Lưu ý đến tính khả thi khi xây dựng Chương trình GD Mầm non mới
Ngày 22/11, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn và Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh đã dành một ngày lắng nghe ý kiến chuyên gia trong nước, quốc tế xung quanh việc xây dựng chính sách bảo đảm chất lượng giáo dục mầm non.
Tiếp thu các ý kiến, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn khẳng định vị trí đặc biệt của giáo viên mầm non trong mối quan tâm của ngành Giáo dục. Bộ trưởng đưa ra một số lưu ý khi xây dựng Chương trình giáo dục mầm non mới.
Bộ trưởng nhấn mạnh, phải lưu ý đến tính liên ngành, tích hợp khi xây dựng Chương trình giáo dục mầm non. Tiếp đến là lưu ý đến tính khả thi của chương trình, để trong điều kiện Việt Nam hiện nay, với sự cố gắng cao nhất, có thể triển khai được trong thực tế. Khi xây dựng, cần tính đến đặc thù của khu vực khó khăn nhưng cũng phải căn cứ vào đối tượng là cái chung, phổ biến, phổ quát nhất để xây dựng chính sách.
Hội thảo kinh nghiệm quốc tế về xây dựng chính sách bảo đảm chất lượng giáo dục mầm non và một số mô hình triển khai tại Việt Nam. |
Bảo đảm thành công của Chương trình, Bộ trưởng nhấn mạnh đầu tiên đến vai trò của lực lượng giáo viên; sự chuẩn bị lực lượng giáo viên đủ cả số lượng và chất lượng; tập huấn, đào tạo lại giáo viên; tổ chức đào tạo giáo viên mới tại các trường đại học sư phạm, cao đẳng sư phạm.
Ngoài ra, các trường ĐH sư phạm, CĐ sư phạm cũng cần bắt tay cùng với nhóm chuẩn bị chương trình để đổi mới, điều chỉnh các chương trình đào tạo giáo viên ngay cùng thời điểm với việc xây dựng Chương trình giáo dục mầm non mới.
Hiện nay, theo thống kê của Bộ GD&ĐT, Việt Nam còn gần 20% số trường học đang trong tình trạng tạm bợ, bán kiên cố. Trong số này, tỷ lệ các trường mầm non, tiểu học chưa được kiên cố hóa chiếm nhiều nhất. 5 năm tới, khi hoàn thiện mục tiêu kiên cố hóa trường học, phải giải quyết nhiều nhất cho câu chuyện kiên cố hóa với hệ thống các trường mầm non.
“Có hay không có việc triển khai Chương trình giáo dục mầm non mới, thì kiên cố hóa trường lớp học vẫn là một việc cấp bách”, Bộ trưởng nói và cho rằng: Ngoài xây trường, những khâu chuẩn bị trang thiết bị, học liệu, đồ chơi trong trường học cũng rất quan trọng.
Thúc đẩy hợp tác giáo dục, đào tạo quốc tế
Tuần qua, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đã dành thời gian tiếp đại sứ nước ngoài tại Việt Nam. Sáng 23/11, Bộ trưởng có cuộc tiếp, làm việc với ngài Nicolas Warnery, Đại sứ Pháp tại Việt Nam.
Tại đây, hai bên cùng trao đổi, thống nhất một số nội dung nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác giáo dục và đào tạo giữa hai nước. Một trong những nội dung quan trọng trong đó liên quan đến dạy học tiếng Pháp tại Việt Nam.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, tiếng Pháp là một ngoại ngữ có vị trí quan trọng tại Việt Nam, được khẳng định qua chủ trương của Chính phủ, Bộ GD&ĐT. Tuy nhiên, cần có giải pháp, trong đó bằng cả việc thúc đẩy chính sách, để thúc đẩy sự quan tâm hơn nữa từ phụ huynh, học sinh học tiếng Pháp trong thực tế.
Liên quan đến nội dung này, Bộ trưởng đồng thời bày tỏ mong nhận được sự hỗ trợ của Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam trong biên soạn sách giáo khoa tiếng Pháp dạy trong các trường phổ thông.
Quang cảnh cuộc làm việc với Đại sứ Pháp tại Việt Nam. |
Cùng ngày, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đã có buổi tiếp ngài Baloghdi Tibor, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Hungary tại Việt Nam. Bộ trưởng nhấn mạnh, Hungary là một trong những trọng tâm hợp tác của Việt Nam trên lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Bộ trưởng cũng đánh giá cao chất lượng giáo dục của Hungary, đặc biệt là tinh thần sẵn sàng hợp tác của các trường đại học nước này.
Bộ trưởng mong muốn, phía Hungary sẽ tạo điều kiện để sinh viên Việt Nam được tiếp cận với những nhóm ngành mà sau khi ra trường sẽ có cơ hội việc làm tốt như công nghệ, kỹ thuật, y dược…
Ngoài gửi sinh viên sang Hungary học tập theo chương trình học bổng, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn mong muốn hai bên sẽ thúc đẩy việc trao đổi sinh viên, trao đổi giảng viên, các nhà khoa học giữa hai nước; thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học giữa các trường đại học hai nước.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại buổi làm việc với ngài Baloghdi Tibor, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Hungary tại Việt Nam. |
Sáng 24/11, trước sự chứng kiến của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống nước Cộng hòa Uganda Yoweri Kaguta Museveni, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Việt Nam Nguyễn Kim Sơn và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao nước Cộng hòa Uganda đã ký kết Bản ghi nhớ hợp tác giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Bộ Giáo dục và Thể thao nước Cộng hòa Uganda trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo.
Bản ghi nhớ nhằm thiết lập khuôn khổ hợp tác trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo nhằm góp phần tăng cường hiểu biết lẫn nhau giữa hai nước. Mục tiêu nhằm thúc đẩy trao đổi kinh nghiệm, thực tiễn và thông tin về giáo dục và đào tạo; thúc đẩy chia sẻ kinh nghiệm, trao đổi thông tin và chuyên môn về chính sách giáo dục, xây dựng kế hoạch, theo dõi sự phát triển của giáo viên, quản lý, thanh tra và thiết kế các bộ tiêu chuẩn, đảm bảo chất lượng và kiểm định.
383 người được công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS
Chủ tịch Hội đồng Giáo sư Nhà nước ký quyết định số 88/QĐ-HĐGSNN công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm 2022.
Danh sách gồm 383 người, trong đó gồm có 34 giáo sư, 349 phó giáo sư. Như vậy, danh sách này không có sự thay đổi so với danh sách ứng viên chức danh giáo sư, phó giáo sư năm 2022 xét tại Phiên họp lần thứ X của Hội đồng Giáo sư nhà nước nhiệm kỳ 2018-2023, ngày 29/10/2022.
Giáo sư trẻ nhất năm nay sinh năm 1979, trong đó có: ông Lê Văn Cảnh (Trường ĐH Quốc tế, ĐH Quốc gia TPHCM); ông Chu Mạnh Hoàng (Trường ĐH Bách khoa Hà Nội), ông Nguyễn Ngọc Minh (Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQG Hà Nội).
Phó giáo sư trẻ nhất sinh năm 1989, trong đó có: ông Đoàn Văn Trường (Trường ĐH Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa); ông Phạm Minh Quân (Viện Hóa học các Hợp chất thiên nhiên, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam).