Thầy phải “tuân thủ” nội quy của lớp
Con đường đến với lớp học xóa và tái mù chữ của thầy giáo quân hàm xanh Phạm Công Khanh gập ghềnh khó đi, không biết bao nhiêu lần đoàn phải nghỉ giữa chừng, nhiều anh, em say xe nhớ đời. Thế nhưng, các chiến sĩ đón đoàn vẫn cười: May mà trời không mưa nên đường dễ đi chứ mùa mưa thì chịu đấy!
Thiếu tá Phạm Công Khanh công tác tại Đồn Biên phòng Bát Xát - Bộ đội biên phòng tỉnh Lào Cai. Ngoài nhiệm vụ chính trị là quản lý, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới với chính diện đoạn biên giới dài trên18 km chạy trên sông Hồng, các chiến sĩ còn giúp đỡ bà con học chữ.
Thiếu tá Phạm Công Khanh không có nghiệp vụ sư phạm, không có kinh nghiệm giảng dạy, thế nhưng, anh đã phối hợp chặt chẽ với các nhà trường tại địa bàn để đem con chữ về với bản và có nhiều đóng góp lớn với sự nghiệp giáo dục.
Trong quá trình tuyên truyền vận động nhân dân tham gia học xóa mù chữ và chống tái mù chữ sau biết chữ,”thầy giáo” Khanh bước đầu gặp không ít những khó khăn, bởi người không biết chữ thường mặc cảm, ngại va chạm và từ bé đến bây giờ chỉ biết cầm cày, cầm cuốc chứ không quen cầm bút.
Trước những khó khăn trở ngại ấy, anh đã báo cáo chỉ huy và được chỉ huy đơn vị giao nhiệm vụ cụ thể cho từng đồng chí và xây dựng kế hoạch cụ thể chi tiết cho từng ngày, từng tuần. Bản thân thiếu tá Khanh được Đảng ủy giao cụ thể phối hợp với Trung tâm học tập cộng đồng xã Bản Vược và các nhà trường đứng chân trên địa bàn xã tiếp cận vận động nhân dân đến lớp.
Hơn nữa, đối tượng học lớp xóa mù chữ đều là những lao động chính trong nhà nên việc tập trung lớp học gặp nhiều khó khăn, bởi các học viên ban ngày đi làm nương, làm ruộng, tối về còn việc gia đình, có hôm người này bận thì người kia lại rảnh nên thầy Khanh phải “tuân thủ” nội quy “tự chế” của lớp.
Nhiều khi đến giờ học nhưng thầy vẫn cố gắng chờ đợi các chị em hết việc đến lớp đủ mới bắt đầu. Nhiều hôm về đơn vị trong đêm nhưng người chiến sĩ ấy vẫn tươi vui.
Bước đầu, thầy Khanh và các đồng chí trong đơn vị đã vận động được 28 chị em có độ tuổi trung bình từ 30 đến 55 tuổi đến lớp đầy đủ. Ban đầu 28/28 học viên tham gia học tập lúc đầu đều không biết con chữ, con số. Hiện nay, những học viên này đã quen với kỷ cương lớp học và rất thích thú khi đến lớp của thầy Khanh.
“Tôi hiểu họ là những người chưa từng làm quen với sách vở nên mọi chữ cái đều được hình tượng hóa cho dễ học, giống như bài học đầu tiên là chữ O thì tôi mang theo quả trứng để học viên dễ nhớ, khi học thấy con chữ không khó học, ai nấy đều thích thú và đến lớp đầy đủ để mong chờ xem bài học hôm nay là gì?” – Thiếu tá Phạm Công Khanh chia sẻ.
Việc học chữ của các chị em trong bản không chỉ giúp các chị hiểu về sách vở, về bài học mà giúp ích rất nhiều trong đời sống. Các chị đi chợ đã biết nhìn hạn sử dụng, biết vận dụng phương pháp chăm sóc con cái, biết chăn nuôi làm kinh tế, thậm chí, nhiều chị biết nhìn bản đồ mà không cần phải hỏi đường... Điều đó là nguồn động viên tinh thần rất lớn cho đơn vị cũng như thầy giáo Khanh.
Hạnh phúc khi được gọi là thầy!
