Nóng trong tuần: Đánh giá triển khai CT mới; đề xuất phụ cấp ưu đãi nhà giáo

GD&TĐ - Đánh giá triển khai chương trình mới, đề xuất 8 mức phụ cấp ưu đãi nhà giáo là 2 trong nhiều thông tin giáo dục đáng chú ý trong tuần qua.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu kết luận Hội nghị đánh giá tình hình triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đến năm học 2022-2023.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu kết luận Hội nghị đánh giá tình hình triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đến năm học 2022-2023.

Đánh giá triển khai chương trình mới đến năm học 2022-2023

Hội nghị đánh giá tình hình triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đến năm học 2022-2023 là sự kiện giáo dục quan trọng diễn ra trong tuần qua.

Sự kiện tổ chức ngày 13/12, tại TP Hồ Chí Minh. Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ, lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ GD&ĐT và 200 đại biểu đến từ 63 sở GD&ĐT dự Hội nghị.

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đánh giá: Thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo Nghị quyết 29, triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 là một trong những việc lớn nhất, dài nhất, khó khăn nhất, thách thức nhất và sẽ tạo ra những thay đổi sâu sắc nhất cho giáo dục.

Chính thức đi vào thực hiện từ năm 2020 với nhiều khó khăn, thiếu thốn, nhất là vừa phải vật lộn với dịch bệnh vừa thực hiện đổi mới căn bản, song theo Bộ trưởng, nửa chặng đường triển khai đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Kết quả này thể hiện ở các phương diện: Triển khai đúng tiến độ, đúng kế hoạch, đồng bộ trên cả nước, tất cả đã vào cuộc.

Khẳng định sẽ không có bản tổng kết nào có thể kể hết được những công việc sáng tạo, bền bỉ, âm thầm của từng địa phương, nhà trường, thầy cô giáo để triển khai Chương trình, Bộ trưởng ghi nhận, công đầu thuộc về các sở GD&ĐT, các nhà trường và đội ngũ giáo viên đứng lớp. Trước mắt còn nhiều vướng mắc, nhiều việc chưa hài lòng, nhiều việc phải làm tốt hơn, nhưng vẫn phải nhìn nhận chúng ra đã đạt được những mục tiêu rất căn bản. Những gì chưa làm được là bộ phận, là việc nhỏ hơn những việc đã làm được.

Quang cảnh Hội nghị đánh giá tình hình triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đến năm học 2022-2023.

Quang cảnh Hội nghị đánh giá tình hình triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đến năm học 2022-2023.

Từ kết quả nửa chặng đường đầu, Bộ trưởng lưu ý những việc cần làm trong nửa chặng đường tiếp theo. Trong đó, nhấn mạnh sâu sắc phương diện ý chí, quyết tâm, với khẳng định: Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo là quyết tâm chính trị của Đảng, của Quốc hội, của Chính phủ, của đất nước, do đó quá trình thực hiện chỉ nhìn về phía trước và chỉ được phép thành công.

Khi xác định được thái độ như vậy, cần tiếp tục có thêm những thuyết phục với chính quyền địa phương, phụ huynh… để tiếp tục tạo sự chia sẻ, đồng thuận với quá trình thực hiện đổi mới. Đối với đội ngũ giáo viên, cần ghi nhận, động viên, khích lệ, kịp thời tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ tối đa, bởi họ chính là những "chiến sĩ" trên mặt trận đổi mới.

Cùng với đó, nhóm công việc liên quan đến thể chế, văn bản quản lý điều hành; cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, đội ngũ nhà giáo… cũng được Bộ trưởng lưu ý để triển khai tốt công việc trong thời gian tới.

Một số hoạt động đáng chú ý của Lãnh đạo Bộ GD&ĐT

Tuần qua, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn và Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang cùng đoàn công tác của hai cơ quan có cuộc làm việc với lãnh đạo, giảng viên Trường ĐH Tôn Đức Thắng. Cùng ngày (12/12), Bộ trưởng và đoàn công tác Bộ GD&ĐT đã tới thăm và làm việc với Trường ĐH Sư phạm Thể dục Thể thao TP. Hồ Chí Minh.

Ngày 17/12, tại Hội thảo Văn hóa 2022, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng có bài tham luận đáng chú ý với chủ đề “Giáo dục văn hóa và giáo dục để phát triển văn hóa”. Trong tham luận của Bộ trưởng đã làm rõ: Mối quan hệ hữu cơ, mật thiết giữa giáo dục và văn hóa; văn hóa giáo dục và giáo dục văn hóa; phương pháp và cách thức triển khai văn hóa giáo dục. Tinh thần được nêu trong tham luận cũng là định hướng của ngành Giáo dục để triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ 13 trong phát triển văn hóa.

Thứ trưởng Ngô Thị Minh phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Tổng kết công tác vì sự tiến bộ của phụ nữ năm 2022 và phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2023.
Thứ trưởng Ngô Thị Minh phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Tổng kết công tác vì sự tiến bộ của phụ nữ năm 2022 và phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2023.

