Theo đó, Ban tổ chức cuộc thi cho biết, lá thư của cô Thúy rất xúc động, như gợi lại cho nhiều thế hệ học sinh về những hình ảnh của người thầy thân thương đứng trên bục giảng.
Dẫu biết hành trình đi tìm con chữ của các em nhỏ nơi biên giới gặp khó khăn thế nào, không chỉ có quãng đường dài từ nhà tới trường để đến với con chữ đến với lớp học mỗi đêm mà còn cả gánh nặng cơm áo các em phải gánh vác cùng với gia đình. Dẫu vậy, nụ cười cũng không hề tắt trên môi, tiếng ríu rít đọc bài cũng không ngớt trên môi các cô cậu học trò.
Ánh mắt rực sáng trong đêm, còn sáng hơn cả ngọn đèn heo hắt treo trên bốn cây cột trong lớp chứa đựng niềm khao khát và niềm vui ở cái chữ mang lại cho mỗi đứa trẻ nơi đây.
Thế nhưng, ở lớp học ấy, đặc biệt nhất có lẽ là những người thầy mang quân hàm xanh đã không quản những gian nan vất vả và điều kiện nghèo nàn đem tới niềm hy vọng về một tương lai tươi sáng hơn cho các em.
Ban ngày họ bận rộn với những đợt huấn luyện nghiệp vụ, lao động cùng làm phát triển thôn bản với bà con vùng biên, lo giữ vững biên cương cho tổ quốc, thay nhau canh gác để đem yên bình cho người dân. Tối đến lại thay nhau phân công giảng dạy bổ túc cho các em học cái chữ, cái đức, cái nhân quyền của con người là hành trang để các em bước vào đời.
Lá thư của cô Phạm Thị Hồng Thúy đã đánh thức tiềm thức của mỗi học trò khi nghĩ đến những người thầy nơi biên cương:
Khi nhắc đến hai chữ “Giáo dục” trong tiềm thức của mỗi chúng ta chỉ nghĩ đến những thầy cô trên bục giảng với phấn trắng bụi bay cho ta một thời để nhớ, cả đời để biết ơn. Ở một môi trường bình thường chúng ta chỉ biết những thầy cô ngày ngày cùng ta đến trường, truyền cho ta những tri thức làm hành trang cho ta bước vào đời.
Nhưng đâu biết ở những vùng xa xôi trên lãnh thổ đất nước, khi cuộc sống khó khăn nghèo nàn đến ăn còn chẳng đủ thì cái “chữ” với họ thật xa vời mông lung. Thầy cô ở mái trường không ít điều đặc biệt nhắc đến chữ “Thầy” đối với những chiến sĩ giáo dục mang quân hàm xanh lại cực kỳ hiếm.
Họ là những chiến sĩ ngày đêm không ngại gian nan vất vả để giữ vững biên cương lãnh thổ của đất nước, họ là những anh bộ đội cụ Hồ có lòng yêu nước và thương dân như cha như mẹ như con cái của họ, họ là tấm gương của Đảng cộng sản ngời ngời cả đời chỉ vì nước quên thân vì dân quên mình.
Trong khi mỗi chúng ta có quyền chọn lựa một công việc phù hợp và nhàn hạ thì những con người ấy lại chọn khó khăn để bước qua và trải nghiệm cuộc sống, thay vì ở đồng bằng thành phố họ muốn lên những vùng cao xa xôi hiểm trở để thực hiện ước nguyện của mình, thay vì chọn vào Nam ra Bắc họ lại quyết định đến vùng biên cương, biển đảo ngoài khơi để thực hiện ý niệm của riêng mình… bởi trong họ luôn chảy những dòng máu anh hùng vì tổ quốc.
Khi chân dung những chiến sĩ mang quân hàm xanh trên vùng cao biên giới, ngày ngày thực hiện nhiệm vụ bảo vệ lãnh thổ, bảo vệ biên cương. Cùng sống cùng ăn cùng làm với những người dân tộc thiểu số, cùng họ vượt qua khó khăn để vươn lên thoát khỏi đói nghèo đã thấy họ thực sự cao cả.
Và càng thấy họ vĩ đại hơn khi chính những con người không có nền móng là giáo viên ấy lại giúp những trẻ em, người lớn ở những ngôi làng trên vùng cao, nơi biên giới và hải đảo xa xôi xóa bỏ được nạn mù chữ, biết đọc biết viết biết hò những câu dân gian à ơi lưu truyền trong sách vở.
Và cái họ nhận nhiều hơn khi cho đi là thấy những cụ già, trẻ em “ê” “a” từng câu chữ đầu đời… bởi hạnh phúc và sự cố gắng cống hiến của các chiến sĩ giáo dục mang quân hàm xanhđược bù lại là sự phát triển ổn định nhất của mỗi con người trên đất nước, sự góp phần nhỏ bé của các chiến sĩ chỉ mong muốn thấy nụ cười và ấm no của người dân trên mỗi vùng miền họ đóng quân và hành quân qua.
Cuộc thi Nghĩ về chiến sĩ giáo dục mang quân hàm xanh đã nhận được rất nhiều bài dự thi. Mỗi tuần Ban tổ chức vẫn chọn ra một bài tiêu biểu nhất để trao giải Nhất tuần.
Chương trình Chia sẻ cùng thầy cô do Bộ GD&ĐT, Trung ương Hội LHTNVN và Tập đoàn Thiên Long phối hợp tổ chức.