Nóng trong tuần: Tri ân nhà giáo, cấp phép thi chứng chỉ ngoại ngữ

GD&TĐ - Tri ân nhà giáo, cấp phép tổ chức thi chứng chỉ ngoại ngữ, công bố thành lập 2 trường ĐH... là nội dung giáo dục nổi bật tuần qua.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tặng hoa chúc mừng ngành giáo dục nhân Kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam.
Thủ tướng Phạm Minh Chính tặng hoa chúc mừng ngành giáo dục nhân Kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam.

Loạt chương trình tri ân nhà giáo

Một loạt các chương trình ý nghĩa chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam từ trung ương đến địa phương và từng cơ sở giáo dục là nội dung giáo dục nổi bật nhất trong tuần vừa qua.

Trong đó, trọng tâm là chuỗi sự kiện do Bộ GD&ĐT tổ chức với sự tham dự của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ.

Đại lễ kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam được tổ chức long trọng vào sáng 19/11, tại Hà Nội. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ, nguyên Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Thiện Nhân; nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam; cùng lãnh đạo nhiều bộ, ngành, địa phương tham dự.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại lễ kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại lễ kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.

Tại đây, trong bài diễn văn, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đã gửi gắm thông điệp về đóng góp, vai trò sứ mệnh, trách nhiệm cũng như chỗ dựa của nghề nghiệp, để trong bất kỳ hoàn cảnh, thách thức nào, mỗi thầy cô giáo cũng cố gắng vượt qua để tiếp tục theo đuổi mục tiêu nghề nghiệp.

Thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và với tình cảm cá nhân, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ sự kính trọng, tri ân sâu sắc tới các thế hệ thầy cô giáo trên cả nước, những người gánh vác sự nghiệp trồng người hết sức cao cả và vinh quang.

Trong bài phát biểu, Thủ tướng cũng chia sẻ những vấn đề cần quan tâm đến đội ngũ nhà giáo; phụ huynh và học sinh; các bộ, ngành, cơ quan, địa phương.

Đáng chú ý, Thủ tướng lưu ý việc rà soát, hoàn thiện các cơ chế, chính sách liên quan đến đội ngũ giáo viên phù hợp với thực tiễn, tương xứng với lao động đặc thù của nhà giáo. Chăm lo tốt nhất cả về vật chất và tinh thần, nhất là cho giáo viên mầm non, giáo viên ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, giáo viên giảng dạy các ngành nghề đặc thù, nặng nhọc, độc hại…, để đội ngũ nhà giáo yên tâm công tác và cống hiến.

Chính phủ đã giao Bộ GD&ĐT khẩn trương rà soát, sửa đổi quy định về phụ cấp ưu đãi giáo viên phù hợp thực tiễn với tình hình đất nước và nền kinh tế chung cùng các ngành nghề khác.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gặp mặt các nhà giáo tiêu biểu.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gặp mặt các nhà giáo tiêu biểu.

Cùng với đại lễ kỷ niệm còn nhiều chương trình ý nghĩa dịp 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam, như: Thủ tướng gặp mặt đại diện các nhà giáo tiêu biểu; Bộ trưởng Bộ GD&ĐT tặng Bằng khen cho 400 nhà giáo tiêu biểu; Chủ tịch nước gặp mặt đại diện Hội Cựu giáo chức Việt Nam; Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn thay mặt lãnh đạo Bộ GD&ĐT gặp mặt 68 thầy cô giáo tiêu biểu được tuyên dương trong chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2022...

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn và các Thứ trưởng, các đại biểu, các thầy cô giáo tham dự chương trình "Thay lời tri ân" năm 2022.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn và các Thứ trưởng, các đại biểu, các thầy cô giáo tham dự chương trình "Thay lời tri ân" năm 2022.

Trong chuỗi hoạt động Kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam, đại diện lãnh đạo Đảng, Nhà nước và lãnh đạo Bộ GD&ĐT cũng đã có các hoạt động thăm hỏi, chúc mừng, tri ân các nhà giáo lão thành, những người có đóng góp quan trọng cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo của đất nước.

Nhiều hoạt động khác được Bộ GD&ĐT phối hợp với Công đoàn Giáo dục Việt Nam, các địa phương tổ chức nhân dịp Kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam như: Khánh thành công trình tôn tạo di tích Bộ Quốc gia Giáo dục (trụ sở đầu tiên của Bộ GD&ĐT) tại tỉnh Tuyên Quang; khánh thành công trình tôn tạo khu tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ ngành Giáo dục tại Nghĩa trang Quốc gia Trường Sơn, tỉnh Quảng Trị; Hội thao giáo viên nhân dân toàn quốc và nhiều hoạt động văn hoá, văn nghệ ý nghĩa khác.

