Những việc cần làm hằng ngày để phòng bệnh nhiễm khuẩn tiết niệu ở bé gái

GD&TĐ - Chỉ trong 1 tháng gần đây, Khoa Tim mạch, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An đã tiếp nhận hơn 10 trường hợp bệnh nhi nhập viện vì bị nhiễm khuẩn tiết niệu.

Tỉ lệ mắc bệnh ở bé gái mắc nhiều gấp 5 lần so với bé trai. Ảnh: BV.
Tỉ lệ mắc bệnh ở bé gái mắc nhiều gấp 5 lần so với bé trai. Ảnh: BV.

Điển hình là trường hợp bệnh nhi N.N.D (4 tháng tuổi, trú tại huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An) nhập viện trong tình trạng sốt cao liên tục, nước tiểu đục.

Sau khi thăm khám và thực hiện những chỉ định cận lâm sàng cần thiết, kết quả xét nghiệm cho thấy chỉ số viêm cao, siêu âm phát hiện dị dạng hệ thống thận tiết niệu.

Tương tự, trường hợp bệnh nhi N.H.H.Đ (15 tháng, trú tại huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An) nhập viện trong tình trạng đái máu kèm đau buốt. Tại đây, bệnh nhi được chẩn đoán viêm bàng quang/ nhiễm khuẩn tiết niệu dưới.

Cả 2 trường hợp bệnh nhi đều được điều trị kháng sinh, sau 1 tuần, bệnh nhi hết sốt, xét nghiệm máu các chỉ số viêm về bình thường và tiểu tiện dần ổn định.

Theo các bác sĩ, trẻ đến khám phát hiện nhiễm khuẩn đường tiết niệu xảy ra ở mọi lứa tuổi, không loại trừ trẻ sơ sinh cũng có thể mắc phải. Biểu hiện thường gặp khi trẻ bị nhiễm trùng tiết niệu như tiểu khó, tiểu buốt, tiểu nhiều về đêm, nước tiểu có màu trắng đục, nhiều cặn lắng đọng...

Nhiễm khuẩn tiết niệu thường gặp là sốt cao liên tục trên 39 độ C, khó hạ được sốt ngay mà chỉ hạ khi đã điều trị kháng sinh đúng chủng loại có khả năng tiêu diệt được vi khuẩn sau 3 - 5 ngày.

Đôi khi trẻ kêu đau vùng hạ vị, vùng thắt lưng, hố thận, đau âm ỷ kèm theo sốt. Tùy tính chất, chủng vi khuẩn mắc phải mà trẻ sốt nhẹ hay sốt cao.

Luôn quan tâm đến việc vệ sinh và những sinh hoạt thường ngày của trẻ

Để phòng tránh bệnh nhiễm khuẩn tiết niệu cho trẻ các bậc phụ huynh hãy luôn quan tâm đến việc vệ sinh và những sinh hoạt thường ngày của trẻ. Với trẻ nhỏ cần lau khô và thay tã cho trẻ ngay sau khi đi vệ sinh, cần xem có cặn trắng ở bỉm không mỗi khi thay bỉm.

Với trẻ gái: Cha mẹ nên vệ sinh từ trước ra sau (vệ sinh từ lỗ tiểu ra sau hậu môn) để tránh vi khuẩn vào lỗ tiểu gây nhiễm trùng ngược dòng.

Với trẻ trai: Quan sát trẻ đi tiểu nếu thấy phồng bao quy đầu hoặc tia tiểu nhỏ cần cho trẻ khám ngay vì có thể do dài hoặc hẹp bao quy đầu.

Bên cạnh đó, cha mẹ cần hướng dẫn và tập cho trẻ thói quen đi vệ sinh đúng cách. Cần cho trẻ uống đủ nước hàng ngày, ăn uống đảm bảo vệ sinh với các loại rau củ quả để tăng lượng nước làm cho hệ bài tiết nước tiểu của trẻ được tốt hơn.

Khi phát hiện trẻ có các bất thường về hệ tiết niệu cần đến khám để phẫu thuật sớm trả lại chức năng sinh lý, chống nhiễm khuẩn tiết niệu do ứ trệ dòng chảy của nước tiểu.

Bệnh nhiễm trùng đường tiểu nếu phát hiện sớm có thể điều trị khỏi bằng kháng sinh theo chỉ định của bác sĩ. Đối với các bé trai bị dị tật đường tiểu như hẹp bao quy đầu thì cần can thiệp thủ thuật để điều chỉnh lại.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