cai, Sở đã tính đến những tình huống bất thường có thể xảy ra như: Bão, lũ... để có phương án xử lí kịp thời. Để bảo đảm quyền lợi tối đa cho thí sinh tham gia Kỳ thi, tỉnh Lào Cai tổ chức họp phân công nhiệm vụ cho các thành viên Ban Chỉ đạo thi cấp tỉnh một cách toàn diện, đồng bộ. Cùng đó, quán triệt Ban Chỉ đạo thi cấp huyện, thị xã, thành phố và các sở, ngành, cơ quan liên quan tập trung chuẩn bị các phương án tổ chức Kỳ thi an toàn.

Sở chỉ đạo chuẩn bị các điểm thi chính thức, điểm thi dự phòng. Xây dựng phương án bố trí nơi ăn nghỉ cho thí sinh dự thi; bảo đảm an ninh, an toàn; vệ sinh, an toàn thực phẩm… Đồng thời, có phương án xử lí khi có tình hình bất thường xảy ra (bão, lũ) với phương châm không để thí sinh bỏ thi vì điều kiện khách quan.

Ông Đỗ Văn Tân, Phó Chủ tịch UBND thị xã Sa Pa chia sẻ: “Các cơ sở giáo dục trên địa bàn đã tổ chức rà soát những học sinh có hoàn cảnh khó khăn cần hỗ trợ. Sau đó lập danh sách đề nghị Sở GD&ĐT trình UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí trong thời gian thi”. Thị xã Sa Pa còn tổ chức vận động các cơ quan, đơn vị, cá nhân hỗ trợ học sinh hoàn cảnh khó khăn về xe đưa đón, bữa ăn bảo đảm dinh dưỡng trong các ngày thi.

Thầy Nguyễn Xuân Toàn, Hiệu trưởng Trường THPT số 1 Bắc Hà cho biết: “Nhà trường đã đưa 88 học sinh thuê trọ ở ngoài vào ở cùng học sinh bán trú. Điều đó vừa giúp quản lý vừa bảo đảm an toàn, tiết kiệm cho các em trong thời gian ôn và thi tốt nghiệp”. Bà Chu Thị Dương, Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Hà (Lào Cai) cũng thông tin đã chỉ đạo các trường lấy số điện thoại của thí sinh, người nhà để phân công đội thanh niên tình nguyện sẵn sàng đưa đón các em đến điểm thi trong trường hợp xảy ra sự cố.

Học sinh Trường THPT Ngô Trí Hòa, huyện Diễn Châu, Nghệ An ôn thi môn Tiếng Anh. Ảnh: Hồ Lài
Học sinh Trường THPT Ngô Trí Hòa, huyện Diễn Châu, Nghệ An ôn thi môn Tiếng Anh. Ảnh: Hồ Lài

Giữ guồng học tập sát ngày thi

Đối với các trường THPT ngoài công lập, trường cao đẳng, trung cấp nghề có học sinh THPT, việc ôn thi tốt nghiệp mang đặc thù riêng. Cận kề ngày thi, nhiều đơn vị vẫn giữ học sinh khối 12 ở lại ôn tập, phụ đạo kiến thức, bổ sung kỹ năng và tâm lý làm bài, giúp các em đạt được mục tiêu.

Trường Cao đẳng nghề số 4 - Bộ Quốc phòng (đóng tại Nghệ An) có gần 300 học sinh lớp 12. Nguyễn Thị Ngọc Quyên - lớp 12E từng bỏ học tại một trường THPT công lập tại TP Vinh để đi làm vì khó khăn. Thời gian sau, em đăng ký học nghề thiết kế đồ họa tại trường và song song học văn hóa THPT. Ngọc Quyên nuôi ước mơ mang tính bước ngoặt, đó là quyết tâm thi đạt điểm để xét tuyển vào Trường ĐH Văn hóa Nghệ thuật Quân đội, do đó việc ôn thi diễn ra hết sức tập trung.