Đặc biệt, dịp này Chủ tịch nước đã có thư chúc mừng các nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên ngành Giáo dục.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng, cùng các thành viên Ban Tổ chức, Ban Giám khảo chụp ảnh lưu niệm với những tác giả đoạt giải.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng, cùng các thành viên Ban Tổ chức, Ban Giám khảo chụp ảnh lưu niệm với những tác giả đoạt giải.

Trao giải Cuộc thi “Những kỷ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường" và "Thầy cô trong mắt em"

Chiều 15/11, tại Hà Nội, Bộ GD&ĐT tổ chức Lễ tổng kết và trao giải Cuộc thi viết “Những kỷ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường” năm 2022.

Phát động từ tháng 7/2022, Ban Tổ chức đã nhận được hơn 60.000 bài dự thi, nhiều tác phẩm có chất lượng từ đông đảo tác giả trên cả nước. Ban Giám khảo đã chọn được 98 bài vào vòng chấm Chung khảo. Kết quả cuộc thi như sau: Tổng số 18 giải, bao gồm 2 tập thể và 16 giải cá nhân. Cụ thể: 2 giải Tập thể; 1 giải Nhất; 2 giải Nhì; 3 giải Ba; 8 giải Khuyến khích; 2 giải thưởng phụ.

Năm nay, Cuộc thi không chỉ nhận được số lượng bài thi nhiều mà các tác phẩm tiếp cận đa diện, đa chiều các tình huống sư phạm; cách thể hiện ngôn ngữ văn phong độc đáo, những câu chuyện rất đẹp, rất hồn hậu được nối dài và hiện lên như một bản tình ca mang nhiều cảm xúc về người, về nghề...

Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng nhận định, cuộc thi năm nay nằm trong chuỗi hoạt động chào mừng kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11. Đây là dịp để mỗi chúng ta, sau một ngày việc có thời gian tĩnh lặng bên trang giấy, máy tính để hồi ức về thầy, cô và mái trường thân yêu của mình.

“Dù được giải hay không, chúng tôi luôn trân trọng các tác phẩm dự thi. Đó là kỷ niệm trân quý, thiêng liêng dành cho thầy, cô và mái trường mến yêu”, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng bày tỏ.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh phát biểu tại lễ tổng kết và trao giải cuộc thi “Thầy cô trong mắt em” năm 2022.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh phát biểu tại lễ tổng kết và trao giải cuộc thi “Thầy cô trong mắt em” năm 2022.

Ngày 15/11, Công đoàn Giáo dục Việt Nam tổ chức Gala “Những hạt nắng vàng” tổng kết và trao giải cuộc thi “Thầy cô trong mắt em” năm 2022. Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh dự buổi lễ.

Năm nay là năm thứ 3, cuộc thi “Thầy cô trong mắt em” được tổ chức và nhận được sự hưởng ứng rất lớn của học sinh, sinh viên cả nước với hơn 2.500 tác phẩm dự thi.

Tại vòng Chung khảo cấp Quốc gia, Ban tổ chức đã nhận được 111 tác phẩm từ Công đoàn các Đại học Quốc gia, Đại học Vùng, công đoàn các trường đại học, cao đẳng sư phạm và các đơn vị trực thuộc.

Kết quả chấm vòng Chung khảo đã chọn được 30 giải: 1 giải Đặc biệt, 4 giải Nhất, 6 giải Nhì, 8 giải Ba, 11 giải Khuyến khích và 3 tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác triển khai, tổ chức cuộc thi.

Giải Đặc biệt thuộc về tác phẩm “Cầu vồng sau mưa” của Nhóm các em học sinh Lớp 11A10, Trường THPT Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn.

Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Ngô Thị Minh trân trọng, ghi nhận, đánh giá cao và nhận định đây là một hoạt động rất ý nghĩa đã được diễn ra trong 3 năm vừa qua và năm nay đặc biệt hơn khi nằm trong chuỗi hoạt động để chào mừng 40 năm ngày nhà giáo Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ GDĐT hy vọng cuộc thi không dừng chỉ lại ở đây mà những ý nghĩa, kết quả ngày hôm nay sẽ được lan tỏa và phát triển mạnh mẽ trong những năm tiếp theo để nhân lên sự tốt đẹp, lòng tri ân trong ngành giáo dục và toàn xã hội.

Ảnh minh họa/ITN

Ảnh minh họa/ITN

Phê duyệt cho các đơn vị tổ chức thi cấp chứng chỉ tiếng Anh

Thông tin đáng chú ý trong tuần qua là Bộ GD&ĐT đã ban hành các quyết định phê duyệt cho các đơn vị tổ chức thi cấp chứng chỉ tiếng Anh.

Cụ thể, ngày 18/11, tại Quyết định số 3773/QĐ-BGDĐT, Bộ GD&ĐT phê duyệt liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ tiếng Anh IELTS giữa Công ty TNHH British Council (Việt Nam), Công ty THHH Công nghệ giáo dục Đông A, Công ty Cổ phần phát triển giáo dục và đào tạo ODIN, Công ty TNHH University Access Centre Việt Nam và Hội đồng Anh (Vương quốc Anh).

