Công bố Luật Nhà giáo
Sáng 11/7, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức Họp báo công bố lệnh của Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam công bố các Luật đã được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 9, trong đó có Luật Nhà giáo.
Phát biểu tại họp báo, Thứ trưởng Thường trực Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng cho biết: Luật Nhà giáo gồm 9 chương, 42 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2026.
Nội dung quy định của Luật Nhà giáo tập trung vào 5 chính sách lớn về nhà giáo đã được Chính phủ thông qua, bao gồm: định danh nhà giáo; tiêu chuẩn và chức danh nhà giáo; tuyển dụng, sử dụng và chế độ làm việc của nhà giáo; đào tạo, bồi dưỡng, đãi ngộ và tôn vinh nhà giáo; quản lý nhà nước về nhà giáo.
Đối với đội ngũ hơn một triệu nhà giáo trong toàn quốc, Luật Nhà giáo là hành lang pháp lý quan trọng, kiến tạo các chính sách đầy đủ và tốt hơn để nhà giáo yên tâm công tác và cống hiến với nghề.
Đối với ngành Giáo dục, Luật Nhà giáo khẳng định vị thế, vai trò chủ động của ngành trong tuyển dụng, sử dụng, quản lý, phát triển đội ngũ nhà giáo; tạo cơ hội thuận lợi hơn cho ngành Giáo dục trong quản lý ngành và phát triển đội ngũ nhà giáo.
Trong đó, Luật thống nhất giao thẩm quyền cho ngành Giáo dục chủ động trong tuyển dụng nhà giáo, phân cấp thẩm quyền tuyển dụng cho người đứng đầu cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập được tự chủ tuyển dụng nhà giáo.
Luật giao thẩm quyền cho Bộ trưởng Bộ GD&ĐT quy định về thẩm quyền tuyển dụng nhà giáo trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên.

Việc giao thẩm quyền cho ngành Giáo dục trong tuyển dụng, sử dụng nhà giáo là bước điều chỉnh quan trọng nhằm tháo gỡ những “điểm nghẽn” về chính sách đối với nhà giáo, đặc biệt là giải quyết bài toán thừa thiếu đội ngũ; chủ động điều phối, hoạch định các kế hoạch phát triển đội ngũ ngắn hạn, trung hạn, dài hạn trong tương lai.
Luật cũng quy định Bộ GD&ĐT là cơ quan chủ trì phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND cấp tỉnh xây dựng chiến lược, đề án, kế hoạch phát triển, tổng biên chế đội ngũ nhà giáo thuộc thẩm quyền quản lý trình cấp có thẩm quyền quyết định; phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND cấp tỉnh đề xuất cơ quan có thẩm quyền phê duyệt số lượng biên chế nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập.
Theo Thứ trưởng Thường trực Phạm Ngọc Thưởng, ngay sau khi được Quốc hội thông qua, Bộ GD&ĐT đã khẩn trương triển khai xây dựng, hoàn thiện các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Nhà giáo, gồm 3 Nghị định và gần 20 Thông tư thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, các bộ liên quan (Bộ Quốc phòng, Bộ Công an) để kịp ban hành và có hiệu lực đồng thời với hiệu lực của Luật Nhà giáo vào ngày 1/1/2026.

Chuyển 2 Đại học Quốc gia về Bộ GD&ĐT quản lý
Chính phủ ban hành Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Đại học Quốc gia. Theo đó, Đại học Quốc gia là cơ sở giáo dục Đại học công lập do Bộ GD&ĐT quản lý, có tư cách pháp nhân, có tài khoản riêng và sử dụng con dấu có hình Quốc huy.
Về nhân sự, Đại học Quốc gia thực hiện quy trình về công tác nhân sự để báo cáo Bộ GD&ĐT trình Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, miễn nhiệm Chủ tịch hội đồng, Giám đốc, Phó giám đốc...
Đại học quốc gia được ban hành quy định về chế độ làm việc của giảng viên, nghiên cứu viên để thu hút, phát huy nguồn nhân lực chất lượng cao.
Trong đào tạo, Đại học Quốc gia được xây dựng quy chế đào tạo các trình độ của giáo dục đại học, báo cáo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT để ban hành theo quy định của Luật Giáo dục Đại học và các quy định của pháp luật có liên quan.
Đặc biệt, đại học quốc gia là đơn vị dự toán cấp I được Thủ tướng Chính phủ giao dự toán ngân sách. Đại học Quốc gia sẽ thực hiện quản lý thống nhất việc phân bổ, giao dự toán ngân sách cho các đơn vị thành viên, đơn vị thuộc và trực thuộc, chịu trách nhiệm về công tác kế toán, quyết toán ngân sách của Đại học Quốc gia theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước hiện hành.
Hiện cả nước có 2 đại học quốc gia là Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh.

