Cần chính sách đột phá phát triển giáo dục trung du miền núi Bắc bộ

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Các chính sách cho giáo dục vùng trung du, miền núi Bắc bộ cần bao quát được hết tính đặc thù, đủ mạnh và phải mang tính đột phá.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu kết luận hội nghị.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu kết luận hội nghị.

Đây là một trong những nội dung được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh trong kết luận Hội nghị phát triển giáo dục và đào tạo vùng trung du và miền núi Bắc bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; triển khai Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Mấu chốt trong phát triển giáo dục trung du miền núi Bắc bộ

Khẳng định thành công của Hội nghị, theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, một trong những điều đáng mừng là cùng với Bộ GD&ĐT, các sở GD&ĐT, Hội nghị có sự tham gia, quan tâm phối hợp của lãnh đạo Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội và Ủy ban Dân tộc.

Bên cạnh đó, trong công cuộc đổi mới giáo dục, các tỉnh vùng trung du và miền núi Bắc bộ phải vượt qua nhiều thử thách để thực hiện nhiệm vụ kép: Triển khai đổi mới giáo dục theo nhiệm vụ chung cả nước và vượt qua khó khăn, thử thách do những vấn đề vùng đặt ra. Thực hiện nhiệm vụ này, đội ngũ lãnh đạo các tỉnh trong khu vực đóng vai trò rất quan trọng, thậm chí quyết định. Nên việc tham gia của đại diện lãnh đạo các địa phương, cùng một số sở/ngành tại hội nghị để chia sẻ, thấu hiểu cũng đã là một thành công.

Kết quả giáo dục của khu vực trung du và miền núi Bắc bộ, Bộ GD&ĐT đã có báo cáo tổng kết chi tiết. Bộ trưởng đánh giá khái quát: Với điều kiện còn rất nhiều khó khăn, thách thức như vậy, kết quả giáo dục mà vùng đạt được là vô cùng quý báu, cần phải được đặc biệt đánh giá cao.

Đưa một số lưu ý, theo Bộ trưởng, cần nhận diện những việc cần làm cấp bách, trước mắt và những việc cần làm trong trung hạn, dài hạn. “Công cuộc xóa đói, giảm nghèo” trong giáo dục khu vực trung du và miền núi Bắc bộ được Bộ trưởng nhắc đến trước nhất. Trong đó, biểu hiện sinh động của cái nghèo là sự thiếu thốn về cơ sở vật chất, về hạ tầng “cứng”, hạ tầng số, thiếu trang thiết bị, thiếu thư viện, thiếu giáo viên… Bữa ăn bán trú cho học sinh, lương thực cho các trường nội trú và bán trú, đời sống của thầy cô giáo vùng đặc biệt khó khăn… cần được bảo đảm. “Chúng ta không tô hồng, cũng không bôi đen mà cần nhìn thẳng, đối diện với vấn đề”, Bộ trưởng cho hay.

Chủ trì hội nghị (từ trái qua phải): Chủ nhiệm Ủy ban dân tộc Hầu A Lềnh; Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn; Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh; Bí thư Tỉnh ủy Sơn La Nguyễn Hữu Đông.

Chủ trì hội nghị (từ trái qua phải): Chủ nhiệm Ủy ban dân tộc Hầu A Lềnh; Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn; Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh; Bí thư Tỉnh ủy Sơn La Nguyễn Hữu Đông.

Trong chặng đường trước mắt, Bộ trưởng cho rằng, phải giải quyết thật hài hòa giữa phát triển giáo dục đại trà và giáo dục mũi nhọn. Với các tỉnh miền núi, vấn đề số một lúc này là phổ cập giáo dục, vấn đề dân trí, giảm thấp nhất mù chữ và tái mù, con em đồng bào dân tộc có trình độ giáo dục tối thiểu… Sau đó mới là các câu chuyện khác, là giáo dục bậc cao, giáo dục mũi nhọn.

Gửi gắm đến các địa phương, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn mong rằng, lãnh đạo địa phương trong thời gian qua đã quan tâm, đầu tư rất đặc biệt cho giáo dục, cần tiếp tục quan tâm hơn nữa. Giống như một gia đình nghèo vẫn thắt lưng, buộc bụng, dồn để giáo dục cho con cái nhằm cải thiện cho thế hệ sau, cho lâu dài.