Ngày 16/12, Thứ trưởng Ngô Thị Minh, Trưởng Ban vì sự tiến bộ của phụ nữ của Bộ GD&ĐT chủ trì Hội nghị Tổng kết công tác vì sự tiến bộ của phụ nữ năm 2022 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2023. Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng nhận định: Việt Nam đã đạt nhiều kết quả đáng trân trọng về thúc đẩy bình đẳng giới và được đánh giá là một trong những quốc gia có khung pháp lý về bình đẳng giới khá tiến bộ cũng việc thực hiện bình đẳng giới trong thực tiễn cũng đạt những kết quả đáng tích cực.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn; Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Nguyễn Viết Lộc và Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT) Nguyễn Thu Thủy chủ trì thảo luận tại Hội nghị Nhà đầu tư và Hội đồng trường các cơ sở giáo dục đại học tư thục.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn; Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Nguyễn Viết Lộc và Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT) Nguyễn Thu Thủy chủ trì thảo luận tại Hội nghị Nhà đầu tư và Hội đồng trường các cơ sở giáo dục đại học tư thục.

Ngày 17/12, Bộ GD&ĐT tổ chức Hội nghị Nhà đầu tư và Hội đồng trường các cơ sở giáo dục đại học tư thục trong cả nước. Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho biết, sự phát triển của các trường đại học tư thục trong thời gian vừa qua có chuyển biến lớn. Việc tổ chức hội nghị là cần thiết, để cùng trao đổi, nêu ra những cái được, tiến bộ, cái tốt của cơ chế chính sách đã ban hành để phát huy. Mặt khác nêu rõ khó khăn vướng mắc cụ thể đối với khối đại học và từng trường, qua đó có những thống nhất về nhận thức, trao đổi về kinh nghiệm, đề xuất để tháo gỡ khó khăn.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc (ngoài cùng bên phải) trao Cờ thi đua của Chính phủ cho đại diện lãnh đạo Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc (ngoài cùng bên phải) trao Cờ thi đua của Chính phủ cho đại diện lãnh đạo Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2.

Cùng ngày 17/12, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 tổ chức kỷ niệm 55 năm ngày thành lập và nhận Cờ thi đua của Chính phủ. Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc đã đến dự và gửi lời chúc mừng đến cán bộ, giảng viên, học viên, sinh viên của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2.

Ngoài ra còn có một số sự kiện giáo dục khác diễn ra trong tuần qua như: Bế mạc Hội thao Giáo dục Quốc phòng và An ninh học sinh THPT toàn quốc lần thứ III năm 2022; Hội thảo tập huấn dạy học tăng cường Tiếng Việt cho học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số; khai mạc vòng Chung kết Giải Cờ vua học sinh phổ thông toàn quốc năm 2022 - Cup TOTA; nhóm 7 trường ĐH kỹ thuật hàng đầu Việt Nam ký kết hợp tác...

Ảnh minh họa/internet.
Ảnh minh họa/internet.

Đề xuất 8 mức phụ cấp ưu đãi nhà giáo

Bộ GD&ĐT dự thảo Tờ trình Chính phủ đề nghị xây dựng Nghị định quy định chế độ phụ cấp ưu đãi nhà giáo. Theo đó, dự thảo đề xuất quy định về mức phụ cấp như sau:

Mức phụ cấp 25% áp dụng đối với nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy trong các trường đại học, cao đẳng, học viện, trường bồi dưỡng của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tổ chức Đảng, tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương và các trường chính trị của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (trừ nhà giáo giảng dạy trong các trường sư phạm, khoa sư phạm và nhà giáo dạy môn khoa học Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh).

Mức phụ cấp 30% áp dụng đối với nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy trong các trường THCS, THPT, trung tâm giáo dục thường xuyên; trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên ở đồng bằng, thành phố, thị xã; cơ sở giáo dục nghề nghiệp (trừ các trường cao đẳng quy định nêu trên); các trung tâm bồi dưỡng chính trị của huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh.

Mức phụ cấp 35% áp dụng đối với nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy trong các trường THCS, THPT, các trung tâm giáo dục thường xuyên; trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên tại: Các xã khu vực II thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi, xã đảo, xã biên giới theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Các khu vực III thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi, xã đảo, xã biên giới theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Thời gian hưởng 3 năm kể từ ngày được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Mức phụ cấp 40% áp dụng đối với nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy trong các trường sư phạm, khoa sư phạm (đại học, cao đẳng, trung học), trường cán bộ quản lý giáo dục và đào tạo và nhà giáo dạy môn chính trị trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Mức phụ cấp 45% áp dụng đối với nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy các môn khoa học Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh trong các trường đại học, cao đẳng.

Mức phụ cấp 50% áp dụng đối với nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy trong các trường tiểu học ở các xã khu vực I, khu vực II thuộc vùng dân tộc thiếu số và miền núi, xã đảo, xã biên giới theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Mức 35% áp dụng đối với nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy trong các trường tiểu học khu vực còn lại.

Mức phụ cấp 70% áp dụng đối với nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập.

Mức phụ cấp 100% áp dụng đối với nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập ở các xã khu vực III thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi, xã đảo, xã biên giới theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cây guitar bí ẩn.

Những cây đàn huyền bí

GD&TĐ - Trong một số trường hợp, nhạc cụ còn được cho là sở hữu sức mạnh huyền bí, mắc lời nguyền.