Góp ý sửa đổi các luật về giáo dục
Tuần qua tiếp tục diễn ra các hội thảo, phiên họp lấy ý kiến góp ý xây dựng Luật Giáo dục đại học (sửa đổi), Luật Giáo dục nghề nghiệp (sửa đổi).
Sáng 12/7, tại Hà Nội, Bộ GD&ĐT làm việc với Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội về dự thảo Luật Giáo dục đại học (sửa đổi) và Luật Giáo dục nghề nghiệp (sửa đổi).
Thực hiện chương trình lập pháp năm 2025 của Quốc hội, Bộ GD&ĐT đã hoàn thiện quy trình xây dựng dự án Luật Giáo dục đại học (sửa đổi) và dự án Luật Giáo dục nghề nghiệp (sửa đổi), trình Chính phủ thông qua tại Phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật ngày 21/6/2025.
Theo đúng quy trình xây dựng dự án luật, Bộ đã xây dựng dự thảo Luật Giáo dục đại học (sửa đổi) và Luật Giáo dục nghề nghiệp (sửa đổi).
Trong thời gian qua, Bộ GD&ĐT đã tổ chức các tọa đàm, xin ý kiến từ chuyên gia, cơ sở giáo dục, cũng như tiến hành tham vấn, lấy ý kiến các nhà khoa học trong các buổi làm việc với các tiểu ban của Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực.
Cho ý kiến tại buổi làm việc về hai dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh nhấn mạnh đến tính linh hoạt trong mô hình tổ chức đào tạo và sự cần thiết của việc thiết kế khung pháp lý phù hợp với thực tiễn.
Ông Nguyễn Đắc Vinh đề xuất nghiên cứu cơ chế cấp phép đào tạo linh hoạt hơn, cho phép các cơ sở giáo dục đủ điều kiện được đào tạo ở nhiều trình độ, góp phần đáp ứng tốt hơn nhu cầu nhân lực tại địa phương và tránh lãng phí nguồn lực.
Về giáo dục nghề nghiệp, ông Vinh khuyến nghị cần phân định rõ giữa các loại hình đào tạo cấp bằng (cao đẳng, trung cấp, sơ cấp) và các chương trình đào tạo nghề ngắn hạn, chứng chỉ để có phương thức quản lý phù hợp. Đồng thời nhấn mạnh vai trò quan trọng của doanh nghiệp trong việc phối hợp với cơ sở giáo dục, nhằm nâng cao chất lượng đào tạo và gắn kết chặt chẽ với nhu cầu sử dụng lao động thực tế.
Đối với giáo dục đại học, ông Vinh đề xuất cần có quy định để Bộ GD&ĐT trực tiếp quản lý một số ngành đào tạo đặc thù như y dược, sư phạm và luật, đồng thời khuyến nghị có hành lang pháp lý triển khai chính sách hỗ trợ đào tạo tiến sĩ, như miễn học phí, cấp học bổng, để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trình độ cao. Ông cũng ủng hộ việc xem xét tổng kết, đánh giá mô hình đào tạo theo tín chỉ để có những điều chỉnh phù hợp trong thời gian tới.
Cảm ơn các ý kiến, góp ý của Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh, việc trình đồng thời hai dự thảo Luật là cơ hội để nhìn nhận, so sánh và hoàn thiện đồng bộ.
Bộ trưởng đề nghị bổ sung các nguyên tắc lớn ngay trong Luật, để khi ban hành nghị định hướng dẫn, các nguyên tắc này không bị thay đổi, đảm bảo tính nhất quán. Việc rà soát lại toàn bộ quy định liên quan đến quyền của các đơn vị tự chủ cũng được yêu cầu thực hiện chặt chẽ.
Bộ trưởng nhấn mạnh Luật cần làm sao đảm bảo giữa hai mục tiêu: tăng cường tính định hướng để phục vụ chiến lược quốc gia về nhân lực và khoa học công nghệ, đồng thời vẫn phát huy tối đa sự sáng tạo, chủ động của các cơ sở giáo dục và các nhà khoa học, giảng viên. Mô hình phân vai rõ ràng giữa trường công lập và ngoài công lập, giữa tính thị trường và tính chỉ huy, cũng là định hướng cần được thể chế hóa trong lần sửa luật này.

Sáng 9/7, tại Bộ GD&ĐT, Tiểu ban Giáo dục nghề nghiệp, Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực tổ chức phiên họp góp ý về dự thảo Luật Giáo dục nghề nghiệp (sửa đổi). Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn chủ trì phiên họp.
Một trong những nội dung được quan tâm nhiều nhất tại phiên họp là việc đưa mô hình trung học nghề vào dự thảo Luật. TS Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học FPT nhận định: Dự thảo lần này có nhiều điểm đột phá, trong đó chương trình trung học nghề là bước tiến lớn, vừa góp phần phân luồng hiệu quả, vừa mở rộng cơ hội học tập cho học sinh sau THCS.
Tuy nhiên, TS Lê Trường Tùng cũng bày tỏ băn khoăn khi chương trình trung học nghề được quy định tương đương THPT về văn bằng, nhưng không tổ chức kỳ thi tốt nghiệp. Điều này, theo ông, cần được cân nhắc để bảo đảm sự công bằng và tính thống nhất giữa các hệ đào tạo.
Cùng quan điểm, bà Nguyễn Thị Thu Dung – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế Thái Bình đề nghị, cần quy định rõ tỷ lệ nội dung chương trình trung học nghề, trong đó tối thiểu 2/3 thời lượng nên dành cho văn hóa phổ thông, 1/3 cho đào tạo nghề. Điều này không chỉ giúp học sinh đủ kiến thức thi lên đại học nếu có nhu cầu, mà còn bảo đảm kỹ năng nghề ở trình độ phù hợp.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa đánh giá: Mô hình trung học nghề có thể giúp gỡ điểm nghẽn về phân luồng và liên thông, nhưng cần xác định rõ việc sẽ xây mới hay chuyển đổi các trường trung cấp hiện có. Việc triển khai phải được chuẩn bị đồng bộ về chương trình, cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên.
Phát biểu kết luận phiên họp, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh: Luật Giáo dục nghề nghiệp (sửa đổi) lần này không chỉ thay thế cho Luật hiện hành mà còn phải thể hiện được tầm nhìn dài hạn, đáp ứng yêu cầu phát triển trong bối cảnh hội nhập quốc tế và chuyển đổi số mạnh mẽ.
Theo Thứ trưởng, việc xác định phạm vi điều chỉnh của Luật là rất quan trọng. Cần làm rõ giáo dục nghề nghiệp chỉ bao gồm các trình độ thuộc hệ thống giáo dục quốc dân như sơ cấp, trung cấp, trung học nghề và cao đẳng. Những hình thức đào tạo nghề do doanh nghiệp, tổ chức quốc tế cung cấp không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật, bởi nhà nước không thể quản lý toàn bộ các mô hình dạy nghề ngoài hệ thống.
Đồng thời, Luật cần tạo cơ sở để công nhận kỹ năng, chứng chỉ đào tạo, từ đó thúc đẩy học tập suốt đời, gia tăng năng lực cạnh tranh của người lao động.
Về mô hình trung học nghề, Thứ trưởng cho rằng có thể đặt tên theo đặc thù lĩnh vực như “trung học kỹ thuật”, “trung học nghệ thuật”,… tùy thuộc vào định hướng đào tạo. Quan trọng nhất là đảm bảo chương trình phù hợp, đội ngũ vững chuyên môn và có lộ trình triển khai rõ ràng.

Chiều 9/7, Tiểu ban Giáo dục đại học, Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực tổ chức phiên họp góp ý về dự thảo Luật Giáo dục đại học (sửa đổi). Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cũng chủ trì phiên họp này.
Phát biểu góp ý tại phiên họp, TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến, nguyên Trợ lý Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, đánh giá cao nỗ lực của Ban soạn thảo trong việc xây dựng dự thảo Luật Giáo dục đại học (sửa đổi). Theo ông, dự thảo thể hiện rất rõ tinh thần đổi mới thể chế, hướng đến xây dựng một hành lang pháp lý, kiến tạo phát triển cho giáo dục đại học. Nếu được ban hành đúng như tinh thần hiện nay, dự thảo sẽ mở ra một không gian khoáng đạt cho sự phát triển bền vững và linh hoạt của giáo dục đại học Việt Nam.
PGS.TS Hồ Xuân Năng, Chủ tịch Hội đồng Đại học Phenikaa, đánh giá dự thảo lần này đã cập nhật nhiều nội dung mang tính chuyên môn, bổ sung những điểm mới, phù hợp thực tiễn từ góc nhìn cơ sở giáo dục đại học.
Ông Lê Huy Hoàng, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục, Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương, đề xuất dự thảo cần có một chương riêng quy định về trí tuệ nhân tạo (AI) trong giáo dục đại học, giáo dục đại học tư thục không vì lợi nhuận; đồng thời bổ sung quy định về vị trí việc làm giáo sư, phó giáo sư để phát huy hiệu quả nguồn nhân lực này.
Phát biểu kết luận phiên góp ý dự thảo Luật Giáo dục đại học (sửa đổi), Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn khẳng định: Bộ sẽ tiếp thu tối đa các ý kiến đóng góp, đảm bảo Luật thực sự là công cụ kiến tạo, đồng hành và thúc đẩy sự phát triển của hệ thống giáo dục đại học.
Chiều 6/7, Bộ GD&ĐT công bố đáp án tất cả môn thi tốt nghiệp THPT năm 2025 theo cả hai chương trình: GDPT 2018 và GDPT 2006. Theo quy định, kết quả thi sẽ công bố vào 8h sáng 16/7. Sau khi biết điểm, thí sinh có 10 ngày để phúc khảo nếu có nhu cầu, từ 16/7 đến 25/7. Thí sinh có nguyện vọng vào đại học sẽ đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng không giới hạn số lần trên hệ thống chung của Bộ từ ngày 16/7 đến 17h ngày 28/7.