Trường ĐH đầu tiên chuyển từ trường lên ĐH
Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định về việc chuyển Trường ĐH Bách khoa Hà Nội thành ĐH Bách khoa Hà Nội. Đây là trường đại học đầu tiên chuyển từ trường lên đại học sau khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (Luật số 34) và Nghị định 99/2019/NĐ-CP hướng dẫn thực hiện luật này có hiệu lực.
ĐH Bách khoa Hà Nội sẽ tổ chức lại cơ cấu tổ chức và hoạt động trên cơ sở Trường ĐH Bách khoa Hà Nội trước đây theo quy định của pháp luật.
Ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ký Quyết định số 1517/QĐ-TTg ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực. Quy chế được thực hiện trong nhiệm kỳ 2022-2026.
Theo Quyết định, Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực (Hội đồng) họp toàn thể định kỳ 6 tháng một lần, họp chuyên đề, khi cần thiết có thể tổ chức họp đột xuất.
Hội đồng có 7 Tiểu ban chuyên môn giúp việc ở những lĩnh vực chuyên môn sâu gồm: Giáo dục mầm non; giáo dục phổ thông; giáo dục đại học; giáo dục nghề nghiệp; giáo dục thường xuyên và học tập suốt đời; giáo dục thể chất; phát triển nguồn nhân lực. Các tiểu ban họp theo quyết định của Trưởng tiểu ban.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ký Quyết định số 1517/QĐ-TTg ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực nhiệm kỳ 2022-2026. |
Hoạt động của Hội đồng được thực hiện thông qua hình thức họp tập trung, họp trực tuyến; lấy ý kiến của các thành viên Hội đồng.
Chủ tịch Hội đồng chỉ đạo mọi hoạt động của Hội đồng; chủ trì và kết luận các phiên họp toàn thể Hội đồng; phân công và giao nhiệm vụ cho các thành viên Hội đồng.
Phó Chủ tịch Hội đồng giúp Chủ tịch Hội đồng trong việc chỉ đạo, tổ chức các hoạt động của Hội đồng; chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Hội đồng về công tác được giao.
Xử phạt hành chính trong GD-ĐT còn khó khăn
Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng phát biểu chỉ đạo tại hội nghị “Triển khai thực hiện quy định Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục”. |
Ngày 5/12, tại Trường ĐH Văn Hiến, Thanh tra Bộ GD&ĐT tổ chức hội nghị “Triển khai thực hiện quy định Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục”.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng cho biết, công tác xử lý vi phạm hành chính nói chung và xử phạt vi phạm hành chính nói riêng là công cụ quan trọng trong hoạt động quản lý nhà nước.
Thời gian qua, công tác xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục đã được Bộ GD&ĐT quan tâm chỉ đạo thực hiện, mang lại nhiều kết quả tích cực. Qua đó, góp phần quan trọng vào kết quả đổi mới giáo dục phổ thông và tự chủ giáo dục đại học.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện xử phạt vi phạm hành chính vẫn còn những khó khăn, vướng mắc. Một bộ phận cán bộ lãnh đạo chưa nhận thức đúng về công tác xử phạt vi phạm hành chính. Việc phối hợp, tổ chức triển khai và thực hiện trình tự, thủ tục, thẩm quyền quy định chưa bám sát theo các quy định của pháp luật...
Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng chỉ đạo các cơ sở giáo dục đại học cần tăng cường công tác tuyên truyền nhằm triển khai có hiệu quả pháp luật về xử lý vi phạm hành chính. Đồng thời, tăng cường phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong công tác xử lý vi phạm hành chính. Qua đó, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những tồn tại, hạn chế. Xử lý kịp thời, đúng pháp luật các hành vi vi phạm, đảm bảo công tác xử lý vi phạm hành chính đạt kết quả cao.
Bộ GD&ĐT dự thảo Tờ trình Chính phủ đề nghị xây dựng Nghị định quy định chế độ phụ cấp ưu đãi nhà giáo. Theo đó, dự thảo đề xuất phụ cấp nhà giáo ở mức 25 - 100% tùy đối tượng.
Theo dự thảo trên, Bộ GD&ĐT đề xuất nâng mức phụ cấp ưu đãi đối với giáo viên mầm non đang hưởng mức 35% và mức 50% lên mức 70%. Giáo viên mầm non công tác vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn hưởng mức 100%. Với mức đề xuất này, dự kiến có khoảng hơn 200.000 giáo viên mầm non thuộc đối tượng điều chỉnh.
Công bố danh sách các cơ sở giáo dục ĐH và trường CĐ sư phạm được đánh giá, công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục
Bộ GD&ĐT công bố danh sách các cơ sở giáo dục ĐH và trường CĐ sư phạm được đánh giá, công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục. Danh sách được cập nhật đến ngày 31/10/2022.
Cụ thể, cả nước có 238 cơ sở giáo dục ĐH (trường ĐH, học viện) và 28 trường CĐ sư phạm đã hoàn thành báo cáo tự đánh giá chu kỳ 1; 44 cơ sở giáo dục ĐH hoàn thành báo cáo tự đánh giá chu kỳ 2.
180 cơ sở giáo dục ĐH được đánh giá ngoài chu kỳ 1; 20 cơ sở giáo dục ĐH được đánh giá ngoài chu kỳ 2. Có 11 trường CĐ sư phạm được đánh giá ngoài chu kỳ 1.
Số trường được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng trong nước là 176 cơ sở giáo dục ĐH và 11 trường CĐ sư phạm (chu kỳ 1); 16 cơ sở giáo dục ĐH được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng trong nước chu kỳ 2.
Ngoài ra, cả nước có 7 cơ sở giáo dục ĐH được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng theo tiêu chuẩn nước ngoài.
Bộ GD&ĐT công bố danh sách các cơ sở giáo dục ĐH và trường CĐ sư phạm được đánh giá, công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục. Ảnh minh họa/internet |
Phê duyệt liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ ngoại ngữ
Bộ GD&ĐT ban hành Quyết định việc phê duyệt liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ tiếng Anh Cambridge. Theo Quyết định này, các bên liên kết được phê duyệt gồm: Trung tâm Ngoại ngữ - Tin học trực thuộc Sở GD&ĐT Thành phố Hồ Chí Minh và Tổng hiệu trưởng, Thạc sĩ và Học giả của Đại học Cambridge hoạt động thông qua tổ chức trực thuộc Nhà Xuất bản và Hội đồng Khảo thí Đại học Cambridge (Cambridge).
Đối tượng dự thi là người có nhu cầu thi cấp chứng chỉ tiếng Anh Cambridge. Đề thi, quy trình đăng ký dự thi, quy trình tổ chức thi; cơ sở vật chất, trang thiết bị để tổ chức thi; việc bảo đảm an ninh, an toàn, bảo mật trước, trong và sau khi thi; đội ngũ cán bộ, kỹ thuật viên, nhân viên của các bên khi tham gia tổ chức thi thực hiện theo quy định của Cambridge và pháp luật của Việt Nam.
Ngày 30/11, Bộ GD&ĐT phê duyệt 4 quyết định về việc liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ tiếng Nhật JLPT. Chứng chỉ được cấp đều là: Certificate Japanese - Language Proficiency. Thời hạn hoạt động liên kết là 5 năm tính từ ngày Quyết định này có hiệu lực thi hành (30/11/2022).