Những người mở trường cho phụ nữ

GD&TĐ - Chứng kiến nhiều người phụ nữ vuột mất cơ hội về một cuộc sống tốt đẹp hơn do không được giáo dục, ngày càng nhiều nữ trí thức Ấn Độ mở trường dạy học, dạy nghề dành cho nữ giới. Mô hình này là “tiếng nói” mạnh mẽ cho làn sóng nữ quyền ở Ấn Độ.

Nhà hoạt động nữ quyền Sonal Shukla.
Nhà hoạt động nữ quyền Sonal Shukla.

Phong trào nữ quyền Ấn Độ

Là nhà hoạt động nữ quyền nổi tiếng tại Ấn Độ, bà Sonal Shukla (1941 - 2021) đã gắn bó cả cuộc đời cho sự nghiệp giáo dục dành cho trẻ em gái. Dù không phải nhà giáo, bà Sonal đã giúp hàng nghìn trẻ em gái ở các khu ổ chuột được học chữ.

Bà Sonal, sinh ra trong một gia đình gắn bó với âm nhạc có cha là nhạc sĩ, còn mẹ là ca sĩ chuyên nghiệp. Từ nhỏ, bà đã được tiếp xúc với thơ ca cách mạng Ấn Độ, nhờ đó nuôi dưỡng lòng yêu đất nước, quê hương và dân tộc.

Xuất thân từ tầng lớp khá giả, bà Sonal đã sớm quan tâm đến số phận lẫn cuộc đời của những người phụ nữ Ấn Độ, vốn chịu nhiều thiệt thòi vì không được xã hội coi trọng.

Lớn lên, bà tích cực tham gia các phong trào ủng hộ nữ quyền, phản đối các hành động bất công đối với phụ nữ. Cùng với những nhà hoạt động xã hội chung chí hướng, bà Sonal đã đến nhiều nơi trên đất nước Ấn Độ để đòi quyền bình đẳng cho phụ nữ.

Càng đến những vùng nông thôn xa xôi, bà Sonal càng thương cảm khi chứng kiến những người phụ nữ không được học hành, phải lấy chồng sớm và sống trong cảnh bần cùng. Thậm chí, nhiều người bị chồng đánh đập dã man nhưng không dám phản kháng.

Trở lại thành phố Mumbai, bà Sonal bắt đầu gây dựng một thư viện nhỏ trong nhà chuyên nghiên cứu về nữ quyền. Thư viện có hơn 3 nghìn cuốn sách với nhiều đề tài khác nhau được viết bởi phụ nữ và dành cho phụ nữ.

Tiếng lành đồn xa, phụ nữ ở khắp Mumbai đã tập trung lại nhà Sonal để đọc sách, thảo luận các vấn đề về thế giới và chia sẻ kinh nghiệm, câu chuyện của chính họ.

“Bạn không thể là một phần của phong trào nữ quyền nếu không đọc và hiểu về phụ nữ”, bà Sonal chia sẻ.

Trong số những người phụ nữ tập trung tại nhà Sonal đọc sách, nhiều cô gái không biết chữ nhưng ham học. Họ đến nhà Sonal để được người khác đọc sách cho nghe. Mọi người đều say sưa với ngôn từ, câu chuyện trong các cuốn sách. Chứng kiến cảnh này, Sonal đã nảy ra ý tưởng thành lập một tổ chức giáo dục dành cho nữ giới.

Năm 1987, bà thành lập Quỹ Vacha cùng với hai cộng sự Dineshwari Thonse và Meenal Patel. Trụ sở tại thành phố Mumbai, Vacha là tổ chức giáo dục dành cho trẻ em gái, phụ nữ sống trong các khu ổ chuột của thành phố nhằm giúp các em xây dựng kỹ năng sống của thế kỷ 21.

Bất bình đẳng giới là một trong những vấn đề của ngành Giáo dục Ấn Độ.

Bất bình đẳng giới là một trong những vấn đề của ngành Giáo dục Ấn Độ.

Quỹ hy vọng cho trẻ em gái

Trong 10 năm đầu thành lập, Quỹ Vacha phối hợp cùng các trường phổ thông ở Mumbai và Thane. Tình nguyện viên tại Vacha trở thành trợ giảng trong các trường học để hỗ trợ nữ sinh giải quyết các vấn đề học tập. Đồng thời, tổ chức các chương trình, hội thảo, khóa học ngắn hạn trong nhà trường dành cho nữ sinh giúp các em trau dồi kỹ năng mềm, nâng cao cơ hội hòa nhập, học tập.

Nếu nữ sinh nghỉ học, các tình nguyện viên cùng giáo viên chủ nhiệm sẽ đến nhà vận động cha mẹ cho con trở lại trường. Nếu gia đình các em quá khó khăn, Quỹ Vacha sẽ kêu gọi các tổ chức xã hội, mạnh thường quân, nhà hảo tâm quyên góp tiền, đồ dùng học tập để các em “không bị bỏ lại phía sau”. Bất chấp những nỗ lực trên, số lượng học sinh bỏ học tại các trường phổ thông vẫn rất lớn.

