Nóng trong tuần: Thông tin tuyển sinh 2023; thêm chính sách cho nhà giáo

GD&TĐ - Thông tin tuyển sinh 2023, chính sách hỗ trợ giáo viên ảnh hưởng bởi Covid-19, lịch nghỉ Tết cho HSSV là thông tin giáo dục đáng chú ý tuần qua.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn chủ trì họp giao ban quý IV về công tác tuyển sinh, đào tạo khối đại học và cao đẳng sư phạm.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn chủ trì họp giao ban quý IV về công tác tuyển sinh, đào tạo khối đại học và cao đẳng sư phạm.

Tuyển sinh năm 2023 cơ bản ổn định

Sáng 30/11, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn chủ trì họp giao ban quý IV về công tác tuyển sinh và đào tạo khối đại học và cao đẳng sư phạm.

Tại cuộc họp, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) Nguyễn Thu Thủy cho biết: Dự kiến công tác tuyển sinh năm 2023 và các năm tiếp theo sẽ cơ bản giữ ổn định như năm 2022. Đồng thời tăng cường một số giải pháp về mặt kỹ thuật nhằm hỗ trợ tốt hơn cho công tác tuyển sinh của các cơ sở đào tạo và hỗ trợ tốt hơn cho các thí sinh trong quá trình xét tuyển.

Vụ trưởng Nguyễn Thu Thủy lưu ý các cơ sở giáo dục đại học hoàn thiện các phương thức tuyển sinh, thực hiện đúng Quy chế tuyển sinh hiện hành; tránh làm cho các phương thức tuyển sinh trở nên phức tạp, rắc rối đối với thí sinh. Đồng thời, định hướng công tác tuyển sinh cho năm 2025 trở đi, khi có thí sinh bắt đầu tốt nghiệp Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn ghi nhận sự phối hợp của các CSĐT trong công tác tuyển sinh năm 2022, góp phần tạo nên thành công. Căn cứ kết quả tuyển sinh năm nay, các trường cần rà soát, đánh giá lại hiệu quả phương thức tuyển sinh. Trên cơ sở đó, triển khai trong năm tới đạt hiệu quả hơn. Bộ sẽ làm việc với một số trường có dấu hiệu không bình thường về tuyển sinh.

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn lưu ý, với phương thức tuyển sinh nào ít hiệu quả, các trường có thể xem xét, tinh giảm, điều chỉnh trong năm 2023. Làm thế nào để đơn giản hóa cho thí sinh; thậm chí có thể tính đến phương án thí sinh không cần phải lựa chọn phương thức trên hệ thống phần mềm.

Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học Nguyễn Thu Thủy báo cáo tại cuộc họp.
Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học Nguyễn Thu Thủy báo cáo tại cuộc họp.

Chính sách cho nhà giáo

Quyết định số 24/2022/QĐ-TTg quy định về việc thực hiện chính sách hỗ trợ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trong các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục tiểu học ngoài công lập gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; Bộ GD&ĐT đề nghị xây dựng Nghị định về chế độ phụ cấp ưu đãi nhà giáo - là 2 thông tin liên quan đến chính sách nhà giáo đáng chú ý tuần qua.

Quyết định nêu rõ, đối tượng được hỗ trợ là cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên làm việc tại cơ sở giáo dục ngoài công lập, bao gồm: Hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, giáo viên, nhân viên, tổ trưởng, tổ phó, quản lý chuyên môn; chủ cơ sở, chủ nhóm lớp, chủ nhóm trẻ có đủ các tiêu chuẩn theo quy định của Luật Giáo dục, Điều lệ trường mầm non, Quy chế tổ chức và hoạt động nhóm trẻ độc lập, lớp mẫu giáo độc lập, lớp mầm non độc lập loại hình dân lập và tư thục tham gia công tác quản lý chuyên môn hoặc thực hiện nhiệm vụ của giáo viên, nhân viên (cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên).

Quyết định quy định hỗ trợ một lần mức 3.700.000 đồng/người áp dụng với cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên chưa được hưởng chính sách của địa phương hỗ trợ đối với nhóm lao động không có giao kết hợp đồng lao động và một số đối tượng đặc thù khác theo quy định tại khoản 12 Mục II Nghị quyết số 68/NQ-CP.

Hỗ trợ một lần mức 2.200.000 đồng/người áp dụng với cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên đã được hưởng chính sách của địa phương theo quy định tại khoản 12 Mục II Nghị quyết số 68/NQ-CP.

UBND cấp xã, phòng GD&ĐT cấp huyện tiếp nhận hồ sơ đề nghị hỗ trợ của cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên đến hết ngày 31/12/2022.

Ảnh minh họa/internet.
Ảnh minh họa/internet.

Liên quan đến phụ cấp cho nhà giáo, Bộ GD&ĐT dự thảo Tờ trình Chính phủ đề nghị xây dựng Nghị định quy định chế độ phụ cấp ưu đãi nhà giáo nhằm khắc phục những khó khăn, vướng mắc, giúp bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà giáo, tạo sự công bằng, minh bạch trong việc xem xét, chi trả chế độ phụ cấp.

Theo đó, Bộ GD&ĐT đề xuất phương án quy định mức phụ cấp đối với giáo viên mầm non, cụ thể là: Nâng mức phụ cấp ưu đãi đối với giáo viên mầm non đang hưởng mức 35% và mức 50% lên mức 70%; giáo viên mầm non đang công tác vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn hưởng mức 100%. Với mức đề xuất này, có khoảng hơn 200 nghìn giáo viên mầm non thuộc đối tượng điều chỉnh.

Tăng cường an toàn thực phẩm trong trường học

Học sinh Trường Tiểu học Văn Yên (quận Hà Đông, Hà Nội) trong giờ ăn trưa. Ảnh: Vân Anh.

Học sinh Trường Tiểu học Văn Yên (quận Hà Đông, Hà Nội) trong giờ ăn trưa. Ảnh: Vân Anh.

Sau nhiều sự việc mất an toàn vệ sinh thực phẩm trong bếp ăn bán trú, ngành Giáo dục các địa phương đã có những động thái nhằm tăng cường các biện pháp bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.

UBND tỉnh Khánh Hòa đã chỉ đạo Sở GD&ĐT lập các đoàn kiểm tra bếp ăn tập thể tại trường mầm non, tiểu học có tổ chức bán trú, đặc biệt là trường tư thục và quốc tế. Đối với trường hợp bếp ăn không bảo đảm an toàn thực phẩm, Sở GD&ĐT xử lý, đình chỉ hoạt động.

Còn tại TP Hồ Chí Minh, Sở GD&ĐT đã phối hợp với Ban Quản lý An toàn thực phẩm thành phố kiểm tra, giám sát các bếp ăn tập thể. Đồng thời chỉ đạo trường học xây dựng kế hoạch, phối hợp với ban đại diện cha mẹ học sinh giám sát việc chế biến, giá thành bữa ăn. Hai đơn vị sẽ lập đoàn giám sát các trường học, nhất là khối tiểu học, mầm non về bảo đảm an toàn thực phẩm.

Tại Hà Nội, Sở GD&ĐT đã phối hợp với Sở Y tế thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành giám sát bếp ăn bán trú trường học. Trong quá trình kiểm tra, một số trường còn thiếu hồ sơ pháp lý; điều kiện về cơ sở vật chất, vệ sinh trang thiết bị, dụng cụ chế biến, nấu ăn chưa đạt, đoàn kiểm tra liên ngành đã yêu cầu đơn vị khắc phục, chấn chỉnh kịp thời.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