Những lớp học xóa mù chữ trên miền đá xám

GD&TĐ - Khi màn đêm buông xuống, tiếng đánh vần “ê, a” lại vang lên ở bản người Mông nơi miền đá xám Mèo Vạc (Hà Giang).

Lớp học xóa mù chữ tại thôn Tả Chà Lảng, xã Sủng Trà. Ảnh: Minh Đức
Lớp học xóa mù chữ tại thôn Tả Chà Lảng, xã Sủng Trà. Ảnh: Minh Đức

Lớp học trong đêm

19 giờ, chúng tôi ghé thăm lớp học xóa mù chữ tại thôn Tả Chà Lảng, xã Sủng Trà (Mèo Vạc). Cái rét cứa vào da thịt đặc trưng của miền sơn cước nhưng vẫn không làm cho học viên nản lòng, từng tốp người già, người trẻ háo hức đến nhà văn hóa để tìm con chữ.

Ở lớp học đặc biệt này, học viên gồm nhiều lứa tuổi khác nhau, người lớn nhất hơn 50 tuổi. Tiếng đánh vần học bài vốn chỉ dành cho học sinh lớp 1 nhưng với những học viên này đó là bước đi đầu tiên trong nỗ lực tiếp cận ánh sáng tri thức.

Toàn xã Sủng Trà có 9 thôn bản với tổng dân số là hơn 4.500 nhân khẩu, 100% là đồng bào dân tộc thiểu số nên tình trạng mù chữ ở lứa tuổi trung niên trở lên vẫn còn nhiều. Đặc biệt, hầu hết người tái mù chữ đều là người lao động chính trong gia đình và nhận thức về ý nghĩa của việc học còn hạn chế, công tác vận động người dân tham gia lớp học gặp không ít khó khăn.

Trước thực trạng đó, xã Sủng Trà đã phối hợp với các đơn vị chức năng để mở lớp xóa mù chữ tại thôn Tả Chà Lảng.

Chị Sùng Thị Chứ, thôn Tả Chà Lảng, xã Sủng Trà, 30 tuổi chia sẻ: Không biết chữ thì thiệt thòi lắm đi đâu làm gì cũng bất tiện. Nay được tham gia lớp xóa mù chữ mỗi chị em chúng tôi mới thấy việc đi học có lợi ích như thế nào. Khi ra đường hoặc đi chợ phiên mình cũng không phải lo lắng, ngại ngùng như trước nữa. Ai hỏi gì hay mình bán cái gì cũng đã biết trả lời và tính toán rồi.

Theo ông Phàn Lão Ú, Phó Chủ tịch UBND xã Sủng Trà: Để nâng cao chất lượng xóa mù chữ, xã Sủng Trà đã lựa chọn những thầy cô giáo có kinh nghiệm lâu năm trong công tác giảng dạy, am hiểu phong tục tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số, tận tâm, nhiệt tình. Nhờ đó, tuy là lớp học xóa mù chữ cho người lớn nhưng những mặc cảm, tự ti của học viên đã không còn. Với phương pháp giảng dạy linh hoạt, chất lượng dạy và học ngày càng được khẳng định, hầu hết học viên sau một thời gian học đã biết đọc, biết viết, biết giao tiếp tiếng Việt.

Không chỉ ở xã Sủng Trà, tại các địa phương khác của huyện Mèo Vạc cũng liên tục mở các lớp học xóa mù chữ cho đồng bào. Các lớp học có số lượng học viên và thời gian dạy khác nhau sẽ được điều chỉnh linh hoạt tùy vào điều kiện tại địa phương. Các học viên sẽ được giáo viên giảng dạy theo nội dung chương trình đã được quy định trong tài liệu ban hành theo Thông tư số 33 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Lớp học xóa mù chữ được tổ chức tại các thôn ở Mèo Vạc thu hút nhiều học viên tham gia. Ảnh: Minh Giàng

Lớp học xóa mù chữ được tổ chức tại các thôn ở Mèo Vạc thu hút nhiều học viên tham gia. Ảnh: Minh Giàng

Nỗ lực “gieo” chữ

Với đặc thù là huyện vùng cao biên giới còn nhiều khó khăn của tỉnh Hà Giang, Mèo Vạc có tổng dân số trên 93.000 người, gồm 17 dân tộc anh em cùng chung sống, trong đó, dân tộc Mông chiếm trên 78% dân số toàn huyện. Đơn sống khó khăn nên tỷ lệ người mù chữ trên địa bàn huyện còn khá cao.

Thời gian qua, cùng với việc thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục, huyện xác định công tác xóa mù chữ là nhiệm vụ quan trọng. Hàng năm, phòng Giáo dục và Đào tạo huyện đã xây dựng kế hoạch, phối hợp với các cấp, các ngành; các xã, thị trấn, mở các lớp xóa mù chữ tại cơ sở.

Hiện tại, 18 xã, thị trấn của huyện Mèo Vạc đều có các lớp học xoá mù chữ được mở, với gần 500 học viên là đồng bào dân tộc thiểu số theo học. Sau mỗi khoá học kéo dài 1 năm, các học viên sẽ được làm quen và trang bị các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết tiếng Việt và làm một số phép tính cơ bản.

Ngoài ra, các lớp xóa mù chữ đã có sự phối hợp với dạy nghề hay các hoạt động khác nhằm tạo điều kiện cho người học tiếp cận nhiều kiến thức trong cuộc sống, phù hợp với đối tượng, tránh được sự nhàm chán cho các học viên…

Bên cạnh những kết quả đạt được, hiện nay, công tác xóa mù chữ ở Mèo Vạc đang đối diện không ít khó khăn, hạn chế. Cụ thể, địa bàn dân cư sống không tập trung, các đối tượng xóa mù chữ, tái mù chữ là độ tuổi lao động, phần lớn người học là lao động chính hoặc phụ nữ nên việc huy động mở lớp học gặp nhiều khó khăn; tỷ lệ huy động học sinh đi học đúng độ tuổi của một số xã biên giới còn hạn chế; tỷ lệ người biết chữ tương đối lớn nhưng do chất lượng học tập chưa thực sự đảm bảo nên tỷ lệ tái mù trở lại cao…

Nhằm tháo gỡ những khó khăn, đồng thời tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác xóa mù chữ trên địa bàn, thời gian tới, huyện Mèo Vạc tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền, nâng cao nhận thức của người đứng đầu với công tác xóa mù chữ; củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy lãnh đạo của các Trung tâm Học tập cộng đồng, BCĐ phổ cập giáo dục các xã, thị trấn đảm bảo về cơ cấu, bộ máy mang tính ổn định lâu dài; chỉ đạo các đơn vị giáo dục tổ chức điều tra, rà soát các đối tượng xóa mù chữ để xây dựng kế hoạch mở các lớp học theo từng giai đoạn, năm học.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.