Đầu những năm 2000, Quỹ Vacha tách riêng hoạt động, tự xây dựng các khóa học hướng đến đối tượng chính là trẻ em gái tại các khu ổ chuột ở thành phố Mumbai. Hàng năm, Quỹ Vacha tiếp cận khoảng 1.500 trẻ em gái thông qua chương trình này. Hầu hết các em đến từ gia đình có thu nhập thấp như công nhân xây dựng, lái xe kéo, thợ điện…

Ngoài giáo dục phổ thông, các bé gái tại Quỹ Vacha được dạy tiếng Anh, kỹ năng máy tính hoặc các ngôn ngữ khác nhau trong khu vực. Ngoài ra, các em được khuyến khích trau dồi kỹ năng nhiếp ảnh, nấu ăn, may vá… nhằm tăng cường sự hòa nhập cộng đồng và cơ hội tìm việc làm.

Dưới sự dẫn dắt của Sonal, Quỹ Vacha đã trở thành một tổ chức giáo dục mang tính biểu tượng về nữ quyền vào thời điểm bấy giờ tại Ấn Độ. Là người có tầm nhìn xa trông rộng, Sonal đã đưa chương trình học về máy tính vào giảng dạy từ rất sớm nhằm giúp những cô gái trẻ tiếp cận công nghệ.

Hiện nay, hàng tuần, Vacha tổ chức ba buổi học kéo dài 2 giờ cho khoảng 100 - 120 nữ sinh. Chương trình học xoay quanh ba lĩnh vực cốt lõi gồm tiếng Anh, máy tính và kỹ năng lãnh đạo. Học phí của Vacha thường rất thấp hoặc gần như miễn phí cho các gia đình đặc biệt khó khăn.

Bà Sonal qua đời năm 2021 nhưng di sản bà để lại cho làn sóng nữ quyền Ấn Độ rất ấn tượng. Quỹ Vacha hiện là một trong những tổ chức giáo dục dành cho trẻ em gái hàng đầu tại quốc gia này. Quỹ Vacha đã giúp đỡ hàng triệu trẻ em gái thoát khỏi sự kìm kẹp của đói nghèo, định kiến để tiếp cận tri thức và làm chủ cuộc sống.

Học viên của Tổ chức Sajhe Sapne.

Học viên của Tổ chức Sajhe Sapne.

Trao cơ hội đổi đời

Đến nay, vấn đề bất bình đẳng giới trong giáo dục tại Ấn Độ phần nào đã được cải thiện. Tỷ lệ trẻ em gái được đi học tại các thành phố lớn tăng dù ở nông thôn hoặc các khu vực nghèo đói, giáo dục dành cho trẻ em gái vẫn gặp nhiều khó khăn.

Tuy nhiên, nối tiếp các hoạt động ủng hộ nữ quyền mạnh mẽ, thế hệ phụ nữ hiện đại Ấn Độ đang tích cực hỗ trợ các cộng đồng trẻ em gái để mang lại cho các em cuộc sống tốt đẹp hơn.

Sinh ra và lớn lên tại làng quê nghèo Kandbari, bang Himachal, Ấn Độ nhưng Surabhi Yadav, ngoài 30 tuổi, không để hoàn cảnh thiếu thốn kìm bước phát triển của mình.

Cô gái sở hữu bằng thạc sĩ kép ngành Kỹ thuật hóa sinh – Công nghệ sinh học từ Học viện Công nghệ Ấn Độ - một trong những trường đại học tốp đầu Ấn Độ và ngành Thực hành phát triển của Trường ĐH California, Mỹ.

Trong khi đó, hầu hết phụ nữ ở làng Kandbari không được học hành hoặc bỏ học giữa chừng và làm nghề nông. Họ làm việc chăm chỉ không quản ngày đêm nhưng cuộc sống vẫn bấp bênh, nghèo khó.

Từ nhỏ, Surabhi đã được bố mẹ nuôi dưỡng ý thức phục vụ cộng đồng. Cô kể: “Trong trí nhớ của tôi, bố mẹ thường lặp lại cùng một câu hỏi: ‘Học vấn của con có thể giúp ích gì cho làng của chúng ta?’. Vì vậy, khi chứng kiến những cô gái có tiềm năng như mình chịu “chôn chân” trong cuộc sống nghèo khó, tôi cảm thấy buồn và muốn giúp họ có cuộc sống tốt đẹp hơn”.

