Chọn đúng “điểm rơi” để đầu tư sẽ tạo hiệu quả
Cùng với đẩy mạnh giáo dục dân tộc, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đặc biệt lưu ý các địa phương giữ gìn bản sắc văn hóa của các tộc. Đồng thời lưu ý đến quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, mạng lưới các trường bán trú, nội trú.
Sáng 23/12, tại Sơn La, Bộ GD&ĐT tổ chức Hội nghị phát triển giáo dục và đào tạo vùng trung du và miền núi Bắc bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; triển khai Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Tại đây, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh, trong các giải pháp phát triển giáo dục và đào tạo, nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao, thì nâng cao dân trí có thể xem là giải pháp của giải pháp, để thúc đẩy sự phát triển của vùng.
Các chính sách cho giáo dục vùng trung du, miền núi Bắc bộ cần bao quát được tính đặc thù, đủ mạnh và phải mang tính đột phá. Trong chặng đường trước mắt, Bộ trưởng cho rằng, cần giải quyết hài hòa giữa phát triển giáo dục đại trà và giáo dục mũi nhọn. Với các tỉnh miền núi, vấn đề số một lúc này là phổ cập giáo dục, nâng cao dân trí, giảm thấp nhất mù chữ và tái mù.
Gửi gắm đến các địa phương, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn mong rằng, lãnh đạo địa phương trong thời gian qua đã quan tâm, đầu tư rất đặc biệt cho giáo dục, nay cần tiếp tục quan tâm hơn nữa.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn và đoàn công tác của Bộ làm việc với tỉnh Sơn La. |
Chiều cùng ngày, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn và đoàn công tác của Bộ đã có buổi làm việc với tỉnh Sơn La. Tại buổi làm việc, Bộ trưởng nhấn mạnh, muốn giáo dục phát triển, điều kiện cần là kinh tế - xã hội phải khá lên. Điều kiện đủ là lãnh đạo tỉnh phải quan tâm. “Cả 2 điều này, chúng tôi đều nhìn thấy ở Sơn La, nên có niềm tin giáo dục - đào tạo của địa phương sẽ có bước phát triển tiếp tục trong những năm tới” - Bộ trưởng nhận định.
Liên quan đến triển khai Chương trình GDPT 2018. Bộ trưởng cho rằng, năm 2023, 2024 là thời điểm trọng tâm, trọng điểm triển khai chương trình mới. Nhịp tăng tốc đầu tư cho giáo dục phổ thông ở giai đoạn này có ý nghĩa vô cùng đặc biệt.
Nhấn mạnh việc chọn đúng “điểm rơi” để đầu tư sẽ tạo hiệu quả khác hẳn, Bộ trưởng mong lãnh đạo địa phương quan tâm, cân nhắc giữa các ưu tiên thì dồn nhiều ưu tiên cho 2 năm tới, để có thể đồng tốc, đồng nhịp với đổi mới giáo dục phổ thông.
Thay mặt cho Đoàn đại biểu, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ báo công dâng Bác. |
Hướng đi đúng trong tuyển chọn, bồi dưỡng học sinh giỏi
Lễ tuyên dương học sinh đạt giải Olympic và Khoa học kỹ thuật quốc tế năm 2022 được tổ chức trong hai ngày 25 và 26/12. Trong ngày 25/12, Bộ GD&ĐT đã tổ chức cho đoàn học sinh tham dự lễ báo công trước Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, dâng hương tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, cùng nhiều hoạt động ý nghĩa khác.
Tại Lễ báo công dâng Bác, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh, năm 2022, kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia tiếp tục đổi mới và đạt được kết quả tốt.
Bộ GD&ĐT cử 7 đoàn học sinh giỏi Việt Nam với 38 lượt học sinh tham gia gồm: 1 đoàn Tin học tham dự Olympic khu vực Châu Á- Thái Bình Dương; 1 đoàn Vật lí tham dự Olympic khu vực Châu Á và 5 đoàn tham dự Olympic quốc tế là Toán, Hóa học, Sinh học, Vật lí và Tin học.
Kết quả, tất cả thí sinh dự thi đều đoạt giải gồm: 13 Huy chương Vàng, 12 Huy chương Bạc, 8 Huy chương Đồng và 5 Bằng khen (giải Khuyến khích). Trong đó, em Ngô Quý Đăng, học sinh Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên, (Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội) đạt điểm tuyệt đối 42/42, giành Huy chương Vàng Olympic Toán quốc tế.
Các đoàn học sinh của Việt Nam tiếp tục nằm trong tốp 10 quốc gia đạt kết quả cao nhất với nhiều học sinh đạt điểm số cao nhất. Hội thi nghiên cứu khoa học kỹ thuật quốc tế ISEF2022 được tổ chức trực tiếp và trực tuyến tại Hoa Kỳ, từ ngày 4-13/5/2022. Việt Nam có 7 dự án tham dự và có 2 dự án đoạt giải đặc biệt do các tổ chức khoa học - công nghệ và doanh nghiệp trao tặng.
