Phổ cập giáo dục, xóa mù chữ tại Quảng Nam không chạy theo thành tích

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Có 100% huyện, thị xã, TP của tỉnh Quảng Nam đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2 và được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi.

Tiết Âm nhạc tại điểm trường thôn 2, Trường PTDTBT Tiểu học và THCS Trà Ka. (Ảnh: Hoàng Vinh)
Tiết Âm nhạc tại điểm trường thôn 2, Trường PTDTBT Tiểu học và THCS Trà Ka. (Ảnh: Hoàng Vinh)

Toàn tỉnh đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2

Ông Trần Anh Tuấn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam vừa chủ trì buổi họp Ban chỉ đạo phổ cập giáo dục, xóa mù chữ của tỉnh.

Theo báo cáo của Sở GD&ĐT, năm 2022 Quảng Nam tiếp tục duy trì và nâng cao kết quả công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ. So với năm 2021, chất lượng công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ được duy trì và phát triển.

Cơ sở vật chất trường lớp được củng cố, nhất là ở các huyện miền núi cao; đội ngũ giáo viên được tăng cường; tỉ lệ trẻ đến trường được duy trì ở mức cao; tỉ lệ thanh thiếu niên trong độ tuổi phổ cập được theo dõi, quản lí đảm bảo.

Có 100% huyện, thị xã, thành phố đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2 và được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi. Đối với phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, cả 18 địa phương đạt phổ cập mức độ 3 tại thời điểm năm 2022, được Bộ GD&ĐT kiểm tra công nhận tỉnh đạt chuẩn.

Về phổ cập giáo dục THCS, tỉnh đạt chuẩn mức độ 2 tại thời điểm tháng 12/2022. Trong đó 8 địa phương đạt chuẩn mức độ 2 gồm: Bắc Trà My, Nam Trà My, Tiên Phước, Hiệp Đức, Phước Sơn, Nông Sơn, Tây Giang, Đông Giang), 10 địa phương đạt chuẩn mức độ 3 là Núi Thành, Tam Kỳ, Phú Ninh, Thăng Bình, Quế Sơn, Nam Giang, Đại Lộc, Duy Xuyên, Điện Bàn, Hội An.

Ghi nhận tại huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam, nơi có 9/13 xã, thị trấn thuộc diện khó khăn. Trong năm học qua, việc phổ cập giáo dục đạt được nhiều kết quả nhất định. Trong đó, mạng lưới trường lớp được củng cố và phát triển, cơ sở vật chất từng bước được đầu tư. Đội ngũ cán bộ, giáo viên cơ bản đảm bảo về số lượng, chuẩn về trình độ đào tạo.

Tuy vậy vẫn còn một số khó khăn như trình độ dân trí không đồng đều giữa các vùng; dân cư sống thưa thớt, giao thông đi lại ở giữa điểm chính đến một số thôn ở các xã còn khó khăn... Tỉ lệ học sinh vắng học các ngày trong tuần còn cao chủ yếu ở các xã vùng cao làm ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục.

Học sinh ở Trường PTDTBT Tiểu học và THCS Trà Ka. (Ảnh: Hoàng Vinh)

Học sinh ở Trường PTDTBT Tiểu học và THCS Trà Ka. (Ảnh: Hoàng Vinh)

Ban Chỉ đạo phổ cập giáo dục huyện Bắc Trà My được thành lập cùng với đó phân công trách nhiệm cho các thành viên trong ban chỉ đạo, chỉ đạo các ban ngành, đoàn thể xây dựng kế hoạch phối hợp tổ chức thực hiện.

Ông Nguyễn Thanh Tú - Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Bắc Trà My cho hay, là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo phổ cập giáo dục huyện thường xuyên tham mưu UBND huyện chỉ đạo các xã thị trấn thực hiện tốt việc huy động học sinh ra lớp, nhất là thời điểm đầu năm học, sau tết nguyên đán.

“Hằng năm, các trường học tham mưu Hội đồng giáo dục tổ chức Hội nghị giáo dục cấp xã bàn về các giải pháp huy động và duy trì sĩ số học sinh và phân công nhiệm vụ cho các thành viên trong Hội đồng.

Các trường học thường xuyên cập nhật số lượng học sinh trong từng độ tuổi, tham mưu địa phương tuyên truyền về công tác huy động và duy trì sĩ số học sinh. Giao cho giáo viên chủ nhiệm các lớp thường xuyên theo dõi việc chuyên cần của học sinh của lớp, đặc biệt quan tâm đến những học sinh vắng học, có hoàn cảnh gia đình khó khăn. Phân công giáo viên định kỳ đến tận nhà học sinh để vận động học sinh ra lớp”, ông Tú thông tin.

Đối với chuẩn xóa mù chữ, đại diện lãnh đạo Phòng GD&ĐT Bắc Trà My cho hay, tổng số xã đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2 là 13/13, đạt tỉ lệ 100%.

Không chạy theo thành tích

Tại cuộc họp Ban chỉ đạo phổ cập giáo dục và xóa mù chữ của tỉnh Quảng Nam, ông Trần Anh Tuấn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Sở GD&ĐT Có những giải pháp khắc phục khó khăn, hạn chế về cơ sở vật chất, đội ngũ, công tác kiểm tra, điều tra, đánh giá số liệu phổ cập giáo dục phải đúng thực chất, không chạy theo thành tích.

Để làm được điều này, theo ông Nguyễn Thanh Tú - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Bắc Trà My, trong năm 2024, UBND huyện tiếp tục đặt ra mục tiêu phổ cập giáo dục và xóa mù chữ.

Trong đó, tiếp tục duy trì và nâng cao tỉ lệ và chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục Tiểu học và xóa mù chữ, phổ cập giáo dục THCS. Đảm bảo 13/13 số xã, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi.

Đảm bảo 13/13 số xã, thị trấn đạt chuẩn xóa mù chữ. Đảm bảo 13/13 số xã, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục Tiểu học. Duy trì 13/13 xã đạt mức độ 3.

Học sinh ở huyện Bắc Trà My. (Ảnh: Hoàng Vinh)

Học sinh ở huyện Bắc Trà My. (Ảnh: Hoàng Vinh)

Ngoài ra, tiếp tục xây dựng trường đạt chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục và trường chuẩn quốc gia. Ưu tiên sử dụng vốn kiên cố hóa trường học, vốn xây dựng cơ bản, kinh phí chương trình mục tiêu Quốc gia, vốn từ các dự án... để đầu tư thêm và làm mới cơ sở vật chất như: phòng bộ môn, thư viện, trang thiết bị dạy học, ...; có kế hoạch huy động số học sinh ra lớp; tăng cường công tác phụ đạo, giúp đỡ học sinh yếu kém.

"Tiếp tục bồi dưỡng giáo viên thực hiện Chương trình GDPT 2018. Tập trung đổi mới công tác quản lý gắn với kiểm tra, tích cực đẩy mạnh đổi mới phương pháp dạy và học trong nhà trường. Tiếp tục chỉ đạo các đơn vị mở lớp xóa mù chữ và giáo dục sau khi biết chữ theo Kế hoạch của UBND huyện", ông Nguyễn Thanh Tú chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