Cùng với đó, các chính sách ưu tiên, ưu đãi đặc thù với khu vực này đã có, thậm chí có nhiều, nhưng hầu như chưa đủ mạnh, chưa đủ độ đột phá, chưa bao quát được hết tính đặc thù và chưa mang tính quyết liệt. Đây là điểm có tính chất mấu chốt trong việc đầu tư phát triển giáo dục của khu vực.

“Sắp tới, Bộ GD&ĐT sẽ tiến hành rà soát các cơ chế, chính sách đối với khu vực và mong Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội, Ủy ban Dân tộc, các địa phương cùng ủng hộ. Các chính sách cần được rà soát, điều chỉnh theo hướng gọn lại, tích hợp, nhưng cần phải đủ mạnh và phải mang tính đột phá. Nếu không, khó có điều gì mới mẻ sau Hội nghị hôm nay” - Bộ trưởng nhấn mạnh và cho biết hai việc cần phải đột phá liên quan đến đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất trường lớp.

Theo đó, yếu tố giáo viên luôn là vấn đề quan trọng nhất, có yếu tố quyết định. Có giáo viên đủ chất lượng thì chất lượng giáo dục cũng sẽ tốt lên. Cho nên, bằng mọi cách phải giải quyết được các vấn đề giáo viên về cả số lượng và chất lượng.

Về cơ sở vật chất trường lớp, Bộ trưởng cho biết, cố gắng đến năm 2030 chúng ta sẽ không còn trường học tạm, phòng học tạm và thể hiện quyết liệt với mục tiêu này. “Chúng tôi sẽ bằng mọi cách, và sắp tới trong Nghị quyết cũng như trong Chương trình hành động của Chính phủ, cũng có nội dung Bộ GD&ĐT tiếp tục xây dựng đề án kiên cố hóa trường lớp học”, Bộ trưởng cho hay.

Trong phát triển giáo dục vùng, đối với khu vực trung du và miền núi Bắc bộ, Bộ trưởng đồng thời nhấn mạnh: Việc Nhà nước phải lo, phải bao quát, phải đầu tư trước mắt và lâu dài vẫn là câu chuyện lớn nhất. Sau đó mới nói đến kêu gọi xã hội hóa, đóng góp của các doanh nghiệp, các nguồn khác. Xác định như vậy, đầu tư mới đúng, trúng, phù hợp.

Ông Hầu A Lềnh, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc phát biểu tại Hội nghị.

Ông Hầu A Lềnh, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc phát biểu tại Hội nghị.

Ưu tiên nguồn lực phát triển cho vùng khó khăn

Tại hội nghị, đại diện các địa phương, trường đại học cùng chia sẻ, trao đổi về những kết quả giáo dục, kinh nghiệm triển khai, bài học rút ra từ thực tiễn và giải pháp để thúc đẩy phát triển giáo dục - đào tạo từng địa phương cũng như toàn vùng trong thời gian tới. Một số nội dung được quan tâm như: Triển khai chuyển đổi số trong giáo dục - đào tạo; phát triển giáo dục đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi; triển khai Chương trình GDPT 2018; vấn đề về đội ngũ giáo viên...

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh bày tỏ đồng tình cao với báo cáo đánh giá của Bộ GD&ĐT và ý kiến của các địa phương về thực trạng, giải pháp, định hướng phát triển của giáo dục vùng Trung du và miền núi Bắc bộ.

“Chúng ta cùng nhau kiến nghị ưu tiên nguồn lực đầu tư cho phát triển giáo dục và đào tạo vùng Trung du và miền núi Bắc bộ” - chia sẻ điều này, Bộ trưởng Hầu A Lềnh cam kết: Ủy ban Dân tộc sẽ đồng hành với Bộ GD&ĐT và các bộ, ngành để đưa giáo dục đào tạo vùng trung du và miền núi Bắc bộ có bước phát triển mới trong giai đoạn tới đây.

Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cho rằng, giáo dục vùng Trung du và miền núi Bắc bộ gắn liền với giáo dục dân tộc thiểu số, có những đặc thù khác với các vùng khác, khi số lượng đồng bào dân tộc thiểu số khó khăn nhiều nhất cả nước, số xã đặc biệt khó khăn chiếm tỷ lệ cao nhất cả nước.