Yagna Parmar, 38 tuổi, hiện là Chủ tịch Quỹ Vacha, cho biết: “Bà Sonal muốn xây dựng một trung tâm giáo dục dành cho phụ nữ. Ở đó, họ được bồi đắp trí tuệ, gắn kết tình cảm hoặc đơn giản là thư giãn, gạt hết mọi muộn phiền ngoài kia. Vacha cũng sẽ là nơi xóa bỏ quan niệm phụ nữ “ngu ngốc” và không có quyền tự quyết”.

Năm 2020, trong thời gian tham gia cứu trợ Covid-19, Surabhi tình cờ gặp Phula, cô gái 19 tuổi chỉ được học hết cấp 3. Nữ thạc sĩ quyết định tổ chức một lớp học vào ban đêm dành cho Phula và bốn người bạn đồng cảnh ngộ. Những cô gái này chưa từng được tiếp cận Internet nhưng rất ham học hỏi.

Quyết tâm cao độ của các cô gái trẻ đã truyền cảm hứng để Surabhi xây dựng Sajhe Sapne, tổ chức phi chính phủ nhằm giáo dục và hỗ trợ phụ nữ nông thôn gia nhập lực lượng lao động hiện đại bằng cách cung cấp cho họ việc làm ổn định tại bang Himachal.

Surabhi chia sẻ: “Ý tưởng đến với tôi rất rõ ràng, đó phải là một nơi để các cô gái cùng nhau học tập, tìm kiếm việc làm, trau dồi kỹ năng, kiến thức... Họ cũng sẽ được hướng dẫn cách chăm sóc cơ thể, tâm hồn để phát triển bản thân và giúp đỡ mọi người xung quanh. Mục tiêu của tôi là xây dựng thật nhiều trung tâm tương tự ở mọi làng quê nghèo trên đất nước, biến chúng trở thành mô hình học tập – việc làm dành cho phụ nữ nông thôn”.

Cuối năm 2020, Surabhi bắt tay xây dựng Sajhe Sapne thông qua chiến dịch huy động vốn từ cộng đồng, nhà hảo tâm, mạnh thường quân trên cả nước. Trung tâm được đặt tại làng Kandbari, bang Himachal.

Hiện tại, Sajhe Sapne có ba khóa học. Một là Umang, hướng dẫn học viên kỹ năng quản lý phát triển và tìm kiếm việc làm trong các tổ chức phi chính phủ, tổ chức xã hội. Thứ hai là Arohan, đào tạo học viên kỹ năng Toán tiểu học. Sau khi tốt nghiệp, học viên có thể thi lấy chứng chỉ giáo viên môn Toán và làm việc cho các trường phổ thông. Cuối cùng là khóa học Tarang, đào tạo kỹ năng phát triển web để học viên tiếp cận công nghệ số.

Không chỉ xây dựng các khóa học dựa trên nhu cầu việc làm và xu hướng thời đại, Sanjhe Sapne còn khuyến khích học viên duy trì văn hóa học tập. Học viên tại Sajhe Sapne có quyền tiếp cận kiến thức của cả ba khóa học, có thể hỗ trợ lẫn nhau trong học tập và xây dựng các kỹ năng mềm cần thiết cho công việc.

Những học viên chưa tốt nghiệp lớp 12 được hỗ trợ trang bị kiến thức, thi lấy chứng chỉ tốt nghiệp phổ thông trước khi đăng ký một trong các khóa học. Giảng viên tại Sajhe Sapne là chuyên gia, tình nguyện viên từ các tổ chức cộng đồng, tổ chức phi chính phủ. Mỗi khóa học thường kéo dài 9 tháng.

Năm đầu tiên, Sajhe Sapne có 25 học viên. Tất cả đều có việc làm sau khi tốt nghiệp với mức lương trung bình hàng tháng là 15 nghìn Rs (khoảng 4,3 triệu đồng). Một trong những học viên tốt nghiệp đầu tiên từ Sanjhe Sapne, Anjali, chỉ được học hết lớp 12 và phải phụ gia đình làm nông. Với mong muốn thay đổi cuộc đời, Anjali đã tìm đến Sajhe Sapne.

Cô gái trẻ tâm sự, khi mới đăng ký, Anjali không dám chắc có thể tìm được việc làm chỉ sau 9 tháng học tập. Nhưng hiện nay, Anjali được nhận làm nghiên cứu sinh tại tổ chức Takachar, thuộc Viện Công nghệ Massachusetts (MIT).

“Sajhe Sapne đã giúp tôi thay đổi cuộc đời. Không chỉ trau dồi kiến thức, tôi được rèn luyện nhiều kỹ năng mềm như giao tiếp, tự tin, thuyết phục... để làm việc hiệu quả hơn”, Anjali chia sẻ.

Theo Better India

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

GD&TĐ - Tiền đạo Richarlison của Tottenham và tuyển Brazil vừa thông báo anh sắp được làm bố khi bạn gái Amanda Araujo đang mang thai.