Bé gái 6 tháng tuổi tiểu ra máu do nhiễm khuẩn đường tiết niệu

GD&TĐ - Ba ngày liên tục khi thay tã cho con, chị Phương Hoa (Thành phố Hồ Chí Minh) phát hiện nước tiểu của con gái bất thường, từ màu hồng nhạt dần dần đậm tựa máu.

Nguồn: BVĐK Tâm Anh.
Nguồn: BVĐK Tâm Anh.

Bé tiểu ít, quấy khóc khiến gia đình chị lo lắng đưa bé đến cấp cứu tại BVĐK Tâm Anh ngay trong đêm.

Tại khoa Nhi, các bác sĩ phát hiện bé có hiện tượng hăm tã, nước tiểu màu hồng, nghi ngờ nhiễm trùng đường tiểu. 

Ngay lập tức, bé gái được thực hiện một số xét nghiệm kiểm tra, kết quả không nằm ngoài dự đoán ban đầu, mẫu nước tiểu xét nghiệm có vi khuẩn, siêu âm bụng có hình ảnh viêm bàng quang.

Bé gái bị nhiễm khuẩn đường tiết niệu dưới đang tiến triển, được nhập viện tại khoa Nhi điều trị bằng kháng sinh để ngăn ngừa biến chứng.

Các bác sĩ cho biết, trẻ đến khám tại khoa Nhi BVĐK Tâm Anh phát hiện nhiễm khuẩn đường tiết niệu xảy ra ở mọi lứa tuổi, kể cả trẻ sơ sinh. Bệnh thường gặp ở bé gái nhiều hơn bé trai, nguyên do cấu trúc đường niệu bé gái ngắn và nằm gần hậu môn, vi khuẩn có thể đi vào bên trong gây nhiễm trùng đường tiểu, đi ngược dòng theo niệu đạo lên bàng quang gây viêm bàng quang, rồi từ bàng quang theo niệu quản lên thận gây viêm đài bể thận. Ở bé trai nhiễm khuẩn đường tiểu thường do hẹp bao quy đầu, nước tiểu thường xuyên bị ứ lại gây viêm.

“Việc cho các con mang tã thường xuyên cũng có thể gây nhiễm trùng đường tiểu, nhất là tình trạng cả phân và nước tiểu lẫn lộn với nhau tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển”, các bác sĩ giải thích thêm.

Cha mẹ cần quan sát kĩ các dấu hiệu như nước tiểu đục, có máu, con quấy khóc, khó chịu, bứt rứt sau khi đi tiểu. Đặc biệt, nếu bé sốt kéo dài trên 3 ngày không rõ nguyên nhân thì cần đưa con đi khám ngay. Bởi vì nhiễm trùng đường tiểu dưới nếu không được chữa trị kịp thời, sẽ gây nhiễm trùng đường tiểu trên, trẻ sốt cao liên tục, lạnh run, tím tái, nôn ói, thậm chí sốc vì nhiễm trùng huyết.

Tình trạng nhiễm khuẩn đường tiết niệu ở trẻ vẫn có nguy cơ tái phát nhiều lần nếu vệ sinh kém. Sau mỗi lần trẻ đi tiểu cần vệ sinh sạch sẽ, nếu mặc tã phải thay thường xuyên, nếu được nên có thời gian ngưng tã. Để đường tiểu thông thoáng, cần lựa chọn loại tã phù hợp, chất lượng không gây hầm, bí, hăm tã.

Ngoài ra để phòng ngừa bệnh, cha mẹ nên hạn chế cho con vui chơi bùn, đất cát, hay tắm nước ao hồ tù đọng. Sau mỗi lần tắm tại ao, hồ, biển cần vệ sinh lại cho con bằng nước sạch.

Phụ huynh cũng cần cho trẻ uống nhiều nước, đối với trẻ dưới 6 tháng chưa cần uống nước ba mẹ nên tăng cường lượng sữa. Việc cung cấp đủ nước khiến trẻ đi tiểu nhiều, giúp giải phóng tình trạng nước tiểu cũ bị ứ đọng trong bàng quang, nước tiểu ứ đọng khiến vi khuẩn có môi trường tốt để phát triển.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