Đoàn đại biểu học sinh đoạt giải Olympic và Khoa học kỹ thuật quốc tế năm 2022 vào Lăng báo cáo với Bác về thành tích đạt được. |
Thứ trưởng khẳng định, thành tích cao của các đoàn học sinh Việt Nam tham dự các kỳ thi quốc tế năm 2022 là minh chứng sinh động về nỗ lực, cố gắng không mệt mỏi của học sinh, các thầy, cô giáo và các nhà trường trong quá trình học tập, rèn luyện vươn lên chiếm lĩnh tri thức đỉnh cao. Cùng với đó là sự quan tâm chăm lo, động viên khích lệ kịp thời của bậc phụ huynh và các tổ chức, đoàn thể.
Qua đó cho thấy, hướng đi đúng trong chỉ đạo cũng như hiệu quả cao trong tổ chức thực hiện công tác tuyển chọn, bồi dưỡng các đội tuyển quốc gia tham gia các kỳ thi khu vực và quốc tế của ngành Giáo dục. Đồng thời, lan tỏa rộng rãi và tạo động lực thúc đẩy giáo viên, học sinh cùng toàn thể xã hội nỗ lực thực hiện mục tiêu nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài cho đất nước.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc phát biểu tại hội thảo. |
Giáo dục Việt Nam đang phát triển theo hướng toàn diện
Chiều 21/12, Ủy ban về giáo dục và phát triển nhân lực (Hội đồng Quốc gia về Phát triển bền vững và Nâng cao năng lực cạnh tranh) tổ chức hội thảo “Chỉ số nguồn nhân lực – HCI và các giải pháp cải thiện”. HCI gồm 4 chỉ báo thành phần, gồm: Tỷ lệ người lớn biết đọc, biết viết; Tỷ lệ nhập học chung; Số năm đi học kỳ vọng; Số năm học bình quân.
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc cho hay, Bộ GD&ĐT được giao trách nhiệm tính toán, công bố chỉ số nguồn nhân lực HCI và thực hiện các giải pháp để cải thiện chỉ số này. Qua đó, góp phần cải thiện chỉ số Chính phủ điện tử của Việt Nam trong bảng xếp hạng quốc tế.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc, giáo dục Việt Nam đang phát triển theo hướng toàn diện. Mục tiêu tổng quát là phát triển toàn diện con người Việt Nam, nhằm phát huy tối đa khả năng, tiềm năng, khả năng sáng tạo và năng lực riêng. Đây là cách tiếp cận nội dung chính trong chiến lược về chất lượng giáo dục theo định hướng của Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục, đào tạo.
Sinh viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam. |
Toàn bộ hệ thống quyết tâm phát triển giáo dục với chất lượng nguồn nhân lực cao, nhằm đưa Việt Nam thành công trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Tiến đến năm 2030 (kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng), Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao.
Đồng thời, xác định tầm nhìn đến năm 2045 (kỷ niệm 100 năm thành lập nước) trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Trong đó, giáo dục phải phát triển song hành với mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn phát biểu tại Hội thảo Chuyển đổi số trong giáo dục. |
Ngày 20/12, tại Hà Nội, Bộ GD&ĐT tổ chức Hội thảo Chuyển đổi số trong giáo dục. Hội thảo do Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ và Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn đồng chủ trì, Cục Công nghệ thông tin (Bộ GD&ĐT) là đơn vị tổ chức.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho biết, tháng 1/2022, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quyết định số 131/QĐ-TTg về Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030.
Xác định vai trò quan trọng của chuyển đổi số, thời gian qua, ngành Giáo dục đã ứng dụng CNTT và chuyển đổi số góp phần chuyển đổi mạnh mẽ, xây dựng nền giáo dục thông minh, hiệu quả.
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nhìn nhận, nhiều địa phương làm tốt, làm sâu và hiểu các vấn đề của chuyển đổi số. Tuy nhiên, cần tiếp tục tuyên truyền, phổ biến nhận thức trong toàn ngành về việc ứng dụng CNTT và chuyển đổi số. Đồng thời, thay đổi tư duy rằng chuyển đổi số là chuyển thông tin, dữ liệu từ giấy sang máy tính chuyển sang biểu diễn trực tiếp các thông tin, dữ liệu trên phần mềm.
Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo các cơ sở giáo dục và đào tạo thuộc phạm vi quản lý giữ ổn định mức thu học phí năm học 2022 - 2023 như năm học 2021 - 2022. |
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam vừa ký ban hành Nghị quyết 165/NQ-CP ngày 20/12/2022 của Chính phủ về học phí năm học 2022 - 2023. Nghị quyết quy định mức học phí đối với cơ sở giáo dục và đào tạo công lập năm học 2022 - 2023.
Theo đó, để tiếp tục hỗ trợ kịp thời đối với học sinh, sinh viên, hộ gia đình có thu nhập thấp, có hoàn cảnh khó khăn, bình ổn giá và kiểm soát lạm phát góp phần phục hồi phát triển kinh tế, ổn định đời sống của nhân dân, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo các cơ sở giáo dục và đào tạo thuộc phạm vi quản lý giữ ổn định mức thu học phí năm học 2022 - 2023 như năm học 2021 - 2022.