(GD&TĐ) - Một mùa tuyển sinh đầu cấp nóng bỏng nữa đang đến gần. Bên cạnh những ngôi trường có tỉ lệ học sinh lớn, không đáp ứng hết nhu cầu đầu vào thì cũng tồn tại một số ngôi trường nhiều năm liền không tuyển đủ học sinh. Điều đáng nói, từ cơ sở vật chất đến chất lượng dạy và học của những ngôi trường này không có sự chênh lệch nhiều, thậm chí còn tốt hơn so với những trường được phụ huynh ca ngợi là “chuẩn”.
Kẻ ăn không hết... người lần chẳng ra
Hiện nay ở một số trường điểm như: Mầm non Tuổi Hoa, Đống Đa, Kim Liên, Hoa Hồng; Tiểu học Kim Liên, Thái Thịnh, Trung Tự, Khương Thượng, THCS Nguyễn Trường Tộ, Đống Đa… số lượng học sinh nhập học đông dẫn tới quá tải tại các lớp học. Ở những trường này, đối với trường mầm non thì không đảm bảo diện tích từ 1,5 – 1,8m2 cho một trẻ, đối với trường tiểu học số lớp đều vượt quá 30 lớp; sĩ số trên một lớp đều trên 45 thậm chí có lớp trên 60 (quy định là 35), đối với trung học cơ sở số lớp vượt quá 45/1 trường và số học sinh vượt quá 45/1 lớp. Như vậy những trường này sẽ khó khăn về cơ sở vật chất và điều kiện tối thiểu để đảm bảo chất lượng giáo dục toàn diện, giáo viên cũng gặp khó khăn trong việc quản lý lớp và tổ chức dạy học; bản thân học sinh cũng phải học trong một điều kiện chật chội thiếu diện tích học và sân chơi.
Tuy nhiên, tình trạng trên không chỉ diễn ra ở riêng quận Đống Đa mà các quận khác trên toàn thành phố cũng tồn tại. Những cái tên như Tiểu học Quang Trung; Trần Quốc Toản, Trưng Vương… vẫn là niềm “mong ước” của các bậc phụ huynh khi có con bước vào lớp 1.
Trong khi một số trường quá tải thì vẫn có những trường hàng năm đang phải cố gắng mọi cách để tuyển đủ chỉ tiêu. Mặc dù lãnh đạo các Phòng Giáo dục và Đào tạo, các đơn vị quản lý trực tiếp các trường tiểu học này đều nhận định, các trường có sĩ số thấp không phải là trường chất lượng kém, nhiều trường có bước đường phát triển lâu năm, bảng thành tích dày dặn song việc tuyển sinh hàng năm vẫn cứ chật vật mà vẫn không đủ.
HS Trường Tiểu học Trung Phụng (Đống Đa, Hà Nội) |
Trường Tiểu học Trung Phụng (quận Đống Đa – Hà Nội) là một ví dụ. Trường nằm sâu trong khu ngõ chợ Khâm Thiên. Tuy nhiên cơ sở vật chất của nhà trường không hề thua kém các trường tiểu học công lập khác trên địa bàn quận (12 phòng học; 4 phòng bộ môn, bàn ghế thiết bị đồ dùng dạy học đầy đủ, cơ sở vật chất cho hoạt động bán trú đúng theo quy định chung của ngành giáo dục).
Bà Đặng Thanh Mai – Hiệu trưởng nhà trường còn cho biết, hàng năm nhà trường còn đầu tư cải tạo khuôn viên, quét vôi, sơn cửa, cải tạo các phòng học và làm việc đồng thời trang bị nhiều phương tiện dạy học hiện đại. Điều đáng nói, mặc dù là ngôi trường nhỏ chỉ với sĩ số hơn 200 học sinh toàn trường nhưng kết quả dạy và học của trường được nâng lên qua từng năm học. Cả giáo viên và học sinh của trường đã đạt nhiều giải cấp quận và thành phố. 12/12 chỉ tiêu của trường đều được xếp loại tốt...
Thế nhưng, có cơ sở vật chất, chất lượng dạy học tốt không đồng nghĩa với việc nhà trường sẽ kéo được đủ học sinh đúng tuyến trong phường nhập học. Nhiều năm qua, qua điều tra trước tuyển sinh số lượng chỉ tiêu đúng tuyến luôn ở mức cao với trên 200 song khi tuyển vào nhiều nhất cũng chỉ được ¼ số chỉ tiêu. Dù cố gắng thì từ năm 1996 đến nay mỗi năm Trường Tiểu học Trung Phụng cũng chỉ tuyển được mỗi khối 2 lớp với số lượng hơn 20 học sinh/ lớp.
Số lượng đầu vào đã thiếu, thì việc ổn định sĩ số cũng khó khăn bởi đặc điểm số học sinh trái tuyến học tại trường đa số là con em người lao động đóng trên địa bàn. Có khi tới giữa hoặc hết học kỳ I có tới vài học sinh trong diện trái tuyến lại chuyển trường.