Hơn 20 năm dạy học tại Trường CĐ nghề số 4, cô Trần Thị Hồng Sương (giáo viên Ngữ văn) chia sẻ: Do trường đặc thù, nên không thể sử dụng một giáo án. Ví dụ, nhóm học sinh khá, cô sẽ đặt mục tiêu điểm số cao hơn, làm bài hoàn thiện. Nhóm trung bình chỉ tập trung nêu được ý chính, cơ bản để lấy điểm. Và có cả nhóm học sinh khiếm thính, rối loạn ngôn ngữ thì mục tiêu làm sao đủ điểm tốt nghiệp. Riêng nhóm này, tôi chỉ tập trung cho các em làm phần dễ nhất, ở mức nhận biết, thông hiểu và thường xuyên bổ túc ngoài giờ...

Thầy Bùi Văn Thương, Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh (huyện Vụ Bản, Nam Định) cho biết: Trường đã lập kế hoạch ôn tập và tiến hành thi thử tốt nghiệp THPT cho học sinh khối 12 thành 3 đợt. Các thầy cô cũng tư vấn cho học sinh việc lựa chọn khối thi xét tuyển vào đại học, cao đẳng; tư vấn để các em lựa chọn bài thi tổ hợp KHTN hoặc KHXH trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023. Trên cơ sở đó, nhà trường đã tổ chức phân lớp để ôn tập cho phù hợp.

Trường THPT Ngô Trí Hòa (Diễn Châu, Nghệ An) thuộc nhóm trường ngoài công lập, năm học này có hơn 300 học sinh lớp 12. Việc ôn tập cho các em theo kế hoạch sẽ kéo dài đến sát ngày thi để không bị gián đoạn guồng học tập. Các lớp đều có nhóm Zalo để giáo viên hỗ trợ học sinh ngoài thời gian lên lớp. Thầy Võ Thanh Bình - Phó Hiệu trưởng chia sẻ, đến nay, nhà trường đã 3 lần tổ chức thi thử tốt nghiệp THPT, trong đó đáng lo nhất là kết quả môn Tiếng Anh. Vì thế, đây là môn học được quan tâm nhiều nhất, cố gắng không để học sinh bị điểm liệt.

Với các trường THPT miền núi, vùng cao, thầy trò cũng đang khắc phục khó khăn về thời tiết, về điều kiện cơ sở vật chất để “về đích” thi tốt nghiệp THPT. Thầy Cao Thanh Lưu - Hiệu trưởng Trường THPT Quỳ Châu (huyện Quỳ Châu - Nghệ An) cho biết: “Chúng tôi sẽ duy trì việc tổ chức dạy học đến sát ngày thi. Một mặt, để duy trì nền nếp ôn tập, giúp các em được bổ sung kiến thức tối đa. Mặt khác bảo đảm đầy đủ sĩ số, không “rơi rớt” học sinh khi cho về nhà ở bản xa. Đồng thời động viên, khảo sát hoàn cảnh và nhu cầu hỗ trợ, tiếp sức, mục đích tất cả học sinh tham gia Kỳ thi đầy đủ, với tâm lý bình tĩnh, tự tin.

Cô Lê Thị Lan Anh (giáo viên tiếng Anh Trường THPT Ngô Trí Hòa) cho biết: “Mục tiêu môn Tiếng Anh 5 điểm đối với học sinh của trường rất khó, do các em mất gốc ngữ pháp, vốn từ vựng mỏng. Hiện với các lớp tôi đang dạy, chủ yếu tập trung cho các em làm đề thi thử và chỉ giới hạn đến phần nhận biết, thông hiểu, chống điểm liệt. Và không giải đề phần vận dụng vì đa số các em không có khả năng làm được”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lực lượng chức năng duy trì công tác tuần tra, kiểm soát khép kín địa bàn. Ảnh: TT

Giữ bình yên trên cao nguyên M’Nông

GD&TĐ - Bước vào thu hoạch cà phê niên vụ 2024, người dân trên cao nguyên M’Nông (Đắk Nông) đang hân hoan phấn khởi vì sản phẩm được giá.