Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: GD-ĐT Sơn La phát triển tốt nhưng còn nhiều thách thức

GD&TĐ - Chiều 23/12, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn và đoàn công tác của Bộ đã có buổi làm việc với tỉnh Sơn La.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại buổi làm việc.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại buổi làm việc.

Tham gia đoàn công tác có Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ và đại diện một số cục, vụ cơ quan Bộ. Về phía tỉnh Sơn La có Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hữu Đông, Chủ tịch HĐND Nguyễn Thái Hưng; cùng các ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo UBND, Ban Tuyên giáo, Giám đốc một số sở/ban/ngành.

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hữu Đông phát biểu tại buổi làm việc.

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hữu Đông phát biểu tại buổi làm việc.

Chất lượng giáo dục ổn định, bền vững

Báo cáo kết quả phát triển GD-ĐT giai đoạn 2011-2022 của tỉnh Sơn La, ông Lê Hồng Minh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Hiện nay, mạng lưới trường lớp học được củng cố và phát triển rộng khắp, đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng của người dân. Mỗi bản đều có lớp mầm non. Tất cả các xã đều có trường tiểu học. Các điểm trường, lớp ghép được mở ở hầu hết các bản vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Hầu hết các xã đã có trường THCS, mỗi xã đều có 1 trung tâm học tập cộng đồng. Các huyện đều có trường phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên...

Tỉnh hiện duy trì hệ thống 12 trường phổ thông dân tộc nội trú. Hệ thống trường ngoài công lập từng bước được hình thành và phát triển. Hệ thống trường chuyên biệt được xây dựng, đầu tư để đáp ứng yêu cầu tạo nguồn đào tạo nhân lực chất lượng cao cho tỉnh nói chung, vùng đặc biệt khó khăn nói riêng. Các trung tâm ngoại ngữ, tin học, trung tâm giáo dục kỹ năng sống và các trung tâm đào tạo nghề được thành lập, đi vào hoạt động ổn định và phát triển...

Chất lượng giáo dục đại trà của Sơn La đạt được những tiến bộ vượt bậc, mang tính ổn định và bền vững. Đặc biệt, từ năm 2020, tỷ lệ và phổ điểm thi tốt nghiệp THPT tỉnh Sơn La có nhiều chuyển biến đột phá. Điểm trung bình các môn thi toàn tỉnh ngày càng rút ngắn so với phổ điểm toàn quốc, có môn đã vượt lên trên điểm trung bình toàn quốc. Năm 2022, tỉnh Sơn La đứng thứ 49/63 tỉnh thành phố về điểm trung bình các môn thi, tăng 10 bậc so với năm 2021.

Hiện, Sơn La đã được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 2, phổ cập giáo dục THCS mức độ 2, đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2. Cơ sở vật chất, trang thiết bị giáo dục được quan tâm đầu tư, có sự cải thiện rõ rệt theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa.

Quang cảnh buổi làm việc.

Quang cảnh buổi làm việc.

Các chế độ, chính sách của Trung ương và của tỉnh cho cán bộ, giáo viên, học sinh được thực hiện đầy đủ, kịp thời. Chế độ, chính sách đặc thù của tỉnh dành cho giáo dục ngày càng được quan tâm.

Đội ngũ giáo viên cơ bản đáp ứng yêu cầu phát triển quy mô trường lớp và cơ cấu bộ môn thực hiện chương trình giáo dục. Giáo viên Ngoại ngữ, Tin học, các môn học mới được quan tâm tuyển dụng đáp ứng yêu cầu thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới.

Về khó khăn, hạn chế, ông Lê Hồng Minh cho biết: Hiện Sơn La còn một số trường tiểu học, liên cấp tiểu học-THCS có nhiều điểm trường lẻ, khó khăn cho công tác quản lý, đầu tư cơ sở vật chất, ảnh hưởng đến chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục học sinh. Vẫn thiếu phòng tin học, thiết bị dạy học ngoại ngữ, trang thiết bị dạy học theo chương trình giáo dục phổ thông mới và phòng học tạm vẫn còn 3,1%.

Về đội ngũ, tỉnh còn thiếu 3.490 biên chế cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên. Đặc biệt còn rất thiếu giáo viên Tin học, Tiếng Anh ở tiểu học; thiếu giáo viên môn học mới (Âm nhạc, Mỹ thuật, Giáo dục Quốc phòng và An ninh,…) ở THPT trong thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Ông Lê Hồng Minh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La báo cáo về tình hình giáo dục - đào tạo trên địa bàn tỉnh.