Trong số những học viên của mình, thầy Khanh nhớ nhất là chị Phàn Thị Hằng. Ngày đầu đến lớp, chị không quen cầm bút, không biết đọc, biết viết bên cạnh đó chị còn phải một mình nuôi hai con đang độ tuổi ăn học. Hơn nữa, chị lại bị cận thị bẩm sinh nên việc nhìn chữ, số gặp rất nhiều khó khăn.
Qua tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của chị, thầy Khanh cùng với các thầy cô giáo tham gia đứng lớp đã trích một phần lương của mình để giúp đỡ chị trong quá trình học tập.
Sự giúp đỡ của các thầy cô giáo cùng với sự quyết tâm của bản thân nên chị rất chịu khó đến lớp. Sau hai năm học tập đến tháng 6/2017 lớp học đã kết thúc, kết quả từ những học viên không biết chữ, biết số đã biết đọc thông, tính thạo và hoàn thành chương trình mức độ 2 tương đương với học sinh lớp 5.
Phần kiến thức học được đã giúp các chị biết đọc sách, báo qua đó đã giúp cho các chị nâng cao kiến thức và vận dụng kỹ thuật trong sản xuất, chăn nuôi phát triển kinh tế.
Hiện nay số hộ các chị tham gia học tập đã không còn hộ nghèo và tỷ lệ khá giàu tăng lên. Chị thường tâm sự với chúng tôi “các thầy cô đặc biệt là thầy Khanh, thầy giáo quân hàm xanh đã như sinh ra tôi một lần nữa”, các thầy cô đã trang bị cho chúng tôi một nguồn kiến thức mà chúng tôi chưa bao giờ biết tới, qua đó đã giúp chúng tôi thoát nghèo, tôi cảm ơn thầy giáo quân hàm xanh nhiều lắm.
Thiếu tá Phạm Công Khanh chia sẻ niềm vui cùng các học viên: Trước đây, khi tuyên truyền, phổ biến pháp luật, bà con nghe không hiểu nên rất khó để thực hiện đúng chủ trương đường lối. Nhưng, từ khi biết đến con chữ, biết đọc, biết viết, mọi người hiểu rất nhanh, đời sống nhân dân cũng khác nhiều. Chúng tôi vui vì đã làm tròn hai vai!
Chia sẻ về kỉ niệm trong quá trình làm “nghề giáo” của mình, thầy Khanh cười: Trước đây, bà con thường gọi tôi là chú bộ đội. Kể từ khi dạy lớp học xóa mù chữ, mỗi lần đi đường, nhìn thấy, họ reo to: Thầy giáo Khanh kìa. Điều đó làm tôi xúc động lắm! Thậm chí, ngày 20/11, nhiều học viên nhìn thấy tôi còn chạy ra chúc mừng, đó là điều hạnh phúc đối với những chiến sĩ được may mắn cầm phấn như tôi.
Năm 2016, thầy Khanh được Sở Giáo dục tỉnh Lào Cai tặng giấy khen trong quá trình tham gia dạy học xóa mù chữ sau biết chữ.
Thiếu tá Phạm Công Khanh là một trong số những chiến sĩ quân hàm xanh được tuyên dương trong chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2017.Chương trình do Bộ GD&ĐT, Trung ương Hội LHTNVN và Tập đoàn Thiên Long phối hợp tổ chức.
Trong chuyến đi thăm các thầy được tuyên dương tại Lào Cai, ông Trịnh Văn Hào – Giám đốc Marketing Tập đoàn Thiên Long – chia sẻ: "Không chỉ dạy chữ, các thầy giáo quân hàm xanh còn ân cần chăm lo bữa ăn, giấc ngủ cho các học trò như những người thân trong gia đình. Nhờ sự tận tâm và nỗ lực dạy học của các “thầy giáo” quân hàm xanh, hành trình đến trường của học trò vùng sâu vùng xa đã bớt nhọc nhằn.
Các chuyến đi thăm các “thầy giáo” quân hàm xanh sẽ tiếp tục trong tháng 10/2017 tại các đồn biên phòng khu vực Tây Nguyên và miền Nam. Chúng tôi tin rằng những câu chuyện đẹp về người thầy giáo quân hàm xanh sẽ còn tiếp nối và lan tỏa mạnh mẽ”.
Theo đó, các thầy sẽ được tuyên dương nhân dịp 20/11, mỗi cá nhân nhận được một sổ tiết kiệm trị giá 10 triệu đồng.