Nhắc tới hàng loạt chính sách đã được Đảng, Nhà nước, Quốc hội ban hành thời gian qua nhằm tạo căn cứ chính trị, pháp lý cho vùng Trung du và miền núi Bắc bộ trong phát triển kinh tế - xã hội nói chung, giáo dục và đào tạo nói riêng, Bộ trưởng Hầu A Lềnh mong những chính sách này sẽ sớm được cụ thể hóa thành các đề tài, đề án triển khai thực hiện trong giai đoạn tới.

Từ đó, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc đề nghị, sau Hội nghị này, Bộ GD&ĐT sẽ phối hợp với bộ, ngành liên quan để cụ thể hóa các chủ trương lớn mà chưa có chính sách. Đi liền với rà soát, là sửa đổi, bổ sung các chính sách cho phù hợp, nhất là các chính sách cho người dạy, người học, các điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục.

Bộ GD&ĐT cũng cần phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan liên quan kiến nghị Quốc hội, Chính phủ ưu tiên nguồn lực phát triển cho vùng khó khăn. Đồng thời, phối hợp với Bộ Nội vụ tham mưu Chính phủ bổ sung đủ về số lượng giáo viên và từng bước nâng cao chất lượng. Tính toán tỷ lệ, cơ cấu giáo viên là người dân tộc thiểu số phù hợp cũng là một trong những lưu ý của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh.

Ông Nguyễn Đắc Vinh, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội phát biểu tại Hội nghị.

Ông Nguyễn Đắc Vinh, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội phát biểu tại Hội nghị.

Nhắc nhiều đến khó khăn, thách thức về giáo dục - đào tạo khu vực vùng trung du miền núi Bắc bộ, ông Nguyễn Đắc Vinh, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, cần rà soát từng vấn đề khó khăn, phân tích nguyên nhân để tìm giải pháp khả thi.

Mục tiêu lớn nhất đối với giáo dục khu vực trung du miền núi Bắc bộ, theo ông Nguyễn Đắc Vinh, là trang bị kiến thức phổ thông, nâng cao dân trí, từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho vùng. Giáo dục đóng vai trò đặc biệt quan trọng để thực hiện mục tiêu này. Do đó, cần phải phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo ở tất cả các cấp học.

Đối với giáo dục mầm non, ông Nguyễn Đắc Vinh cho rằng, ở khu vực này, đầu tiên cần có đủ các điểm trường, phòng học; đáp ứng đủ số lượng giáo viên, chất lượng phải đáp ứng được yêu cầu; chính sách dinh dưỡng cho trẻ và an toàn trường học cần được bảo đảm; từng bước nâng cao chất lượng giáo dục mầm non.

Giáo dục phổ thông, quan trọng nhất là bảo đảm các điều kiện để triển khai hiệu quả Chương trình GDPT 2018. Giáo dục đại học, khu vực Trung du miền núi Bắc bộ nên có định hướng phát triển cho các trường đại học trong vùng, quản lý chặt chẽ và từng bước nâng cao chất lượng.

Ông Nguyễn Đắc Vinh cũng cho rằng, cần nghiên cứu tiêu chí để quy hoạch xây dựng mạng lưới trường học. Rà soát các điểm trường, tính toán mô hình trường bán trú phù hợp, tiến tới có thể thay thế điểm trường. Cùng với đó, tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách thu hút nguồn đầu tư cho giáo dục, tiếp tục phát triển giáo dục ngoài công lập ở những nơi có điều kiện. Có chính sách hỗ trợ phù hợp đối với học sinh nội trú và bán trú, phát triển hạ tầng giao thông khu vực miền núi.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đề nghị lồng ghép hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia để phát triển giáo dục. Hoàn thiện hệ thống thư viện, kết hợp với các phòng học công nghệ thông tin, giúp giáo viên, học sinh cập nhật kiến thức. Chú trọng việc cập nhật, nâng cao kiến thức cho giáo viên công tác tại vùng cao. Với giáo dục đại học, nên có chính sách hỗ trợ phù hợp với thu hút nhiều hơn giảng viên giỏi về khu vực này.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thái Nguyên khai mạc Mùa du lịch năm 2024.

Thái Nguyên khai mạc năm du lịch 2024

GD&TĐ - Ngày 25/4, tại Khu du lịch Hồ Núi Cốc, UBND tỉnh Thái Nguyên tổ chức Khai mạc du lịch năm 2024 với chủ đề “Từ trải nghiệm tới trái tim”.