Cùng “hoàn cảnh” tương tự như trường Trung Phụng là Trường Tiểu học La Thành (Đống Đa). Cách đường chính 400 – 500m, trường La Thành với hơn 50 năm thành lập nằm sâu trong ngõ Thổ Quan. Nếu không tính đến con đường vừa dài vừa nhỏ dẫn trường thì Trường Tiểu học La Thành gần như không còn điều gì đáng để “chê”. Diện tích khuôn viên nhà trường vào khoảng gần 3.000m2 với 14 phòng học, 6 phòng chức năng… vô cùng khang trang sạch đẹp. Không những thế trường đang có được một đội ngũ giáo viên có trình độ đạt chuẩn và trên chuẩn (1Ths; 14 đại học, còn lại là cao đẳng)… Thế nhưng như bà Vũ Tuyết Mai – Hiệu trưởng nhà trường cho biết, nhiều năm nay nhà trường luôn trong tình trạng tuyển không đủ học sinh. Gần đây nhất là năm học 2012- 2013 trường chỉ tuyển được 90 học sinh (trong đó 63 học sinh đúng tuyến còn lại là trái tuyến và ngoại tỉnh). Hiện tại, sĩ số của trường vào khoảng hơn 400 học sinh cho 5 khối (từ khối 1 đến khối 4 mỗi khối có 3 lớp; khối 5 có 2 lớp) với sĩ số trung bình học sinh trên lớp vào khoảng 30. Với tiềm năng đang sở hữu của trường La Thành thì trường hoàn toàn có thể đáp ứng tốt nhu cầu học tập cho số học sinh gấp đôi hiện nay.
Có thể thấy, trong bức tranh giáo dục thủ đô hiện nay bảng thành tích cao không chỉ tập trung ở những trường được phụ huynh coi là có chất lượng mà còn xuất hiện nhiều tên tuổi mới. Tại những ngôi trường ít tên tuổi này, sỹ số học sinh/lớp ít, giáo viên có điều kiện quan tâm tới từng học sinh hơn, học sinh cũng không phải chen chúc trong một phòng học thiếu không khí và đông đúc. Nhưng dù vậy, mùa tuyển sinh này không ít trường thành tích nhiều, tên tuổi ít vẫn vất vả để tuyển sinh.
Giải pháp nào?
Mang câu hỏi “Trường có giải pháp nào cho công tác tuyển sinh năm học mới đạt kết quả tốt hơn? tới nhiều trường học trong diện luôn “khát” học sinh”. Đa số các hiệu trưởng đều “cười buồn” mà nói rằng: Chúng tôi đã làm hết mình, nhưng do những điều kiện khách quan và chủ quan nên hàng năm tình hình mới chỉ khả quan hơn chút ít chứ chưa thể giải quyết triệt để.
Với đa số các trường không tuyển đủ học sinh đều chung hoàn cảnh như: nằm sâu trong ngõ, và từ lâu dân vẫn quan niệm đây là những ngôi trường “làng”. Bên cạnh đó, địa bàn của những ngôi trường này vẫn được biết tới với dân cư “tạp”, chủ yếu là người lao động phổ thông, trình độ dân trí chưa cao.… Chính vì vậy gia đình nào có điều kiện bằng mọi cách phải gửi con em vào những trường “điểm”, có tiếng mới yên tâm. |
Quả thực, có đến tận nơi những ngôi trường này mới thấy quyết tâm đầu tư, đổi mới của ban giám hiệu, giáo viên như thế nào trong việc nâng cao thương hiệu của trường mình. Bên cạnh việc đầu tư đẩy mạnh chất lượng giáo dục các trường hết sức chú trọng đến đầu tư về cơ sở vật chất thường xuyên. Đặc biệt như Trường Tiểu học La Thành, nhà trường còn quan tâm đến việc phát triển chất lượng mũi nhọn trong cả giáo viên và học sinh. Hàng năm, trường mời những chuyên gia, tổ chức uy tín đến huấn luyện, trao đổi cùng giáo viên toàn trường về các vấn đề kỹ năng giao tiếp với phụ huynh học sinh… Tại những ngôi trường ít tên tuổi, những ngôi trường mà các phụ huynh học sinh còn coi nhẹ này học sinh đang được học trong một môi trường thoáng mát, nhiều không khí. Và với sĩ số học sinh/lớp ít, các trò chắc chắn sẽ được cô chăm sóc và kèm cặp kỹ hơn rất nhiều so với những trường quá tải về học sinh.
Mặt khác, trong công tác điều tra, tuyên truyền vận động phụ huynh đưa trẻ tới trường đúng tuyến cũng được các trường triển khai từ rất sớm và kết hợp chặt chẽ với phường, quận sở tại. Tình trạng “há miệng chờ sung” đã bị loại bỏ. Mỗi mùa tuyển sinh là mỗi mùa toàn bộ ban giám hiệu và giáo viên nhà trường cùng chủ động vào cuộc.
Vẫn biết nội lực là vấn đề mấu chốt trong việc khẳng định thương hiệu của mỗi trường. Song với các trường đặc biệt, các trường khó nếu tiếp tục để “tự bơi” trong vấn đề tuyển sinh như hiện nay thì tình trạng “khát” học sinh chắc chắn không thể giải quyết dứt điểm. Theo nhiều ý kiến chung để giải quyết dứt điểm tình trạng “kẻ ăn không hết người lần không ra” ở mỗi mùa tuyển sinh đầu cấp thì vấn đề trái tuyến cần phải làm “gắt gao”. Các cấp lãnh đạo, quản lý trực tiếp cần có sự chung tay hợp lực và đặc biệt cần có chế tài xử phạt đủ mạnh đối với các trường hợp tuyển sinh trái tuyến.
Hà Linh Anh