Trước đó, Bộ GD&ĐT đã ban hành 3 quyết định liên quan đến nội dung này, gồm:

Quyết định số 3730/QĐ-BGDĐT phê duyệt liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ tiếng Anh IELTS giữa Công ty TNHH Giáo dục IDP (Việt Nam) và IELTS Australia Pty Ltd (Australia).

Quyết định số 3731/QĐ-BGDĐT phê duyệt liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ tiếng Anh Linguaskill giữa Công ty Cổ phần nghiên cứu, ứng dụng và thực nghiệm công nghệ REAP và Tổng hiệu trưởng, Thạc sĩ và Học giả của ĐH Cambridge hoạt động thông qua tổ chức trực thuộc Nhà Xuất bản và Hội đồng Khảo thí ĐH Cambridge.

Quyết định số 3646/QĐ-BGDĐT về việc phê duyệt liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ tiếng Anh Aptis giữa Công ty TNHH British Council (Việt Nam), Công ty TNHH Thương mại và Phát triển Giáo dục Việt Nam, Công ty Cổ phần Truyền thông giáo dục và thời đại, Công ty TNHH ETE Việt Nam, Công ty TNHH Công nghệ và Phát triển giáo dục thời đại và Hội đồng Anh (Vương quốc Anh).

Trước đó, việc một số tổ chức/đơn vị thông báo dừng tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài được dư luận quan tâm. Lý do là bởi các bên liên kết chưa làm hồ sơ hoặc chưa hoàn thiện hồ sơ đề nghị Bộ GD&ĐT phê duyệt theo quy định của Nghị định số 86/2018/NĐ-CP và Thông tư số 11/2022/TT-BGD&ĐT.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn trao quyết định thành lập cho Trường ĐH Luật.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn trao quyết định thành lập cho Trường ĐH Luật.

Ra mắt 2 trường ĐH

Tuần qua, 2 Trường ĐH mới được ra mắt, đó là Trường ĐH Luật thuộc ĐHQG Hà Nội và Trường ĐH CMC thuộc Tập đoàn CMC.

Ngày 23/9/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1124/QĐ-TTg về việc thành lập Trường ĐH Luật, thành viên ĐHQG Hà Nội trên cơ sở khoa Luật trực thuộc ĐHQG Hà Nội.

Lễ công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ thành lập Trường ĐH Luật, ĐHQG Hà Nội được tổ chức sáng 18/11.

Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn chúc mừng các thế hệ nhà giáo khoa Luật. Việc thành lập Trường hôm nay, theo Bộ trưởng, là sự ghi nhận những cố gắng của các thế hệ cán bộ, nhà giáo qua 46 năm không ngừng xây dựng, vun đắp, phát triển và nay đã bước vào chặng đường phát triển mới, với tên gọi mới, tầm vóc và khí thế mới.

Trong thời gian tới, Bộ trưởng mong mỏi, Trường ĐH Luật, ĐHQG Hà Nội tiếp tục phát huy truyền thống, bề dày trong nghiên cứu khoa học, đào tạo để tiếp tục lớn mạnh, tỏa sáng trong tương lai. Đặc biệt, nhà trường cần quan tâm đến chất lượng đào tạo; làm sao đây phải là nơi có chất lượng tốt nhất, tiên phong nhất, mẫu mực nhất - đó là trách nhiệm đương nhiên của một thành viên trong một ĐH hàng đầu của đất nước.

Các đại biểu bấm nút ra mắt Trường ĐH CMC.

Các đại biểu bấm nút ra mắt Trường ĐH CMC.

Ngày 17/11, tại Hà Nội, Trường ĐH CMC - mô hình ĐH số đầu tiên của Việt Nam - chính thức ra mắt và khai giảng khóa 1 năm học 2022 - 2023.

Ngày 26/7/2022 Trường ĐH Mỹ thuật Công nghiệp Á Châu chính thức được Thủ tướng Chính phủ cho phép đổi tên thành Trường ĐH CMC. Đây là trường ĐH thuộc Tập đoàn công nghệ CMC. Ngay trong kỳ tuyển sinh đầu tiên, nhà trường đã thu hút được 345 sinh viên đến từ 28 tỉnh, thành cả nước.

Phát triển từ “ĐH thông minh, đổi mới sáng tạo” trong giai đoạn 2022 - 2032, hướng tới “ĐH nghiên cứu” sau năm 2032, mục tiêu hàng đầu của nhà trường là trở thành một ĐH công nghệ với các lĩnh vực đào tạo thế mạnh là khoa học máy tính, hệ thống thông tin, điện tử - viễn thông và các lĩnh vực khác gắn với yêu cầu phát triển khoa học công nghệ và kinh tế số của cả nước. Quy mô nhà trường cỡ trung từ 20 đến 30 nghìn sinh viên vào năm 2039.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