5 khuyến cáo của Bộ Y tế phòng nhiễm khuẩn huyết do liên cầu lợn

GD&TĐ - Khoa Cấp cứu – Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ vừa tiếp nhận hai trường hợp người bệnh bị nhiễm khuẩn huyết và viêm màng não do liên cầu lợn.

Trường hợp 1, bệnh nhân là C.T.L (44 tuổi) ở Tam Nông – Phú Thọ vào viện ngày 14/5/2022 do sốt cao và nổi ban toàn thân. Theo chia sẻ của người nhà, khoảng 10 ngày trước vào viện, người bệnh có mổ lợn. sau khoảng 1 tuần, người bệnh có biểu hiện sốt cao và nổi ban khắp người.

Người bệnh được đưa vào Khoa Cấp cứu trong tình trạng nhiễm khuẩn nặng, sốt cao 40 độ C, thở nhanh, mạch nhanh, kèm theo nổi ban khắp người.

Qua khai thác tiền sử, bệnh sử cùng với khám lâm sàng và các kết quả cận lâm sàng, các bác sĩ chẩn đoán người bệnh bị nhiễm khuẩn huyết nghi do liên cầu lợn. Người bệnh được điều trị bằng các biện pháp tích cực: Kháng sinh; lọc máu; chăm sóc vùng da bị tổn thương kết hợp với dinh dưỡng.

Sau 4 ngày điều trị, người bệnh hết sốt, các ban hoại tử không còn lan rộng, các xét nghiệm cận lầm sàng cho kết quả tốt. Hiện tại tình trạng người bệnh đã dần ổn định và có thể ra viện trong vài ngày tới.

5 khuyến cáo của Bộ Y tế phòng nhiễm khuẩn huyết do liên cầu lợn ảnh 1
Nguồn: BV.
Nguồn: BV.

Cũng trong ngày 14/5, người bệnh N.V.Ch (67 tuổi) ở Phù Ninh – Phú Thọ được đưa vào Khoa Cấp cứu trong tình trạng sốt cao, rét run, rối loạn ý thức. Người bệnh được các bác sĩ chỉ định chụp chiếu, làm các xét nghiệm cận lâm sàng, xét nghiệm chọc dịch tủy não. Kết quả cho thấy người bệnh bị viêm màng não do liên cầu lợn.

Sau 4 ngày điều trị bằng kháng sinh, kiểm soát hô hấp, dinh dưỡng, an thần, người bệnh đã hết sốt, ý thức cải thiện dần và có thể ra viện trong vài ngày tới.

Nguyên nhân

Theo bác sĩ Nguyễn Đức Lịch – Khoa Cấp cứu, liên cầu lợn là vi khuẩn gây bệnh cho lợn và có nguy cơ lây cho người khi tiếp xúc với lợn bệnh hoặc sử dụng các sản phẩm từ lợn bệnh. Người nhiễm liên cầu lợn có biểu hiện lâm sàng khá đa dạng.

Quá trình diễn biến bệnh lý phụ thuộc vào mầm bệnh và sự đáp ứng của từng cơ thể người bệnh. Khi có dấu hiệu của nhiễm cầu khuẩn lợn, người bệnh cần phải nhanh chóng đến các cơ sở y tế để được điều trị kịp thời.

Khuyến cáo

Bộ Y tế đã đưa ra 5 khuyến cáo để phòng bệnh liên cầu lợn:

Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, không ăn tiết canh sống, các sản phẩm từ thịt lợn chưa được nấu chín.

Không sử dụng thịt lợn có màu đỏ khác thường, như xuất huyết hoặc phù nề.

Thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, sử dụng găng tay và các dụng cụ bảo hộ cần thiết khác khi tiếp xúc với lợn, chế biến thịt lợn, thường xuyên rửa tay với xà phòng.

Không mua bán, vận chuyển, giết mổ lợn bệnh, lợn chết; tiêu hủy lợn bệnh, lợn chết theo đúng quy định.

Người khi có các biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh như sốt cao đột ngột, đau đầu, chóng mặt, nổi ban ở da… và có tiền sử chăn nuôi, giết mổ lợn ốm, chết hoặc ăn sản phẩm từ lợn không đảm bảo vệ sinh, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời tránh nguy hiểm tính mạng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