Ông Lê Hồng Minh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La báo cáo về tình hình giáo dục - đào tạo trên địa bàn tỉnh.

Chia sẻ quan điểm phát triển GD-ĐT của tỉnh Sơn La, ông Lê Hồng Minh nhấn mạnh: Ưu tiên dành nguồn lực để phát triển GD-ĐT theo tinh thần Nghị quyết số 15-NQ/ĐH Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Sơn La lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020 - 2025 và Nghị quyết số 09-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển nguồn nhân lực tỉnh Sơn La giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.

Theo đó, khâu đột phá đầu tiên trong ba khâu đột phá là: Phát triển nguồn nhân lực đáp ứng được yêu cầu thực tiễn. Tập trung nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo các cấp, nhất là bậc THPT và giáo dục nghề nghiệp.

Các nhiệm vụ, giải pháp được đưa ra bao gồm: Phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT; tập trung nâng cao chất lượng giáo dục các cấp học. Đa dạng hóa các hình thức đào tạo, đẩy mạnh thực hiện xã hội hóa GD-ĐT. Phát triển hài hòa giữa giáo dục công lập và ngoài công lập, giữa các vùng trong tỉnh; ưu tiên vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số... Tiếp tục xây dựng Sơn La trở thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực của vùng Tây Bắc và các tỉnh Bắc Lào. Chỉ tiêu phát triển cốt lõi: Tỷ lệ trường mầm non, phổ thông đạt chuẩn quốc gia đến năm 2025 đạt 70,1%.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ phát biểu tại buổi làm việc.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ phát biểu tại buổi làm việc.

Chọn đúng “điểm rơi” để quan tâm đầu tư

Tại buổi làm việc, lãnh đạo Bộ GD&ĐT và đại diện các vụ, cục đánh giá cao nỗ lực và kết quả của giáo dục của Sơn La trong thời gian qua. Các ý kiến đồng thời trao đổi, chia sẻ mong muốn, nhấn mạnh những vấn đề lưu ý địa phương, liên quan đến triển khai chương trình giáo dục mầm non, Chương trình giáo dục phổ thông 2018; xây dựng đội ngũ bảo đảm cả số lượng và chất lượng; tiếp tục quan tâm đến cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học; giáo dục dân tộc, giáo dục thường xuyên, giáo dục đại học; thực hiện phổ cập, xóa mù chữ, chống tái mù...

Đánh giá giáo dục - đào tạo Sơn La cơ bản có những bước phát triển tốt, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ đưa ra một số vấn đề mong địa phương tiếp tục quan tâm. Trong đó có việc bảo đảm để có đủ trường lớp học, giảm các điểm trường lẻ, chú trọng thực hiện nhiệm vụ giáo dục bắt buộc ở tiểu học. Quan tâm bảo đảm các điều kiện để triển khai Chương trình GDPT 2018, đặc biệt là vấn đề đội ngũ và cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học. Bảo đảm tỷ lệ chi ngân sách cho giáo dục. Chú trọng đổi mới quản lý, chuyển tư duy từ quản trị nhân sự sang quản trị nguồn nhân lực để làm sao có môi trường giáo dục hạnh phúc, tạo động lực với cả thầy và trò.

Đại diện lãnh đạo các vụ, cục của Bộ GD&ĐT phát biểu tại buổi làm việc.

Đại diện lãnh đạo các vụ, cục của Bộ GD&ĐT phát biểu tại buổi làm việc.

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chúc mừng tỉnh Sơn La trong những năm qua đã có bước phát triển đáng mừng về kinh tế - xã hội, vượt được ra khỏi top 10 các tỉnh khó khăn nhất cả nước.

“Muốn giáo dục phát triển, điều kiện cần là là kinh tế - xã hội phải khá lên. Điều kiện đủ là lãnh đạo tỉnh phải quan tâm. Cả 2 điều này, chúng tôi đều nhìn thấy ở Sơn La, nên có niềm tin giáo dục - đào tạo của địa phương sẽ có bước phát triển tiếp tục trong những năm tới”, Bộ trưởng nhận định.

Ghi nhận giáo dục Sơn La đã có những bước phát triển tốt ở cả đại trà và mũi nhọn, tuy nhiên khó khăn thách thức đặt ra cũng còn nhiều, một số nhóm vấn đề cần quan tâm được Bộ trưởng đưa ra.

Vấn đề đầu tiên liên quan đến triển khai Chương trình GDPT 2018. Bộ trưởng cho rằng, thời điểm năm 2023, 2024 là những năm rất trọng tâm, trọng điểm triển khai chương trình mới. Nhịp tăng tốc đầu tư cho giáo dục phổ thông ở giai đoạn này có ý nghĩa vô cùng đặc biệt. Nhấn mạnh việc chọn đúng “điểm rơi” để đầu tư sẽ tạo hiệu quả khác hẳn, Bộ trưởng mong lãnh đạo địa phương quan tâm, cân nhắc giữa các ưu tiên thì dồn nhiều ưu tiên cho 2 năm tới, để có thể đồng tốc, đồng nhịp với đổi mới giáo dục phổ thông.

Bên cạnh đó, một trong những vấn đề rất quan trọng của giáo dục khu vực trung du, miền núi Bắc bộ là dân trí. Dân trí của người dân, hay chất lượng nguồn nhân lực, thực chất nền tảng gốc rễ vẫn là giáo dục phổ thông. Với việc này, Bộ trưởng bày tỏ mong muốn lãnh đạo địa phương quan tâm bảo đảm về đội ngũ, cơ sở vật chất, hạ tầng, trong đó có hạ tầng số, trang thiết bị và đẩy nhanh tốc độ phủ các trường kiên cố. Với khu vực địa hình chia cắt, nhiều điểm trường thì giải pháp số là quan trọng, không chỉ cho trước mắt mà cả lâu dài.

Cùng với đẩy mạnh giáo dục dân tộc, đặc biệt chú ý giữ gìn bản sắc văn hóa của các tộc người, Bộ trưởng đồng thời lưu ý đến quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, mạng lưới các trường bán trú, nội trú. Theo đó, khi sắp xếp cần lưu ý bảo đảm hài hòa giữa gom điểm trường với việc tạo thuận lợi cho học sinh; làm sao giải được bài toán học sinh được học gần nhất nhưng với điều kiện tốt.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại buổi làm việc.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại buổi làm việc.

Theo báo cáo của tỉnh Sơn La, giai đoạn 2012-2022, tỷ trọng ngân sách địa phương cho giáo dục hàng năm chiếm trung bình 29,19% tổng chi ngân sách địa phương. Cho rằng đây là sự cố gắng lớn, Bộ trưởng mong trong những năm tới, nguồn ngân sách cho giáo dục tại địa phương sẽ tiếp tục gia tăng.

Trong phát triển giáo dục với vùng núi như Sơn La, sự đầu tư của nhà nước vẫn là chủ chốt. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, tăng cường xã hội hóa vẫn cần khuyến khích để xã hội cùng chia sẻ với giáo dục.

Riêng với Trường Đại học Tây Bắc, cơ sở giáo dục trực thuộc Bộ đóng trên địa bàn tỉnh Sơn La, Bộ trưởng mong muốn, tỉnh sẽ tiếp tục có những quan tâm, hỗ trợ, tạo điều kiện cho trường trong việc triển khai các dự án phát triển.

Cảm ơn những trao đổi, chia sẻ của lãnh đạo Bộ GD&ĐT và đại diện các vụ, cục, Bí thư Tỉnh ủy Sơn La Nguyễn Hữu Đông cho biết, sẽ tiếp thu đầy đủ và ngay sau cuộc làm việc sẽ có văn bản chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện các nhiệm vụ cụ thể về giáo dục và đào tạo.

Trong thời gian tới, tỉnh Sơn La sẽ tiếp tục triển khai Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 21/1/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển nguồn nhân lực tỉnh Sơn La giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Chia sẻ mục tiêu của tỉnh là hướng tới trở thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực của vùng Tây Bắc và các tỉnh Bắc Lào, Bí thư Tỉnh ủy Sơn La mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, đồng hành, hỗ trợ Bộ GD&ĐT để địa phương thực hiện được mục tiêu này.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hệ thống THAAD của Mỹ.

Kích hoạt vụ phóng Oreshnik mới

GD&TĐ - Theo Reuters, lực lượng tên lửa Nga có thể phóng tiếp tên lửa Oreshnik vào Ukraine, sau khi bị Kiev tập kích lãnh thổ bằng ATACMS.

Minh họa/INT.

Truyện ngắn: Hồi ức khó quên

GD&TĐ - Tôi từng nghĩ rằng mình có thể hóa thành một chiếc ô, chỉ dựa vào sức lực và ý chí của bản thân để che chở cho cả gia đình trước những cơn giông bão của cuộc đời.

Minh họa/INT.

Nhạc kịch Việt tự tin 'cất cánh'

GD&TĐ - Nhạc kịch 'Giấc mơ Chí Phèo' của Nhà hát Ca Múa Nhạc Thăng Long đang được khởi động bán vé cho suất công diễn cuối tháng 12.